TẬN HIẾN CUỘC ĐỜI PHỤC VỤ TRẺ EM TÀN TẬT

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Alice, thiếu nữ 15 tuổi, bị tàn tật tâm trí. Tại trường học, cô thường bị các bạn cùng lớp nhạo báng chế diễu. Một ngày, Alice bật khóc nức nở, trước những cử chỉ và lời nói mất dạy của những cô cậu học trò cùng lớp, nhưng lại nhỏ tuổi hơn Alice rất nhiều. Nổi đau khổ và nước mắt của Alice đã gây xúc động mạnh nơi tâm lòng của một cô bé, cũng mất dạy y như các bạn của cô. Cô bé tên Marie-Hélène Mathieu. Chính từ giây phút đó, Marie-Hélène thật sự hối hận về cử chỉ vô giáo dục, vô nhân đạo của mình và quyết định sau này lớn lên cô sẽ tận hiến cuộc đời để an ủi những người bất hạnh giống như Alice. Năm 18 tuổi, Marie-Hélène chọn ngành giáo dục chuyên biệt. Trong thời gian này cô may mắn gặp cha Bissonnier, vị linh mục sáng lập ngành giáo lý dành riêng cho các trẻ em tàn tật thể lý và tâm thần tại Pháp. Cô cũng hân hạnh gặp gỡ ông Jean Vanier, người sáng lập phong trào “Con tàu Noe mới”, chuyên giúp đỡ những người tàn tật. Sau đó cô đã cùng ông Jean Vanier thành lập cộng đoàn mang tên “Đức Tin và Ánh Sáng”, với mục đích chăm sóc và tổ chức những chuyến hành hương Lộ Đức cho những người tàn tật tâm trí.

Khi được hỏi về đời sống thiêng liêng của những người tàn tật, cô Marie-Hélène cho biết: Những anh chị em tàn tật thật kém trí và phải lệ thuộc người khác, nhưng lòng họ thật rộng lớn. Họ có thể cho tất cả những gì họ có. Và đây là điều chính yếu. Họ thường tin tưởng nơi Chúa, với điều kiện là họ được chăm sóc, yêu thương. Tôi còn nhớ như in câu chuyện sau đây. Chúa Nhật lễ Phục Sinh năm 1981, chúng tôi hành hương Lộ Đức. Buổi chiều là cuộc kiệu trọng thể kính Mình Thánh Chúa. Nhưng rồi có những bất trắc, những lộn xộn trong các đoàn thể, khiến ban tổ chức phải mất nhiều giờ để thu xếp. Mọi người nôn nóng khó chịu. Một tín hữu hành hương cáu kỉnh nói lớn: “Chuyện gì xảy ra vậy?” Rất điềm tĩnh, một thiếu niên tàn tật 15 tuổi cất tiếng trả lời: “Thưa ông, chuyện xảy ra là Chúa GIÊSU KITÔ đã Sống Lại sáng nay và giờ đây chúng ta đợi Người sẽ đến trong chốc lát”. Câu trả lời vừa trang nghiêm, vừa mang trọn niềm tin của cậu thiếu niên tàn tật, khiến mọi người chung quanh im bặt tiếng nói. Đúng thế, Thiên Chúa thường mạc khải những bí nhiệm của Người cho những kẻ bé nhỏ nghèo hèn!

Năm tháng phục vụ bên cạnh người tàn tật là những năm tháng đầy tràn hồng ân. Tôi nhận lãnh nhiều hơn cho đi. Người tàn tật dạy tôi nhiều điều hơn tôi dạy cho họ. Một cậu bé tàn tật tên tên Joel thường nói rất ít và nói một cách khó khăn. Thỉnh thoảng cậu bé vất vả lắm mới nói được câu: “Lạy Chúa GIÊSU, Chúa quả thương con thật nhiều”. Bà mẹ cậu vừa chán nản vừa khó chịu, mắng con: “Con nói lộn rồi, con phải nói là: Lạy Chúa GIÊSU, con mến Chúa nhiều lắm”. Sau một lúc im lặng, Joel lập lại: “Không, con nói là: Lạy Chúa GIÊSU, Chúa quả thương con thật nhiều”.

Một cậu bé tàn tật khác tên Jean-Baptiste. Ngày cậu được rước lễ lần đầu, ông chú buồn bã nói với mẹ cậu: “Thật khốn khổ vì cháu không hiểu được những gì cháu làm”. Nghe vậy cậu bé an ủi mẹ: “Mẹ đừng lo. Chúa vẫn yêu thương con mặc dầu con tàn tật”.

Người tàn tật thích hình thức cầu nguyện tán tụng ngợi khen, nhưng nhất là lời cầu nguyện bộc phát tự nhiên từ con tim. Chẳng hạn cô bé Marianne thường cầu nguyện lớn tiếng rằng: “Lạy Chúa chí ái, Chúa có một người con. Người con Chúa tuyệt đẹp. Alleluia”. Những người tàn tật cũng thích hát những bài hát gần với tâm tình và cuộc sống của họ. Sau cùng có một hình thức cầu nguyện đơn giản mà người tàn tật nào cũng thích, đó là tràng hạt Mân Côi. Họ thường lâm râm cầu nguyện, và đôi khi thay đổi lời kinh, hoặc đọc sai câu sai tiếng. Đối với những em bé tàn tật không diễn tả tâm tình được bằng lời nói thì các em diễn tả bằng cử chỉ. Chẳng hạn trong nhà nguyện của cộng đoàn “Đức Tin và Ánh Sáng” chúng tôi có một hang đá với tượng Chúa GIÊSU Hài Đồng. Angelo là cậu bé rất tàn tật, dường như không thể nói được. Cậu thường diễn tả tâm tình bằng cách ẵm Chúa GIÊSU Hài Đồng lên và hôn. Một ngày, không hiểu Angelo nghĩ gì, thay vì ôm hôn tượng Chúa như thường lệ, cậu leo lên chiếc ghế và ôm hôn Nhà Tạm.

Qua bao năm tháng sống cạnh những người tàn tật, chúng tôi học được cách thức cầu nguyện đơn sơ, xuất phát từ con tim, một lời cầu nguyện hoàn toàn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa là Cha.

(“PRIER”, n.130, Avril/1991, trang 5-7).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN