TRINH NỮ YÊU MẾN THIÊN CHÚA
Giảng đường y khoa đại học Milano (Bắc Ý) vào buổi sáng giá lạnh tháng 2 năm 1953, đông chật sinh viên. Bỗng một người ghé miệng nói nhỏ vào tai bạn: - Hãy nhìn cô gái ngồi hàng thứ tư trước mặt chúng ta kìa. Trông cô thật nghiêm trang. Mình để ý thấy cô ít nói chuyện với ai. Chắc cô ta “kênh-kiệu” lắm!
Người bạn trả lời:
- Anh muốn tôi làm quen phải không?
Nói xong, cô nhờ mấy sinh viên ngồi gần hỏi:
- Ê, bạn tên gì vậy? Làm ơn cho mượn đôi bông tai mang thử được không?
Cô thiếu nữ quay lại tỏ dấu ngơ ngác, lúng túng và mặt đỏ hồng, vì không biết các bạn muốn gì. Một người ra hiệu khiến thiếu nữ hiểu. Đôi mắt cô gái bừng sáng. Bằng một cử chỉ duyên dáng, cô cởi đôi bông tai và trao cho sinh viên ngồi sau lưng ..
Thiếu nữ ấy chính là Benedetta Bianchi Porro, 17 tuổi. Cô mắc chứng nặng tai nhưng thật khả ái và bén nhạy. Trông cô trẻ hơn các bạn đồng lứa tuổi. Cô ăn mặc hợp thời trang và hơi “đỏm-dáng” một chút. Cô thích đeo bông tai, mang dây chuyền và đeo vòng xuyến. Benedetta có khuôn mặt trái soan, mái tóc dày màu hung hung đậm và đôi mắt tròn to, như luôn chăm chú để ý đến người khác.
Benedetta sinh ngày 8-8-1936 tại Dovàdola, thuộc tỉnh Forlì (Bắc Ý), trong gia đình Công Giáo hiền lành đạo đức. Benedetta có một anh và bốn em.
Tuổi thơ Benedetta trôi qua trong an bình. Chỉ một điều đáng nói: sức khoẻ cô bé mong manh và chân đi cà nhắc. Benedetta biết rõ mình không giống các bạn, khi bị chế nhạo “con-bé cà-thọt”. Nhưng Benedetta can đảm tự nhủ:
- Ngoài cái tật nơi chân, trong cuộc đời, mình muốn ngang hàng với các bạn, hoặc hơn nữa. Mình muốn làm một cái gì đó thật cao cả ..
Benedetta bị đau đầu liên miên, điềm báo cho bệnh mù mắt và tê liệt sau này. Lễ Giáng Sinh năm 1956, Benedetta trông thấy mọi vật cách lờ mờ. Các bác sĩ quyết định mổ màng óc, may ra cứu cô thoát khỏi tật nguyền. Buổi chiều trước khi vào phòng mổ, cô bị cạo trọc đầu. Cô thiếu nữ 21 tuổi tủi hổ vô cùng. Cô thổ lộ với mẹ:
- Trong khi người ta cắt tóc, con cảm thấy mình giống như con chiên bị xén lông. Con xin Chúa ban sức mạnh và khiến con trở nên bé nhỏ. Má à, THIÊN CHÚA muốn thực hiện nơi chúng ta những việc trọng đại. Con rất đau khổ và xin Chúa cho con trở thành chiên con trong bàn tay Chúa.
Sau lần mổ ấy, Benedetta lại “lao-mình” vào việc học. Bị ngưng học đối với cô quả là cực hình. Chỉ mình THIÊN CHÚA biết rõ cô phải đau khổ dường nào. Cô cũng thích chơi dương cầm vào những khi rãnh rỗi. Cô không muốn bị đè bẹp bởi những thử thách. Benedetta can đảm chiến đấu. Nhưng chứng bệnh hiểm nghèo vẫn không buông tha cô.
Bà Elsa Giammarchi - thân mẫu Benedetta - thấy con quá chú tâm vào việc học liền la rầy:
- Sao con muốn làm quá nhiều sự!
Benedetta nũng nịu thưa:
- Một ngày đối với con quá ngắn, Má à. A, phải chi con không cần ngủ!Cứ theo đà học ấy, Benedetta tiến gần đến thời kỳ mãn bậc đại học. Ngày 29-6-1959, Benedetta qua kỳ khảo hạch cuối cùng trước khi chuẩn bị thi ra trường, lãnh bằng bác sĩ. Lúc ấy Benedetta chưa tròn 23 tuổi. Người ta ngạc nhiên tự hỏi:
- Làm sao với tất cả những chứng bệnh mang trong người, cô sinh viên y khoa duyên dáng Benedetta đã có thể học xong 5 năm đại học??? Thật là chuyện gần như không thể tin được!
Nhưng rồi hơn một tháng sau, Benedetta phải vào nhà thương. Cuộc giải phẫu không thành công. Sức khoẻ mỗi ngày một giảm sút. Cô bị bại hai chân, phải nằm liệt hoặc ngồi ghế lăn. Trong đau khổ và thử thách, nhân cách cô được thanh luyện và tâm hồn cô bay bổng trời cao. Chưa bao giờ cô cảm thấy mình được hoàn toàn tự do ..
Ngày Benedetta mừng sinh nhật thứ 23, bà Elsa làm quà cho ái nữ một con chim nhốt trong lồng. Bà nói:
- Con thấy không, chim trong lồng cũng giống như con vậy.
Nhưng Benedetta nghiêm trang trả lời:
- Không phải vậy Má à. Chưa bao giờ con cảm thấy mình được tự do như từ lúc con bị nằm liệt trên giường.Từ đây khởi đầu chặng đời phi thường của cô trinh nữ mang tên Benedetta Bianchi Porro. Những cơn đau khủng khiếp không dập tắt niềm vui và sự tự do. Benedetta ý thức cơn bệnh trầm trọng của mình. Cô biết mình đã bị kết án. Song thân cô cũng hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của con. Thế nhưng, càng chứng kiến cảnh con gái bị tàn phá cơ thể, ông bà càng ngỡ ngàng kinh ngạc trước mức tăng trưởng tinh thần của con. Benedetta như chạy như bay tiến về cuộc hoàn thành viên mãn nhân cách của mình. Cô vừa mang nét đẹp dịu hiền của một trinh nữ vừa có dáng vẻ kiêu hùng của một nữ tướng, cầm quân xuất trận.
Benedetta bị bắt buộc trở về Sirmione, sống tại ngôi nhà xinh xắn của cha mẹ, nơi cô đã trải qua thời niên thiếu trong trắng mộng mơ. Benedetta đành giã từ Milano, giã từ năm học cuối đời sinh viên y khoa. Trong phút chốc, ước mơ làm bác sĩ giúp người khác tan thành mây khói. Giấc mộng đỗ vỡ khi Benedetta chỉ còn cách đích điểm có một bước! Từ đây, cuộc đời cô thu hẹp nơi căn phòng nhỏ với thư từ và những cuộc viếng thăm của bạn bè thân thiết.
Nhưng Benedetta không buồn cũng không chán nản. Trái lại cô vẫn yêu sống và dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA. Cô cũng dành thời giờ chăm sóc hai em nhỏ nhất. Cô giúp chúng làm bài, học giáo lý, v.v. Cứ thế ba năm lặng lẽ trôi qua. Benedetta mất dần các cảm giác nơi cơ thể, trở thành bất toại. Cánh tay phải cử động khó khăn khiến chữ viết nguệch ngoạc run rẩy như một cụ già. Cô cũng bị điếc hoàn toàn và đôi mắt mờ dần.
Thời gian liệt giường và mù mắt, Benedetta được mẹ hiền trợ giúp liên lĩ. Chính bà mẹ ghi lại những tư tưởng, tâm tình siêu nhiên của con gái. Về ý nghĩa khổ đau, Benedetta nói:
- Chúng ta chỉ có thể tự hào trong Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU Kitô. Giá trị của đau khổ: không có đồi Can-Vê thì cũng chả gì có giá trị.. Mọi nẻo đường đều dẫn tới Can-Vê. Trong đau đớn, nhân đức được kiện toàn. Niềm vui đích thực đến từ Thánh Giá. THIÊN CHÚA CHA đã thiết định rằng: mỗi chiến thắng đều phải qua Thánh Giá của Chúa Con.
Tháng 5 năm 1962, Benedetta được đưa đi hành hương Lộ Đức. Nơi nhà thương ở trung tâm Thánh Mẫu, Benedetta nằm cạnh thiếu nữ tên Maria, 22 tuổi. Maria bị tê liệt toàn thân. Maria đi hành hương với niềm tin tưởng vô bờ nơi quyền năng Đức Mẹ. Tình trạng Maria thật đáng thương. Người mẹ duy nhất chăm sóc cô lâm trọng bệnh. Từ ngày đến Lộ Đức, Maria khẩn cầu Đức Mẹ chữa lành. Nhưng những ngày hành hương trôi qua mà Maria vẫn chưa được phép lạ. Trước ngày lên xe trở về, Maria vô cùng sầu khổ. Cô biết rõ lúc về nhà, cô không còn ai để giúp đỡ nữa.
Rồi Benedetta và Maria được đưa ra Hang Đá Lộ Đức lần cuối. Maria tuyệt vọng bật khóc nức nở. Benedetta liền nắm chặt tay bạn và nói như lời khẩn cầu dâng lên Đức Mẹ:
- Maria, Đức Mẹ MARIA đang đứng đó kìa. Mẹ đang nhìn chúng ta. Hãy van xin cùng Đức Mẹ!Bỗng Maria đứng lên, ngập ngừng đi thử một vài bước như còn do dự chưa tin. Sau cùng, Maria nhẩy lên vì sung sướng. Cô lần lượt lách qua các hàng cáng bệnh nhân, khóc vì mừng và vì tri ân. Benedetta cũng cảm động chia vui với bạn. Sau này, cô viết:
- Mình cũng ước ao được Đức Mẹ chữa lành. Mình đã hứa với Đức Mẹ: “Nếu được khỏi bệnh con sẽ vào dòng tu”. Nhưng khi chứng kiến cảnh Maria đứng lên và bước đi, mình hiểu rằng, THIÊN CHÚA muốn dùng mình làm dấu chỉ sống động của Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ ở giữa loài người.
Benedetta còn trở lại Lộ Đức lần nữa. Lần ấy phép lạ đã xảy ra: không phải thể xác, nhưng tinh thần. Cô được ơn chấp nhận tình trạng bệnh tật của mình.
Ngày 27-2-1963, Benedetta được đưa vào bệnh viện chịu giải phẫu lần cuối. Cô thật sự kinh hoàng. Cuộc giải phẫu không mang lại kết quả nào. Benedetta bị mù hẳn. Nhưng một cái gì đó đang thay đổi nơi Benedetta. Cô như được niềm an bình lớn lao ngự trị và được giải thoát khỏi mọi âu lo. Mù lòa trở thành con đường đưa Benedetta tiến về Ánh Sáng.
Giờ đây Benedetta giống lâu đài không thể xuyên qua, vì không cửa lớn cũng không cửa sổ. Cô bị vây bọc bởi bóng tối và đêm đen, không âm thanh cũng không ánh sáng. Chỉ còn lại tiếng nói yếu ớt và cánh tay động đậy. Đó là hai dụng cụ duy nhất Benedetta sử dụng để giao tiếp với thế giới chung quanh. Điều lạ lùng là từ một thân thể bất động, giới hạn trong khoảng không gian bé nhỏ, Benedetta lại quen biết rất nhiều bạn trẻ và kết thân với họ. Ngày nào cũng có khoảng 10 hoặc 15 bạn trẻ đến quây quần bên giường. Benedetta vui vẻ tiếp đón mọi người, tìm cách học và nhớ tên từng người. Cứ mỗi lần đến thăm Benedetta và ra về, mỗi bạn trẻ đều cảm thấy phấn khởi hơn, phong phú hơn và ý thức sâu xa hơn về hồng ân sự sống THIÊN CHÚA trao ban cho mỗi người. Benedetta tâm sự:
- Mình rất muốn giống như các bạn. Các bạn là những người có đủ mắt và tay chân, vậy hãy cố gắng làm điều thiện.
Với một nữ sinh viên y khoa, Benedetta nói:- Bạn chọn đúng. Mình cũng muốn trở thành bác sĩ, bởi vì, khi chữa trị thân xác, chúng ta chạm đến con tim!
Thời gian dần trôi và Benedetta đi vào mùa hè cuối cùng. Tiếng suối reo róc rách, tiếng sóng vỗ rì rào, bầu trời xanh biếc, trăm hoa muôn sắc và làn gió thoảng nhẹ, tất cả giờ đây chỉ còn là dĩ vãng xa vời .. Trong bóng tối và trong thinh lặng của sa mạc đời mình, Benedetta tìm kiếm ánh sáng. Cứ thế, càng bị bóng tối vây phủ, Benedetta càng trông thấy ánh sáng nội tâm và càng yêu đời yêu sống. Cô nói:
- Mỗi ngày trôi qua tôi mong gặp Đấng mà tôi yêu mến qua không khí, qua mặt trời mà tôi không thấy nhưng cảm nghiệm sức nóng khi có tia sáng xuyên qua cửa sổ sưởi ấm đôi tay giá lạnh và qua tiếng mưa rơi, từ trời đổ xuống rửa sạch mặt đất.
Đầu năm 1964, Benedetta không tiếp bạn bè nữa. Cô chuẩn bị ra đi. Sáng ngày 23-1, bà Elsa cho Benedetta biết có con chim sẻ đậu trên ban-công. Benedetta cất tiếng hát khe khẽ. Tiếng hát nhẹ nhàng và trong trẻo. Cô y tá ngạc nhiên nói với bà Elsa:
- Bà không nghe tiếng hát của Benedetta sao? Đây là tiếng hát đến từ trời cao! Benedetta sắp chết rồi!
Con chim sẻ tung đầu vào cửa sổ rồi bay thẳng ra vườn hồng. Bà Elsa nhìn theo và thấy nơi chim sẻ đậu có vật gì trăng trắng nhô lên. Bà nói với con:
- Benedetta à, ngoài vườn mới nở một đóa hồng. Một đóa hồng trắng nở trong mùa đông, thật là lạ!
Benedetta đáp:
- Đây là tin vui, một dấu hiệu dịu dàng!Đúng 10 giờ sáng ngày 23-1-1964, Benedetta Bianchi Porro êm ái tắt thở, hưởng dương 28 tuổi.
Đối với người đời, 28 năm ngắn ngủi - vừa bị mù vừa bị tê liệt - thật là kém may mắn và mệnh yểu. Nhưng Benedetta không nghĩ thế. Cô coi cái chết là cuộc gặp gỡ với THIÊN CHÚA, là bài ca tri ân cuộc sống. Một ngày trước khi tắt thở, Benedetta xin mẹ quì gối cạnh giường để cùng cô dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA. Benedetta nói với mẹ:
- Chúa cất lấy để trao ban. Chúa đã làm cho con những việc trọng đại.
Trước đó, Benedetta đã từng ghi trong nhật ký:
- Đẹp biết bao vì được sống.Lời di chúc cuối cùng cô thân ái gởi đến mọi người:
Hãy yêu cuộc sống .. Cám ơn! Ngày 23-12-1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Benedetta và nâng trinh nữ lên bậc “Đáng Kính”, trước sự hiện diện của thân mẫu, bà Elsa Giammarchi. Bộ phong thánh đang cứu xét phép lạ để có thể phong chân phước cho nữ tì THIÊN CHÚA Benedetta Bianchi Porro.
(Maria Grazia Dantoni, “BENEDETTA”, Editrice Elle Di Ci, 1990).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN