VỢ CHỒNG CỰU BỘ TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHÁP


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt.

Ngày cuối năm 1978, Điện Élysée - phủ tổng thống Pháp - được trang hoàng thật lộng lẫy. Hôm ấy các Bộ Trưởng đến chúc mừng năm mới tổng thống Pháp, ông Valéry Giscard d'Estaing (1974-1981). Khi tổng thống bước vào phòng tiếp tân, mọi tiếng nói im bặt và đèn bật sáng trưng. Các nhiếp ảnh viên bấm máy lia lịa. Bỗng ống kính của một máy quay phim dừng lại, đóng khung và phóng lớn khuôn mặt của một phụ nữ dàn dụa nước mắt. Bà đang lặng lẽ khóc. Đó là nữ Bộ Trưởng Gia Đình, bà Monique Pelletier.. Bà khóc vì nghĩ đến người chồng thân yêu, ông Jean-Marc, đang chiến đấu với tử thần nơi Bệnh Viện thành phố Lyon, Đông Nam nước Pháp ..

Ông bà Jean-Marc và Monique Pelletier là đôi vợ chồng tâm đồng ý hợp. Năm 1978, ông Jean-Marc làm tổng giám đốc ngân hàng Indosuez. Bà Monique được mời giữ chức Bộ Trưởng Nữ Giới và Gia Đình. Và hai người lấy nhau được 30 năm. Từ tổ uyên ương đầm ấm này, 7 người con đã ra chào đời: 3 gái và 4 trai. Sophie, trưởng nữ đang theo ngành bác sĩ. Đây là gia đình Công Giáo Pháp đông con và gương mẫu. Ông bà Pelletier sống đạo thực sự và luôn luôn tìm cách thông truyền Đức Tin Kitô cho 7 đứa con.. Gia đình thật hòa hợp hạnh phúc. Nhưng rồi thử thách xảy đến. Ngày 21-12-1978, đang dồi dào sức khoẻ, ông Jean-Marc bỗng lâm trọng bệnh. Khi được đưa tới Bệnh Viện ông hoàn toàn bất tỉnh. Bác sĩ khám phá ra ông bị đứt mạch máu não nên bị bán thân bất toại và không nói năng gì được.

Lễ Giáng Sinh năm đó, gia đình bà Monique Pelletier và 7 đứa con sống trong sầu khổ vô biên. Mọi người biết rằng ông Jean-Marc không thoát hiểm nguy. Hoặc nếu sống được cũng chỉ sống như loài thảo mộc. Tuy nhiên, toàn gia đình, bắt đầu từ chính ông Jean-Marc, cho đến bà Monique và 7 đứa con, tất cả một lòng một ý cùng cương quyết đương đầu với cơn bệnh.

1 năm sau, ông Jean-Marc bắt đầu thoát ra cảnh tàn phế. Ông có ý chí sắt đá: vừa chấp nhận chứng bệnh vừa cố gắng thoát ra cảnh tàn tật. Dần dần ông tự tập làm những cử điệu đơn giản và sơ đẳng nhất. Những ai có dịp đến thăm ông, không khỏi ngạc nhiên về thái độ anh hùng chịu bệnh của ông. Có lẽ một phần cũng nhờ tình thương âu yếm của đàn con 7 đứa. Chúng vẫn giữ nguyên thái độ tôn kính đối với thân phụ tàn tật. Chúng cư xử với ông, y như một người cha bình thường và thi nhau giúp ông trở lại trạng thái bình thường. Chúng không bao giờ để ông cô đơn một mình.

12 năm trôi qua, kể từ khi tai nạn xảy ra, vào năm 1990, ông Jean-Marc gần như bắt đầu phát âm diễn tả được ý mình muốn nói. Thế nhưng, có điều lạ lùng, suốt 12 năm bệnh tật hiểm nguy đó, ông Jean-Marc chỉ ghi nhớ duy nhất một biến cố quan trọng: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 viếng thăm mục vụ nước Pháp lần đầu tiên, đặc biệt tại thủ đô Paris. Cuộc viếng thăm diễn ra từ ngày 30 tháng 5 đến mùng 2 tháng 6 năm 1980. Chính bà Monique Pelletier kể lại như sau:

Trong tư cách vừa là Nữ Bộ Trưởng Gia Đình vừa là tín hữu Công Giáo nhiệt thành với đàn con 7 đứa, tôi được chỉ định làm người đại diện, cống hiến cho Đức Thánh Cha một hình ảnh tích cực về gia đình nước Pháp, trưởng nữ trung tín của Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ.

Jean-Marc cũng là tín hữu Công Giáo đạo đức. Chồng tôi bày tỏ ước muốn được tham dự Thánh Lễ do chính Đức Thánh Cha cử hành, trước thềm Đền Thờ Đức Bà Paris. Thật là thời điểm đáng ghi nhớ. Jean-Marc ngồi sau tôi, nơi hàng thứ 6 hoặc thứ 7, nhưng tôi có cảm tưởng là chàng đang ngồi cạnh tôi, trong tư thế của tín hữu Công Giáo đạo đức, lần đầu tiên được tham dự Thánh Lễ do chính Đức Thánh Cha cử hành. Đến phần rước lễ, Jean-Marc được đứa con trai chúng tôi dìu lên chịu lễ. Tôi đoán được tâm tình xúc động và tri ân của chàng khi rước nhận Mình Thánh Chúa GIÊSU do chính tay Đức Thánh Cha trao. Tôi thầm nghĩ: “Nếu có ai đáng được hưởng lòng từ bi của Thiên Chúa người đó chính là Jean-Marc!”

(“Reader's Digest Sélection”, Février/1996, trang 51-58).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN