QUẢ XOÀI .. TẠ ƠN

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Jill Kinsey là nhân viên thuộc tổ chức "Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ”. Ông được gửi sang miền Đông Phi Châu để điều hợp việc tổ chức các bữa ăn miễn phí cho người nghèo. Trong một chuyến đi công tác tại Mozambique, quốc gia bị đói kém vì nạn hạn hán, ông đã gặp cậu bé Antonio. Antonio là biểu tượng của hàng trăm ngàn đứa trẻ Phi Châu, sống lang thang đầu đường xó chợ, kiếm sống bằng cách ăn xin, ăn cắp hay bới các thùng rác. Ông Jill Kinsey kể.

Một buổi sáng, tôi đến Tete, thành phố nhỏ đầy cát bụi. Nơi phòng đợi của Sở Di Trú, một bé trai mảnh khảnh khoảng 8-9 tuổi đến trước mặt tôi, vừa xoè tay xin, vừa khẩn khoản nói:
- "Làm ơn cho cháu ít tiền để cháu mua thức ăn”.

Tôi nhìn chăm đôi mắt đen nhánh, nụ cười ve vuốt và dáng điệu ranh mãnh của cậu bé, lòng thầm nhủ: "Hẳn không phải lần đầu tiên cậu bé ăn xin!”.

Thấy tôi im lặng, cậu bé bỏ tay xuống rồi đến ngồi cạnh tôi, dáng điệu trở nên nghiêm trang. Cậu bé mạnh dạn làm quen:
- "Chú làm gì ở đây?”
- "Chú đến thu xếp một vài công việc trước khi sang Zimbabwe”.

Đôi mắt cậu bé sáng rực lên. Mọi người ở đây đều biết rằng, các cửa tiệm ở Zimbabwe chất đầy hàng hóa..

Ngừng một chút, cậu bé nói:
- "Chú làm ơn mua cho cháu một đôi giày được không? Nếu cháu được đi học, cháu ước ao có giày để mang!”. Nói xong, cậu bé đăm đăm nhìn tôi, chờ đợi câu trả lời. Tôi đáp:
- "Được, nếu chú đi Zimbabwe, chú sẽ mua cho cháu đôi giày”. Gương mặt cậu bé rạng rỡ niềm vui. Cậu bé cho tôi biết tên là ANTONIO. Rồi cậu bé bỗng đứng phắt dậy, vẫy tay chào tôi và chạy biến mất.

.. Hai tuần sau, từ Zimbabwe trở về Mozambique, tôi cẩn thận mang theo đôi giày thể thao màu trắng mua cho Antonio. Giữa cát bụi mịt mờ và đám người tị nạn đông lúc nhúc, tôi chưa trông thấy cậu bé thì đã nghe tiếng Antonio gọi tên tôi: "JILL! JILL!”. Rồi cậu bé vào đề ngay, bỏ hẳn phần chào thăm xã giao thường lệ:
- "Chú có mua giày cho cháu không?”.

Sau khi thử giày, mặc dầu có hơi lớn hơn chân một chút, nhưng Antonio tràn đầy sung sướng, ấp úng hai chữ "CÁM ƠN”. Chưa hết. Cậu bé đi ngay sang phần thứ hai, khi nói:
- "Cháu muốn đến trường, chú có bằng lòng giúp cháu đi học không?”.

Tôi hơi do dự. Nếu tôi nhận giúp Antonio, tôi cần biết thêm lai lịch của cậu bé. Antonio cho tôi biết: cha đã chết, mẹ sống ở Malawi. Hiện tại cậu bé sống với người dì ruột.

Để ghi tên vào trường, cậu bé phải có ít nhất tờ khai sanh. Nhưng Antonio chỉ biết tên cha là Samuel Traz, năm sinh là 1981, còn ngày sinh tháng đẻ thì cậu bé mù tịt. Làm thế nào bây giờ? May mắn thay, người thư ký nhận ghi danh Antonio, bằng lòng cho chúng tôi chọn ngày sinh. Tôi âu yếm hỏi cậu bé:
- "Cháu thích chọn ngày nào?”. Antonio đưa đôi mắt ngây thơ cầu cứu:
- "Chú làm ơn chọn cho cháu”. Tôi đề nghị:
- "Chọn ngày 25 tháng 12. Antonio, cháu có biết không? Đây là ngày đẹp nhất trong năm, vì là ngày Sinh Nhật của Đức Giêsu Kitô!”.
Mọi người hài lòng vui vẻ!

Sau bao nhiêu thủ tục hành chánh khó khăn và rườm rà, cả hai chúng tôi đã thành công lớn trong việc ghi tên Antonio vào trường mẫu giáo .. Cầm trong tay tấm thẻ ghi danh với tên gọi Antonio Samuel Traz, cậu bé nở một nụ cười thật tươi chen lẫn niềm hãnh diện sâu xa. Xong, cậu bé đưa thẻ cho tôi xem.

Ngay buổi chiều hôm đó, cậu bé tìm đến chỗ tôi đang trọ. Sau khi gõ cửa và bước vào phòng, cậu bé đưa cho tôi trái xoài chín, màu vàng óng ả và thơm phức. Antonio nói:
- "Cháu xin biếu chú Jill”.

Cầm trong tay quả xoài chín, nhìn khuôn mặt rạng rỡ niềm vui của cậu bé, tôi thật sự xúc động.

Antonio cũng thật sung sướng. Cậu bé cắp sách đến trường. Tuy nhiên, sau bao năm tháng sống đời vẫy vùng tự do, lang thang đầu đường xó chợ, giờ đây, khép mình trong bốn bức tường kỷ luật lớp học, không phải là chuyện dễ! Thêm vào đó, Antonio là học sinh cao tuổi nhất lớp - 12 tuổi - bên cạnh các học sinh khác ở lứa tuổi 6-8. Nhưng với ý chí sắt đá, lòng kiên trì vượt mức, Antonio muốn học đọc, học viết để có thể xây dựng tương lai cho chính mình và cho người khác.

Antonio Samuel Traz đã chinh phục được lòng tôi. Cậu bé dạy tôi một bài học quý giá:
“Bắt đầu một ngày sống như một cuộc phiêu lưu mạo hiểm với con tim tràn đầy tin tưởng, hy vọng và nhìn thế giới chung quanh với đôi mắt trẻ thơ: luôn ngạc nhiên và thích thú!”.

("Reader's Digest Sélection”, 7/1995, trang 59-63).



Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN