TỪ VÔ THẦN ĐẾN TIN VÀO CHÚA GIÊSU KITÔ

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


.. Tôi gần như học trọn chương trình tiểu và trung học nơi các trường Công Giáo. Tại đây, tôi được bao bọc chở che trong bầu khí hoàn toàn tôn giáo. Cũng nơi ấy, Thiên Chúa chiếm chỗ đứng quan trọng trong cuộc sống con người. Mỗi buổi sáng đều có thánh lễ và học sinh chúng tôi được kêu mời tự do tham dự. Trước giờ học cũng như trước mỗi bữa ăn, đều có một vài phút đọc kinh cầu nguyện chung. Chưa hết, vào những ngày lễ lớn, toàn thể học sinh tập họp để tham dự cuộc rước kiệu, vừa đi vừa lần hạt Mân Côi to tiếng.

Tuổi trẻ của tôi quả thực đã ngụp lặn trong bầu khí đạo đức. Nhưng rồi, vào những năm cuối bậc trung học, khi chuyển sang một trường không Công Giáo, tất cả những tâm tình ấy cũng từ từ biến mất. Tôi sống như người không hề biết tôn giáo là gì. Tôi quên bẵng tôi là con Thiên Chúa và có bổn phận đáp lại Tình Yêu Ngài dành cho tôi. May mắn thay, tôi quên Thiên Chúa nhưng Ngài không quên tôi.

Thiên Chúa nhắc nhở tôi bằng một tai nạn. Một ngày, chiếc xe chở chúng tôi mất thăng bằng, lộn mấy vòng và hất tung tôi cùng hai người bạn ra khỏi xe. Lạ lùng thay, cả ba chúng tôi đều không bị thương. Khi nhận thấy mình được bàn tay vô hình cứu thoát cách diệu kỳ, chúng tôi dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

Tai nạn qua, tôi lại dần dần rơi vào nếp sống cũ. Tôi quên mất Thiên Chúa và tiếp tục sống như thể không có Ngài trong cuộc đời. Đáng buồn hơn, tôi còn hãnh diện xưng mình là tên vô thần, không tin tưởng gì ráo trọi! Cần phải nhờ đến một biến cố đau thương khác, mới đủ sức cảnh tỉnh hồn tôi. Đó là căn bệnh đưa đến cái chết của người tôi yêu. Cái chết là cú đấm thật mạnh giáng xuống đời tôi. Nhưng vì tôi sống không niềm tin, nên trong đau khổ tột cùng, tôi rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Tâm hồn tôi chìm sâu trong buồn thảm, không lối thoát. Thỉnh thoảng vài tiếng nói khắc khoải vang lên: “Chết rồi tôi sẽ đi đâu? Phải chăng tôi lại rơi vào trống rỗng vào hư vô?”.

Trong những đêm thức trắng, giữa những tư tưởng khốn cùng, tôi bỗng ngước mắt lên Chúa. Tôi thành khẩn thưa cùng Chúa:
“Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu thật, xin Chúa tỏ ra cho con biết”. Cầu nguyện xong, tôi bỗng cảm thấy một tình yêu hiện diện trong tôi và tôi nhận ra lòng nhân hậu vô biên của Chúa. Ngài đã đáp lời tôi cầu xin. Như thánh Augustino xưa, tôi cảm thấy ngón tay Chúa ấn mạnh trên quả tim tôi. Một ít lâu sau đó, tôi khám phá ra thánh vịnh 18, như lời kêu xin của chính tôi:

“Lạy Chúa, Chúa là sức mạnh của con, con yêu mến Chúa.
Lạy Chúa là núi đá là thành trì, là Đấng giải phóng con.
Lạy Thiên Chúa của con, Chúa là tảng đá, là nơi con nương tựa.
Chúa là khiên thuẫn, là sức mạnh cứu con, là thành kiên cố của con.
Đường lối Thiên Chúa trong sáng, lời Chúa chính xác.
Chúa bênh vực những ai trông cậy Chúa”.

Những đêm tối của sầu buồn tuyệt vọng biến tan, nhường chỗ cho sự an bình. Tâm lòng tôi tràn ngập niềm tri ân Thiên Chúa. Từ đây, tôi khám phá ra tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Cầu nguyện là phương tiện, là những giây phút giúp con người nâng hồn lên với Chúa và kết hợp với Ngài. Tôi cũng chăm chú đọc Phúc Âm. Đôi mắt tâm hồn tôi được mở rộng. Chúa giúp tôi hiểu rằng, Thiên Chúa là Ánh Sáng. Lời của Ngài là chân thật. Chính Chúa Giêsu đã phán: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Một ân huệ sau cùng Thiên Chúa ban cho tôi. Tôi được dịp quen biết với cộng đoàn đại kết Taizé, ở làng Bourgogne, nước Pháp. Taizé là nơi tập họp của các bạn trẻ, không phân biệt tôn giáo, từ các nơi trên thế giới đổ về. Tại đây, tôi đã sống những giây phút tuyệt diệu. Tôi cùng chia sẻ niềm tin Kitô với các bạn khác và cùng khám phá ra Chúa Giêsu nơi những người anh em mình. Chính Tình Yêu Chúa Giêsu đã nối kết chúng tôi lại trong cùng một niềm tin, một niềm hy vọng và một tình yêu. Tôi cũng khám phá ra ơn lành và lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua việc lãnh nhận bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể.. Giờ đây bổn phận của tôi là làm chứng về Chúa Giêsu và về Tình Yêu bao la Ngài dành cho loài người, cho hết mọi người, không trừ ai.

(Lucien Verschave, “TÉMOINS SANS FRONTIÈRES”, Éditions du Lion de Juda, 1992, trang 68-71).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN