TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN VÀO CHÚA GIÊSU KITÔ
Chiều 16-9-1994, Đức Hồng Y Albert Decourtray, Tổng Giám Mục giáo phận Lyon, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp, qua đời hưởng thọ 71 tuổi. Trong điện văn gửi tới Đức Cha Jacques Faire, Giám Mục phụ tá Tổng giáo phận Lyon, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 bày tỏ đau buồn sâu xa về sự ra đi của Đức cố Hồng Y Decourtray. Ngài viết: ‘‘Tôi vẫn giữ trong ký ức kỷ niệm về Đức cố Hồng Y, vị mục tử nhiệt tâm với Lời Chúa, rạng ngời về cuộc sống tu đức, luôn quan tâm tới người nghèo khổ nhất, hăng say tìm kiếm hiệp nhất các tín hữu Kitô và quảng đại cổ võ tình liên đới. Tôi cám tạ Chúa vì sứ vụ giám mục của Đức cố Hồng Y từng phục vụ dân Chúa tại Dijon và Lyon”.
Lời khẳng định của Đức Thánh Cha tóm lược phần nào công đức của vị Hồng Y quá cố. Điểm nổi bật trong cuộc đời Đức Hồng Y Decourtray là Đức Tin ngời sáng, đặt trọn nơi Chúa GIÊSU KITÔ và nơi Giáo Hội Công Giáo. 6 năm trước khi qua đời, trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo ‘‘Paris Match”, số ra ngày 22-12-1988, Đức Hồng Y nói:
Nếu chiều nay bất ngờ có ai hỏi tôi: ‘‘Đối với ngài, Đức KITÔ là ai?”, hẳn tôi sẽ dành thời giờ để tuyên xưng rằng: Chúa KITÔ là ai ư? Thì bạn chỉ cần nhìn Ngài. Chưa bao giờ có người nào trên thế gian này biết kính trọng người khác giống như Đức KITÔ! Chưa bao giờ có người nào yêu thương sâu đậm con người hơn Đức KITÔ! Và cũng chưa bao giờ có người nào yêu mến Thiên Chúa, Cha Ngài, hơn Đức KITÔ. Chúa KITÔ là trung tâm điểm trí thông minh, cuộc đời và sự sống tôi. Tôi chỉ muốn nói về Người và chỉ ước ao sống trung tín với Người.
Nhưng làm sao hiểu biết Người, như tôi vừa tuyên xưng, nếu không có Giáo Hội Người? Ai sẽ bảo đảm cho chúng ta chính Ngài là Đức KITÔ, nếu không phải là Giáo Hội?
Đây là điều chính yếu cuộc đời tôi. Trước tiên là Đức KITÔ tiếp đến là Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội bao gồm mọi tín hữu, kể cả những người tội lỗi.
Trả lời câu hỏi: ‘‘Đức KITÔ có sống động, tân tiến và hợp thời không”, Đức Hồng Y nói: ‘‘Bạn hãy nhìn chúng tôi thì thấy Đức KITÔ! Người đang nói với bạn là ai? Dĩ nhiên là Đức Hồng Y Albert Decourtray, Tổng Giám Mục Lyon. Nhưng thật ra là chính Đức KITÔ nói qua miệng tôi. Tất cả những gì tôi nói, tôi đều nói nhân danh Đức KITÔ .. Sự nhiệt tâm, lòng hăng say của tôi, đến từ Đức KITÔ .. Khi tuyên xưng như thế, không có nghĩa tôi kiêu căng, tự cao tự đại, nhưng chỉ nói lên chân lý. Chân lý đến từ thừa tác vụ thánh của tôi. Chính Đức KITÔ phán: ‘‘Ai nghe các con là nghe Thầy”. Khi tôi bằng lòng lãnh nhận thiên chức linh mục, rồi giám mục, chính vì tôi tin rằng, nhờ ơn Đức KITÔ, tôi có thể trở thành thừa tác viên của Người. Mục đích của tôi là cố gắng chu toàn bổn phận làm người kế vị các thánh tông đồ, những kẻ Chúa chọn và sai đi. Ngoài ra, tôi không có mục đích nào khác.
Nói như thế cũng giống như thánh Phaolo tông đồ đã nói là chúng tôi mang kho tàng quý báu trong chiếc bình dễ vỡ. Chúng tôi là chiếc bình dễ vỡ. Nhưng kho tàng vẫn là kho tàng. Tôi luôn ý thức sâu xa sự cách biệt rõ ràng giữa sứ điệp mà tôi phải loan truyền, những ơn lành mà tôi thông ban và dụng cụ yếu hèn là chính tôi. Không, tôi không dám kiêu căng, nhưng tôi đặt niềm hãnh diện và sự kiêu căng nơi Đấng mà tôi có nhiệm vụ phải loan truyền và phải ẩn mình đàng sau Ngài. Tôi chỉ hối tiếc một điều là đã không xóa bỏ mình cho đủ!
Niềm mơ ước sâu xa nhất của tôi là được trở thành phản ánh trung thực, hình ảnh tân tiến hợp thời của Chúa GIÊSU KITÔ, Vị Thầy Duy Nhất của tôi, Đấng tôi hằng nghĩ đến và tận hiến trọn cuộc đời tôi cho Ngài. Tôi ước ao trở thành chứng nhân Chúa GIÊSU KITÔ, phát ngôn viên của Ngài, hôm nay và bây giờ, ở tại nơi đây. Nghĩa là, trở thành hình ảnh sống động của Chúa GIÊSU KITÔ cho chính con người thời đại ngày nay. Ước ao là thế, nhưng thực tế tôi vẫn còn ở xa lắm!
... Bà Cecil John Saunders sinh tại Luân Đôn, thủ đô Anh quốc. Bà làm đủ thứ nghề trước khi đến Roma dịp Năm Thánh 1975 và ở lại đây luôn. Năm 1987 vì quá nghèo, không thể trả tiền thuê nhà nên bị đuổi. Từ đó bà sống lang thang ngoài đường phố Roma và đi lượm giấy để bán.
Khi được hỏi: ‘‘Đối với bà, Chúa GIÊSU KITÔ là Ai?”, bà không chút ngập ngừng do dự. Bà tuyên xưng:
CHÚA GIÊSU, tôi học biết Ngài ngay từ khi còn nhỏ. Mẹ tôi dạy tôi cầu nguyện cùng CHÚA GIÊSU mỗi sáng khi thức dậy, trước mỗi bữa ăn và vào mỗi buổi tối trước khi lên giường ngủ. Đối với tôi, CHÚA GIÊSU luôn luôn và mãi mãi là ĐẤNG CỨU ĐỘ THẾ GIỚI. Ngài là Đấng Duy Nhất - trong tất cả các tôn giáo trên thế giới - là Đấng Duy Nhất có thể cứu thoát loài người. Và chỉ mình CHÚA GIÊSU mới có thể cứu loài người, vì CHÚA GIÊSU hoàn tất mọi ước muốn của THIÊN CHÚA CHA.
CHÚA GIÊSU sinh ra, cuộc sống, các phép lạ, Bữa Tiệc Ly, cuộc Khổ Nạn, cái chết và cuộc Sống Lại của Ngài: tất cả những biến cố này ghi đậm nét trong cuộc đời tôi. Với cuộc sống lang thang đầu đường xó chợ hiện nay, tôi không thể đọc Phúc Âm mỗi ngày. Tuy nhiên, mỗi khi đi lễ Chúa Nhật, tôi đều chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Rồi mỗi khi bị đau ốm - và bị đau ốm thường xuyên - mà sau đó được khỏi bệnh, tôi tin chắc chắn vững vàng là chính CHÚA GIÊSU đã muốn cho tôi được lành mạnh.
Cuộc gặp gỡ với CHÚA GIÊSU là cuộc gặp gỡ với siêu nhiên và trao ban cho tôi sức mạnh cùng năng lực để sống. Tôi thiết nghĩ: người ta có thể tin hoặc không tin nơi CHÚA GIÊSU, nhưng đừng bao giờ nên chống đối Ngài, bởi vì có bao giờ CHÚA GIÊSU chống đối ai đâu!!! Đối với CHÚA GIÊSU, người ta chỉ có thể ngưỡng mộ, tôn sùng Ngài, chứ không bao giờ được phép khinh bỉ Ngài. Kẻ nào dám cả gan khinh bỉ xúc phạm đến CHÚA GIÊSU thì không phải là bạn tôi!
Tôi nghèo và CHÚA GIÊSU cũng đã từng sống nghèo. Một Linh Mục nói với tôi: Nơi khuôn mặt người nghèo chúng ta có thể nhìn ra khuôn mặt CHÚA GIÊSU. Do đó, tôi thường cố gắng - trong khả năng hạn hẹp nghèo nàn của tôi - giúp đỡ người nghèo cùng sống với tôi. Tôi thiết nghĩ: hẳn CHÚA GIÊSU cư xử nhân từ với người nghèo hơn là với người giàu có, đặc biệt với những người giàu có ích kỷ. CHÚA GIÊSU muốn cho tất cả chúng ta sống tử tế và không khốn khổ lắm! Có lẽ vì vậy mà ở tại thủ đô Roma này, có rất nhiều nơi tiếp đón người nghèo. Người nghèo, người không nhà cửa đều có thể tìm ra một chỗ để ăn, để trao đổi vài lời với người khác. Nơi các trung tâm bác ái này, tôi tìm gặp được rất nhiều bạn hữu. Tôi có thể đặt niềm tin tưởng nơi các bạn nghèo của tôi. Do đó, mỗi khi lang thang trên đường phố, gặp người nào đói, tôi thường mời họ cùng tôi đến xin ăn nơi các trung tâm bác ái của Giáo Hội Công Giáo. Người ta cảm thấy ăn ngon hơn khi ở giữa những người cùng đặt niềm tin tưởng và yêu mến CHÚA GIÊSU!!!
Bà Rita Borsellino là em gái của thẩm phán Paolo Borsellino, bị giết năm 1987 ở Palermo, thuộc đảo Sicilia, miền Nam nước Ý. Ông Paolo là thẩm phám trung thực, liêm chính và là tín hữu Công Giáo nhiệt thành. Ông ý thức rõ trách nhiệm và tận tâm chu toàn cho dù nghĩa vụ gắn liền với cái chết.. Bà Rita Borsellino lập gia đình và có ba người con. Bà Rita là một trong những người khơi động niềm hy vọng nơi giới trẻ Palermo, để họ cùng chung xây dựng một xã hội dựa trên công bằng và tình yêu.
Khi được hỏi: ‘‘Đối với bà, Chúa GIÊSU KITÔ là Ai?”, bà Rita trả lời: Lúc nhỏ, tôi thường nghĩ về Thiên Chúa như là Đấng dựng nên trời đất, quá cao cả, tôi không dám vươn tới và cầu nguyện cùng Ngài. Dần dần lớn lên, tôi bắt đầu hiểu và yêu mến Thiên Chúa, qua CHÚA GIÊSU. CHÚA GIÊSU gần gũi với con người hơn, vì Chúa mặc lấy xác phàm. Rồi nhân một buổi cầu nguyện nơi cộng đoàn của Cha Carlo Carretto, tiểu đệ CHÚA GIÊSU, tôi mới học được cách thức gọi Thiên Chúa là CHA!
Sau cái chết thảm thương của anh tôi - thẩm phán Paolo Borsellino - tôi học được bài học thế nào tha thứ: Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Từ đó tôi tìm gặp gỡ CHÚA GIÊSU và nhận ra khuôn mặt Ngài nơi những người đau khổ, những ai cần tôi giúp đỡ. Tôi cũng chấp nhận thử thách, thánh giá và coi đó là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh..
‘‘Đức GIÊSU KITÔ vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe nghe danh thánh GIÊSU, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA” (Philipphê 2,6-11).
(”Tertium Millennium”, Agenzia d'Informazione, n.3, Settembre/1997, trang 3-4).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN