TÌNH MẪU TỬ BAO LA

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Trước thế chiến thứ nhất (1914-1918), các xứ đạo tại Đức mở Tuần Đại Phúc.

Năm đó, một giáo xứ của giáo phận Aachen, Tây Đức, cũng mở Tuần Đại Phúc. Dịp này, cha sở mời một Linh Mục Thừa Sai đến nói chuyện với giáo dân. Thánh đường hôm ấy chật ních tín hữu. Bổn đạo im lặng hướng mắt về tòa giảng. Vị Linh Mục Thừa Sai trạc ngũ tuần. Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Một bà mẹ đau nặng gần chết. Tất cả con cái tề tựu quanh giường người hấp hối. Chỉ thiếu mặt người con út, đứa con trai hoang đàng. Đây là người con nhận lãnh nhiều tình thương nhất. Nhưng đáp lại, anh đã gây cho mẹ nhiều sầu khổ và đổ không biết bao giọt nước mắt. Giờ sau cùng đến, nhưng quí tử của bà đang bị giam tù, vì các tội ác của chàng. Dầu vậy người mẹ vẫn không quên đứa con út. Bà ao ước nhìn mặt con lần cuối. Các người con khác cố gắng thực hiện mong muốn của mẹ. Họ xin phép đặc biệt cho người em về thăm mẹ.

Phép xin được chấp thuận. Hai tay bị còng, đứa con út được bốn quân nhân hộ tống đưa đến cạnh giường người mẹ. Bà đã quá yếu. Bà không còn hơi để nói với con trai lời nào, dù chỉ một lời duy nhất. Nhưng tâm trí bà vẫn tĩnh táo. Bà chăm chú nhìn con yêu dấu lần cuối. Chỉ có thế. Chàng trai lại được bốn người lính đưa về nhà tù. Nhưng phép lạ đã xảy ra sau đó. Ánh mắt vừa sầu khổ, vừa yêu thương trìu mến của mẹ hiền đã có giá trị hơn ngàn lời sửa dạy trách mắng.

Một mình trong phòng giam chật hẹp, chàng quỳ gối nức nở khóc. Chàng hồi tâm về tất cả tội lỗi đã phạm. Chàng cũng bắt đầu cầu nguyện, van xin Thiên Chúa đoái thương tha thứ cho chàng. Sau đó chàng xin gặp Cha Tuyên Úy, vị Linh Mục mà trước đó không bao giờ chàng muốn thấy mặt, hoặc nghe nói đến tên. Chàng khiêm tốn xưng tội và thật lòng ăn năn thống hối.. Từ đó cuộc đời chàng biến đổi hẳn. Ơn thánh hoạt động và tìm được thửa đất tốt để nẩy mầm rồi sinh hoa kết trái.

Mãn hạn tù, người con trai hoang đàng trở lại gia đình và trường học. Xong bậc trung học chàng xin vào chủng viện. Mấy năm sau chàng được thụ phong Linh Mục. Nhưng vị tân Linh Mục không ngừng lại ở đó. Cha tình nguyện đi truyền giáo tại một xứ đạo nghèo bên Phi Châu ..

Nói đến đây, vị Thừa Sai ngừng lại. Cha đưa mắt nhìn mọi người rồi chậm rãi nói: “Anh chị em có biết chàng trai hoang đàng trở thành Linh Mục đó là ai không? Thưa chính tôi đây!”

Bài giảng tiếp tục. Nhưng phần đầu đã gây tác động mạnh trên tâm lòng những anh chị em tín hữu có mặt trong nhà thờ hôm ấy ..

Câu chuyện trên xảy ra cách đây 90 năm và vị Linh Mục đã là người thiên cổ. Câu chuyện dưới đây của vị Linh Mục khác vẫn còn sống: cha Mansour Labaky, người Libăng. Cha cộng tác với hai văn phòng chuyên giúp đỡ các trẻ em bụi đời ở Paris, thủ đô nước Pháp. Cha nói về hiền mẫu trong công trình đưa cha đến thiên chức Linh Mục như sau.

Năm đó tôi vừa xong bậc tiểu học. Tôi thưa với mẹ về ước muốn trở thành Linh Mục và xin phép mẹ gia nhập chủng viện. Mẹ vui mừng lắng nghe tôi trình bày. Sau cùng mẹ tôi cảm động nói: “Mẹ sẽ đồng hành với con trong thời gian con chuẩn bị tiến lên chức vụ Linh Mục”. Mẹ tôi chỉ nói có thế..

Thời gian trôi qua. Một tháng trước ngày tôi thụ phong Linh Mục, mẹ tôi chỉ cho tôi bị gạo và nói: “Con yêu dấu, kể từ giây phút con chính thức báo tin muốn trở thành Linh Mục, mẹ đã quyết định sẽ dâng nhiều hy sinh để cầu xin Chúa giữ gìn con trung thành với ơn gọi. Và mỗi lần làm một hy sinh, mẹ bỏ vào bình một hột lúa mì. Tất cả những hạt lúa mì sẽ được xay, rồi tán nhuyễn thành bột và đúc thành chiếc bánh lễ, để con thánh hiến, trong ngày con dâng lên Thiên Chúa Thánh Lễ đầu tay. Con hãy nhận các hạt lúa mì này, ghi dấu tình mẹ thương con và cộng tác với con. Bao lâu Chúa cho mẹ còn sống, mẹ sẽ tiếp tục hợp tác với chức vụ Linh Mục của con, bằng những hy sinh trong cuộc đời khiêm tốn thường ngày của mẹ”.

(“IL SEME”, 12/1990, trang 21).


... Hôm ấy là ngày an táng cụ bà Djo-Méa, thuộc bộ tộc Mélanésie ở Thio, nước Tân-Calédonie. Cụ ông Humbert qua đời trước đó 3 năm.

Trong những gia đình có từ 8 đến 12 người con, “le poindi” là tên hiệu của đứa con trai út. Cậu là cục cưng của người mẹ, là quý tử của người cha. Song thân tuôn đổ trên cậu bao thương yêu trìu mến của tuổi già. Theo quan niệm thổ dân Mélanésie, con trai út là con chiên dịu hiền và khiêm tốn. Những đứa con đầu thường có dòng máu hung bạo, có sức lực vũ bão của các loài hùm beo sư tử. Trong khi đứa con út thường nhẹ nhàng êm ái, rút trọn ruột gan của cha mẹ già. Vì thế, người cha truyền thụ tất cả các món gia truyền, những nghề bí mật cho con trai út. Con trai út biết nhiều chuyện. Chàng dùng lời ăn tiếng nói của mình để phân xử, phán quyết mỗi khi trong bộ tộc có điều gì bất hòa, không ổn. Mọi người đổ dồn cặp mắt hướng về chàng. Chàng là điểm quy chiếu sống động của truyền thống bộ tộc.

Con trai út của cụ ông Humbert và của cụ bà Djo-Méa tên Zeldo. Đẹp trai, trẻ trung và khoẻ mạnh là ba điểm nổi bật của chàng út 24 tuổi. Thế nhưng, Zeldo đã bị bạn bè xấu quyến rũ, dại dột đi vào con đường trộm cướp. Vào một đêm khuya vắng, cả bọn 5 thanh niên, trong đó có Zeldo, đập phá và cướp bóc một tiệm hàng ở Thio. Cuộc trộm bị khám phá nên tất cả bị bắt và bị tống ngục.

Rủi thay cho chàng Zeldo vì cùng lúc ấy, cụ bà Djo-Méa qua đời. Theo tục lệ thổ dân Mélanésie, trước khi hạ huyệt, người con út có nhiệm vụ hôn thân mẫu hoặc thân phụ quá cố lần chót và đậy nắp quan tài.

Làm thế nào bây giờ? Sáng hôm ấy, Thánh Lễ an táng diễn ra ngoài trời. Bên cạnh bàn thờ là quan tài của cụ bà Djo-Méa còn mở nắp. Ông Francis, giáo lý viên điều động buổi Phụng Vụ hôm ấy ngỏ lời với đám đông: “Tôi đã xin được phép đặc biệt cho Zeldo. Chàng sẽ về đậy nắp quan tài cho mẹ. Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu Thánh Lễ an táng”.

Thánh Lễ diễn tiến trong bầu khí trang nghiêm và sốt sắng. Cuối Thánh Lễ, có tiếng ồn ào xôn xao nổi lên. Chàng trai út Zeldo xuất hiện với đôi tay bị còng đi giữa hai nhân viên cảnh sát. Thật là cảnh tượng nảo lòng. Đám đông la rú phản đối. Tiếng khóc của các phụ nữ ré lên như muốn xé rách không gian.

Zeldo từ từ tiến đến gần bàn thờ, nơi đặt quan tài của thân mẫu quá cố. Chàng đi những bước như rảo qua sa mạc, tiến vào bóng tối sự chết. Cha Jean Kermarrec, Linh Mục Thừa Sai người Pháp, chủ tế Thánh Lễ an táng hôm ấy, phân vân không biết xử sự ra sao trước hoàn cảnh đau thương như thế. Bỗng biến cố bất ngờ diễn ra. Các Anh Chị của Zeldo tức khắc chạy đến bao vây chàng tội phạm trẻ tuổi. Người thì hôn, kẻ thì vuốt ve trìu mến. Zeldo dàn dụa nước mắt, khóc như chưa bao giờ khóc. Chàng cúi xuống hôn thân mẫu quá cố lần cuối cùng. Quan tài được đậy nắp lại và đưa ra nghĩa trang. Nơi đây, chàng trai út Zeldo lại ném xuống huyệt của mẹ hiền cánh hoa của chàng. Sau đó Zeldo được đưa trở lại nhà tù.

Chàng trai út Zeldo đã trải qua kinh nghiệm nhớ đời. Chàng được toàn bộ tộc tha thứ và tiếp đón như vị anh hùng. Chàng vẫn giữ nguyên tước vị và mọi ưu đãi dành riêng cho “le poindi - con trai út”. Chàng được tất cả các Anh Chị thương yêu trìu mến. Mọi người như quên mất đôi tay “bị còng” của chàng. Chàng cũng thế. Từ đây, trong bốn bức tường nhà giam, Zeldo dành trọn thời giờ để suy tư và để hồi tâm thống hối mọi lỗi lầm. Chàng bắt đầu một cuộc sống mới.

(“Missions Étrangères de Paris”, n.356, Février/2001, trang 57-59).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN