CUỘC TRỞ LẠI CỦA NGƯỜI THEO BÈ TAM ĐIỂM

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Trong số những vị tông đồ nhiệt thành cổ võ lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa GIÊSU, chắc chắn phải kể đến cha Matteo Crawley-Boeley. Cha cũng là Vị Linh Mục phổ biến phong trào Đền Tạ và Tôn Vương Thánh Tâm Chúa GIÊSU trong các gia đình Công Giáo. Thân phụ cha Matteo người Anh và thân mẫu người Pérou. Cha Matteo Crawley Boeley qua đời năm 1960 tại Valparaiso, một thành phố nằm về phía Tây Bắc thủ đô Santiago de Chile (nước Chí-Lợi).. Cha Matteo kể lại câu chuyện sau đây.

Tôi được mời đến cử hành thánh lễ nơi nhà nguyện riêng của một gia đình Công Giáo quý tộc. Những người trong gia đình có nhã ý mời một người quen đến tham dự thánh lễ với họ. Ông này vừa vô thần vừa đi theo bè tam điểm. Ông chưa hề đặt chân vào bất cứ thánh đường Công Giáo nào.

Khi mặc xong đồ lễ và tiến ra bàn thờ dâng Thánh Lễ tôi trông thấy một người đàn ông đứng thẳng người, đôi tay bỏ sau lưng. Trong khi đó, hai người đàn ông khác ăn mặc sang trọng, quỳ hai bên ông, với thái độ khiêm tốn và sốt sắng. Tôi liên tưởng đến quang cảnh trên Núi Sọ: Chúa GIÊSU bị đóng đinh ở giữa hai tên trộm cướp. Ở đây ngược lại: một tên trộm cướp đứng giữa hai tín hữu ngoan đạo!

Tôi bắt đầu Thánh Lễ và ông ta - trong dáng diệu vừa thách thức vừa khinh khi - vẫn ưỡn ngực đứng thẳng người. Đến lúc Truyền Phép và dâng Mình Máu Thánh Chúa GIÊSU, như bị một sức mạnh vô hình nào đó truyền khiến, ông ta bỗng quỳ sụp xuống. Ông chăm chú ngước nhìn lên bàn thờ với đôi mắt đẫm lệ. Mọi người có mặt đều ngạc nhiên bỡ ngỡ, không biết chuyện gì đã xảy ra??

Thánh Lễ chấm dứt, ông ta xin gặp tôi và hỏi: “Xin ngài giải thích cho tôi biết ngài làm gì khi ngài đến căn phòng này?” Tôi trả lời: “Tôi đến đây làm gì ư? Tôi đến nhà nguyện này để dâng Thánh Lễ”. Ông ta lại hỏi: “Thánh Lễ là gì?” Tôi thắc mắc: “Xin lỗi, ông có phải là tín hữu Công Giáo không?” Ông ta nói ngay: “Không, tôi không tin gì hết!” Tôi tìm lời giải thích: “Ông biết không, loài người đã phạm tội cùng Thiên Chúa. Và Thiên Chúa - để ban ơn tha thứ cho loài người - đã sai Con Một Duy Nhất của Người xuống trần gian. Đó là Đức GIÊSU KITÔ. Đức GIÊSU vừa rao giảng Tin Mừng Cứu Rỗi vừa làm phép lạ minh chứng cho lời rao giảng của Ngài. Nhưng kẻ thù Ngài bắt Ngài và đóng đinh Ngài trên Thánh Giá” .

Nghe đến đây, người đàn ông ngạc nhiên hỏi tiếp: “Tất cả những điều ngài nói, có gồm tóm hết trong Thánh Lễ không?” Tôi trả lời: “Thánh Lễ gồm tóm tất cả những điều tôi vừa giải thích. Thánh Lễ diễn lại Hy Lễ Chúa GIÊSU hoàn tất trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người”. Ông ta nhìn tôi với cặp mắt mơ màng và nói: “Vậy xin ngài cho tôi biết, Ai là Người đã đến thay chỗ ngài, lúc ngài dâng Thánh Lễ?” Tôi thắc mắc hỏi lại: “Tôi không hiểu ông muốn nói gì?” Ông ta giải thích: “Vào một lúc, khi có tiếng chuông rung báo hiệu, tôi thấy ngài biến mất và thay chỗ ngài là một Vị có dáng điệu trịnh trọng uy nghi, nhưng khuôn mặt buồn thật buồn và trọn Thân Thể Vị Ấy có đầy thương tích. Vị Đó giang hai tay ra và từ thương tích nơi bàn tay tuôn ra những Giọt Máu rớt xuống cái chén để trên bàn” .. Ông tam-điểm lúng túng không biết nói là chén gì. Tôi tiếp lời ông: “Chúng tôi gọi đó là Chén Thánh”. Ông ta kể tiếp: “Phải, những Giọt Máu rơi xuống Chén Thánh. Tôi chưa từng chứng kiến một quang cảnh nào vừa trang nghiêm vừa dịu dàng cảm động như thế! Tôi cảm thấy mình hoàn toàn run sợ trước vẻ uy linh của Vị Ấy .. Một lúc sau đó, thì Vị Này lại biến mất và tôi lại thấy ngài đứng trên bàn thờ như trước. Vậy xin ngài nói cho tôi biết Vị Kia là ai?”

Tôi cảm động nói ngay: “Vị Ấy chính là Chúa GIÊSU KITÔ. Chúa GIÊSU bị quân dữ đánh đòn. Chúa GIÊSU Mình đầy thương tích và chảy Máu. Chúa GIÊSU bị đóng đinh trên Thánh Giá. Chúa GIÊSU chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Chúa GIÊSU cũng muốn trao cho ông ơn tha thứ và Tình Yêu của Ngài” ..

Sau cuộc đối thoại, ông theo bè tam-điểm thành tâm thống hối, hoán cải tâm lòng và khiêm tốn xin tôi dạy thêm cho ông biết về giáo lý đạo Công Giáo. Sau đó ông xin nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

( “Sembra Impossibile .. eppure è così”, Editrice Comunità, 1992, trang 97-99).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN