THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Câu chuyện xảy ra vào Đêm Giáng Sinh năm 1951, tại cộng hòa Ucraine. Tại làng nọ, thánh lễ Đêm Giáng Sinh được cử hành lén lút trong gia đình bà góa mù tên Parasia. Chồng bà bị chết trận. Đứa con trai duy nhất vào rừng theo đoàn quân kháng chiến chống cộng. Nhưng chàng bị người bạn phản bội và giết chết. Từ đó, bà Parasia dành cuộc đời còn lại để cầu nguyện. Bà cầu cho người thân yêu quá cố và cho những kẻ đã giết chết con bà.

.. Trời đã khá tối và báo hiệu một đêm giá buốt. Trong nhà, bà Parasia đã chu đáo chuẩn bị cho buổi cử hành phụng vụ. Đang lắng tai nghe ngóng, bỗng có tiếng đi sột soạt trên tuyết. Rồi giọng nói ấm cúng vang lên:
- “Ngợi Khen Chúa Giêsu Kitô!”. Khuôn mặt bà Parasia bỗng ngời sáng, bà đáp ngay:
- “Từ Muôn thưở đến muôn ngàn đời!”. Bà âu yếm hỏi:
- “Wasyl, sao con đến trễ thế? Mẹ bắt đầu lo lắng, tưởng con gặp chuyện không lành!”. Chàng thanh niên vạm vỡ với khuôn mặt ngây thơ của đứa trẻ ngoan hiền, vui vẻ đáp:
- “Mọi sự đã xong xuôi hết rồi mẹ ạ. Giờ chỉ còn dọn nơi cử hành thánh lễ”. Vừa đẩy cửa bước vào nhà, bà Parasia vừa hỏi:
- “Còn Batiouchka thì sao?”. - (Batiouchka là tên giả của cha Dymitri, vị linh mục Công Giáo nghi lễ đông phương) - . Wasyl nhanh nhẹn đáp:
- “Cha đang trọ nhà bà Horpyna. Cha sẽ cải trang thành phụ nữ và cùng đến với bà Horpyna”.
Bà Parasia giải thích với Wasyl:
- “Đây là nơi sẽ cử hành thánh lễ. Chỗ kia là nơi mọi người vào trú ẩn, nếu bất ngờ có công an đến lục soát nhà, chỉ trừ một vài người hy sinh làm “lễ vật”. Ai sẽ là người “hy sinh” ở lại?”. Chàng Wasyl tươi cười trả lời:
- “Gregori, Vanya và con. Người ta sẽ đưa mẹ đi trốn với mọi người”. Bà Parasia nghiêm giọng nói:
- “Không phải vậy đâu con ạ. Chính mẹ sẽ làm vật hy sinh ở lại. Ngay cả lúc cử hành thánh lễ, chính mẹ sẽ đứng trước cửa canh chừng. Nếu có nguy hiểm gì, mẹ sẽ báo động cho mọi người biết. Mẹ đã già rồi, lại mù lòa, góa bụa. Phải nghĩ đến những người trẻ!”. Wasyl vừa lắc đầu tỏ dấu bất đồng ý kiến vừa nói:
- “Con không dám cãi lời mẹ, nhưng con đau lòng khi thấy mẹ không được tham dự thánh lễ, đặc biệt là THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH. Thật là hồng ân trọng đại. Do đó, tụi con sẽ tìm ra người canh gác”.
Bà Parasia vừa móm mém cười vừa đáp:
- “Con nói mà không rõ điều mình nói. Nếu Chúa lấy mất đôi mắt của mẹ, thì bù lại, Ngài cho mẹ đôi tai thật thính. Không ai nghe xa bằng mẹ. Từ ngày người ta giết chết con trai mẹ, mẹ được ủy thác việc cầu nguyện cho những tên Giuđa phản bội. Chúa sẽ hỏi mẹ về những tên Giuđa này. Thật là một trách nhiệm nặng nề .. Nhưng thôi con ơi, mình chuẩn bị lẹ lên, sắp đến giờ rồi!”.
Bỗng có tiếng hú nhè nhẹ vang lên khiến cả hai giật mình. Wasyl nói với bà Parasia:
- “Mẹ ra đón cha Dymitri đi. Để con dọn tiếp”. Trước cửa nhà, hai người đàn bà đang đứng đợi. Bà Parasia nói:
- “Sub tuum praesídium confúgimus - Dưới Bóng Nhân Lành Mẹ chở che, chúng con tìm nương ẩn”. Tức khắc, một giọng trầm trầm đáp lại:
- “Xin Cứu Giúp Chúng Con”. - (Đây là biệt hiệu các tín hữu Công Giáo dùng để nhận ra nhau) -. Bà Parasia cúi xuống thật sâu và nói:
- “Xin Thiên Chúa chúc lành cho Batiouchka. Mời quý vị vào ngay để sưởi cho ấm”.
Độ một giờ sau, căn phòng đầy kín các tín hữu đến tham dự Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh. Trước khi cử hành thánh lễ, cha Dymitri nói với mọi người hiện diện:
- “Anh chị em thân mến. Không phải Chúa Giêsu chỉ sinh ra duy nhất một lần cách đây 1951 năm. Không. Chúa Giêsu không ngừng tiếp tục sinh ra trong các tâm hồn. Đối với những ai yêu mến Thiên Chúa thì mỗi ngày là một Lễ Giáng Sinh. Chỉ cần thưa: Xin hãy đến, Chúa liền đến. Nếu tâm hồn bạn nhơ nhớp và đầy khốn cực, bạn cũng đừng thất vọng. Chúa sẽ đến để thiết đặt lại trật tự. Và nhất là, Ngài đổ vào hồn bạn đầy tràn tình yêu, tình yêu và tình yêu. Chính Tình Yêu Thiên Chúa làm cho chúng ta được trở nên giàu có và hạnh phúc” ...
Trong khi đó, bà Parasia ngồi bên cánh cửa ra vào để nghe ngóng, canh chừng. Bỗng bà giật mình vì có tiếng động. Ngay lúc đó, một bàn tay đặt trên vai bà, bàn tay kia bịt kín miệng bà. Một tiếng nói vang lên:
- “Hãy nói mau, vị linh mục đang ẩn trốn nơi đâu?”. Bà Parasia thật chua xót vì đã lơ đãng, không nghe tiếng động của công an. Bà chỉ còn biết kêu cầu:
- “Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin hãy cứu chúng con. Con sẵn sàng chết, nhưng đừng để một người nào trong nhà này phải bị bắt.
Bên cạnh bà, công an vui mừng vì chộp được con mồi lớn, ngay chính Đêm Giáng Sinh. Chàng hí hửng cầm chắc phần thưởng trong tay .. Nhưng, cụ bà Parasia đột ngột xuất thần. Bà nhìn rõ tội trạng của công an, như một cuốn phim đang diễn ra trước mắt bà. Bà lần lượt kê khai mọi tội: từ năm lên 12, 16 và sau cùng, năm 20. Bỗng bà Parasia thốt lên một tiếng kêu kinh hãi. Bà nói dồn dập:
- “Chính anh là tên Giuđa phản bội mà từ lâu nay ta vẫn cầu nguyện cho anh. Chính anh là người đã treo cổ giết chết quí tử duy nhất của ta .. Chưa hết, đêm hôm qua đây, anh đã bỏ bùa quyến rũ được bà vợ của ông chủ quán, khiến bà ta tiết lộ danh tánh các tín hữu Công Giáo sẽ hội họp đêm nay nơi nhà ta!” ..
Bà Parasia ngừng lại như đuối sức, sau khi đã liệt kê mọi tội trạng, không sót tội nào của công an. Bên cạnh bà, chàng công an đang quỳ sụp, nức nở khóc. Bà từ từ cúi xuống, ôm lấy chàng trong đôi tay run run và nói:
- “Bình an, con ạ. Đêm nay là Đêm Bình An”. Đôi mắt đẫm lệ, chàng hỏi:
- “Thưa mẹ, giờ đây con phải làm gì?”. Bà Parasia kề tai chàng nói:
- “Con hãy theo ta”. Nói rồi, bà cầm tay chàng dắt vào nơi đang cử hành thánh lễ. Bà nói với cha Dymitri và mọi người hiện diện:
- “ Anh này đến như tên Giuđa phản bội. Nhưng con dẫn anh vào đây như người anh em lạc đường, trở về Nhà Cha!”.

(Maria Winowska ”Les Voleurs de Dieu”, Editions Saint Paul, 1989, trang 72-80).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN