Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
Giovanni Pascoli, thi sĩ nổi tiếng, sinh năm 1855 và qua đời năm 1912. Ông là con thứ tư trong một gia đình có 10 người con, sống tại San Mauro, thuộc vùng Romagna, miền Bắc nước Ý. Người đương thời âu yếm tặng ông danh hiệu "thi sĩ của lòng nhân lành". Ông không biểu lộ ra bên ngoài đức tin Công Giáo, nhưng có tâm hồn tôn giáo sâu xa. Ông luôn đề cao nền luân lý kytô và nhân đức trong sạch.
Tuổi thơ của Giovanni đã sớm nếm mùi cay đắng. Năm 1867, khi lên 12 tuổi, thân phụ cậu bị giết chết. Một năm sau, thân mẫu cậu lìa trần, vì quá buồn sầu thương nhớ chồng. Ít lâu sau, hai người anh cũng theo cha mẹ đi về thế giới bên kia. Trước đó, hai em gái cũng vĩnh biệt cõi trần khi tuổi còn thơ. Từ đó, nghĩa trang trở thành nơi Giovanni thường một mình đến đó để kính viếng cha mẹ cùng các anh chị em quá cố.
Những cái tang dồn dập đã ghi đậm nét sầu trong cuộc đời thanh xuân của Giovanni Pascoli. Chàng nhìn đời với đôi kính màu đen. Chàng nghi ngờ mọi người và không tin tưởng nơi Thiên Chúa. Rất may chàng sớm thức tỉnh và bắt đầu nhạy cảm trước tất cả những gì là chân-thiện-mỹ. Chàng quay trở về với đức tin Công Giáo, tham dự thánh lễ thường xuyên và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa Giêsu.
Thi sĩ Giovanni Pascoli đã sáng tác một Thánh Thi ca tụng Trinh Nữ Maria.
Thánh Thi trở thành nổi tiếng và hay nhất của thi sĩ.Một ngày, linh mục Germano Tomassetti gửi tặng thi sĩ bức ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh trên Thánh Giá. Thi sĩ vui mừng tiếp nhận món quà quý giá và viết cho cha Tomassetti: "Con đã nhận được tấm ảnh tuyệt đẹp cha gửi cho con. Nét dịu hiền của khuôn mặt chí thánh đã gợi lên cho con không biết bao nhiêu tâm tình tri ân, trìu mến và an ủi!".
Điều đáng nói trong cuộc đời thi sĩ Giovanni là lòng tôn kính người quá cố. Ông hay nhắc lại kỷ niệm êm ái thời thơ ấu. Mẹ ông dẫn ông đến nhà thờ thánh Mauro để lần hạt Mân Côi cầu cho các đẳng linh hồn. Sau này, ông lập một nhà nguyện dâng kính Đức Maria và thích đến đó để cầu nguyện cho cha mẹ và những người thân đã qua đời. Một bạn thân quả quyết là thi sĩ thường dành thời giờ để đọc kinh cầu cho người quá cố. Ông cũng xin lễ cầu cho những người đã chết. Ngoài ra, ông năng thăm viếng nghĩa trang thành phố và yêu thích chiêm ngắm những cây trắc bá trồng rải rác trong nghĩa trang.
Chắc chắn linh hồn những người thân quá cố đã khẩn cầu trước tòa Chúa cho ông. Ông đã sống những ngày cuối đời trong an bình và ánh sáng của Thiên Chúa.
Thi sĩ Giovanni Pascoli đã chuyển dịch bài thơ tựa đề: "Chúng cháu 7 anh em". Nguồn gốc bài thơ bằng tiếng Anh như sau.
Một bé gái 8 tuổi, đang trên đường về nhà. Một thi sĩ trông thấy cô bé liền gợi chuyện:
- "Bé nói cho tôi biết bé có tất cả bao nhiêu anh chị em?".
Cô bé trả lời:
- "Chúng cháu 7 người. Hai anh đi biển. Hai anh làm việc ở tỉnh. Hai anh khác ở nghĩa trang". Rồi cô bé nói tiếp:
- "Trong căn nhà kia, cháu sống với mẹ cháu và hai anh cháu ở gần đó".
Thi sĩ vặn lại:
- "Như vậy đâu phải là 7 mà là 5, bởi vì 2 người kia đã chết!".
Cô bé không chịu thua, nhất định cãi lại:
- "Chúng cháu 7 người mà! Hai người ở nghĩa trang được chôn gần nhau và cùng nghỉ yên trong cùng một phần mộ".
Nói rồi, cô bé liến thoắng kể thêm:
- "Cháu thường ra nghĩa trang thăm hai anh vì nghĩa trang ở gần nhà. Vào những buổi chiều êm ả, khi khí trời mát dịu, cháu mang thức ăn ra nghĩa trang, rồi cùng với hai anh, cháu dùng bữa chiều ở đó. Chúng cháu 7 anh em!" ..(Evaristo Cardarelli, "Mese di Novembre", Edizioni Cantagalli, Siena 1992, trang 41+33)
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN