ĐỨC PIO XI VÀ THÁNH THIÊN THẦN BẢN MỆNH


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Đức Giáo Hoàng Pio 11 (1857-1939) có tên thật là Achille Ratti. Ngài làm chủ chăn Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ trong vòng 17 năm, giữa hai thế chiến, từ 1922 đến 1939.

Điểm nổi bật trong cuộc đời vừa cao cả vừa thánh thiện của Đức Pio 11 là lòng tin tưởng nơi sự trợ giúp của Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. Lòng tin tưởng này được Cha Ermenegildo Pellegrinetti (1877-1943) - vị bí thư ký của ngài - kể lại trong tư cách là chứng nhân. Cha Pellegrinetti sau đó làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Yugoslavi rồi được vinh thăng hồng y.

Hồi ấy là mùa hè 1918, vài tháng trước khi kết thúc đệ nhất thế chiến 1914-1918. Quân Đức xâm chiếm một phần lãnh thổ Ba Lan. Một thời gian ngắn trước biến cố này, Đức Giáo Hoàng Biển-Đức 15 (1914-1922) chỉ định Đức Cha Achille Ratti làm Kinh Lược Tòa Thánh tại Ba Lan. Vừa nhận nhiệm sở, Đức Cha Ratti đến viếng thăm vị tổng lãnh sự Đức tại Varsava là tướng Von Beseler, người đã từng chiến thắng hai trận đánh tại Anvers (Bỉ, 1914) và tại Modelin. Trước mỗi cuộc gặp gỡ khó khăn, Đức Cha Ratti có thói quen cầu nguyện cách riêng với ‘‘Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” và với vị Thiên Thần Bản Mệnh của người mà ngài sẽ đối thoại. Chiếu theo quốc tịch Ý thì Đức Cha Ratti thuộc về một dân tộc đối nghịch với dân tộc Đức. Đây là cuộc gặp gỡ vô cùng tế nhị, bất lợi nhiều hơn thuận lợi..

Vậy mà cuộc gặp gỡ đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Trong cuộc nói chuyện với tướng Von Beseler, Đức Cha Ratti đã tỏ ra thật ngay thẳng đồng thời thận trọng dùng ngôn từ vô cùng đắn đo, hòa nhã và sau cùng, giọng nói của vị Kinh Lược Tòa Thánh vừa trang trọng vừa nhẹ nhàng đến nỗi đã chinh phục được lòng ông tổng lãnh sự người Đức. Nếu Đức Cha Achille Ratti không đạt mọi ước nguyện, thì ít ra ngài cũng xóa bỏ những thành kiến nơi tướng Von Beseler, làm giảm bớt mức độ chống đối và đạt được một số lời hứa hẹn của chính quyền Đức. Bao nhiêu đó cũng đã là khá lắm rồi!

Ba năm sau, 1921, cũng chính Đức Giáo Hoàng Biển-Đức 15 chỉ định Đức Cha Achille Ratti làm Tổng Giám Mục Milano (Bắc Ý). Ngày đặt chân đến Milano để nhận chức vụ chủ chăn một giáo phận vừa rộng lớn vừa quan trọng, Đức Tổng Giám Mục Ratti quỳ xuống hôn đất Milano, lãnh thổ mà THIÊN CHÚA giao phó cho ngài. Đức Cha Ratti không quên khẩn cầu sự trợ giúp của Thiên Thần có nhiệm vụ gìn giữ giáo phận.

Lòng tin tưởng nơi sự phù trợ của Thánh Thiên Thần Bản Mệnh tiếp tục theo mãi Đức Cha Achille Ratti cho đến khi ngài được bầu làm chủ chăn Giáo Hội Công Giáo Hoàn vũ vào năm 1922 với danh hiệu Pio 11. Vị bí thư của Đức Pio 11 là Cha Carlo Confalonieri,sau này làm hồng y và làm Tổng Trưởng bộ Giám Mục, đã làm chứng về điểm này. Đức Hồng Y Confalonieri viết:

Đức Pio 11 đặc biệt có lòng sùng mộ các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. Dĩ nhiên trước tiên đối với vị Thiên Thần Bản Mệnh của ngài. Tiếp đến là Thiên Thần Bản Mệnh của các vị chủ chăn các Giáo Hội địa phương và của các vị Sứ Thần, Khâm Sứ, Kinh Lược Tòa Thánh. Mỗi khi tiếp kiến một giám chức trước khi vị đó lên đường thi hành công tác do Ngài chỉ định, Đức Giáo Hoàng Pio 11 thường từ giã bằng lời cầu chúc trích trong Kinh Thánh Cựu Ước, từ sách Tobia rằng: ‘‘Xin THIÊN CHÚA trên trời ở cùng ngài trên đường ngài đi và xin Thánh Thiên Thần Chúa cùng đi với ngài và gìn giữ ngài” (5,17).

Đức Cha Angelo Giuseppe Roncalli - sau này là Đức Giáo Hoàng Chân Phúc Gioan 23 (1958-1963) - cũng làm chứng về lòng sùng mộ của Đức Pio 11 đối với các Thánh Thiên Thần Hộ Thủ.

Tháng 3 năm 1925, Đức Pio 11 chỉ định Đức Cha Roncalli làm Kinh Lược Tòa Thánh tại Bulgari và 9 năm sau, lại chỉ định làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Thổ nhĩ kỳ và Hy Lạp. Tại các nước này, tín hữu Công Giáo chỉ chiếm thiểu số. Hồi ấy, tinh thần đại kết cũng chưa được rộng mở bao nhiêu. Do đó, sứ vụ của Đức Cha Angelo Roncalli quả thật khó khăn và tế nhị. Một ngày, một trong những chuyến về viếng thăm Tòa Thánh và gặp gỡ Đức Giáo Hoàng, Đức Cha Roncalli đã được Đức Pio 11 ”vén mở màn bí mật”, cho biết một phương thế tuyệt hảo để chu toàn sứ vụ Khâm sứ Tòa Thánh tại các nước vùng Balcan. Đó là: Cầu khẩn sự trợ giúp của các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. Đức Giáo Hoàng Pio 11 nói với Đức Cha Roncalli:

- Sự hiện diện của các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh là suối nguồn niềm vui cho chúng ta, những người được các Thiên Thần gìn giữ phù hộ. Chính các Thiên Thần san bằng các khó khăn và xóa bỏ các chống đối. Khi tôi phải nói chuyện với một người nào mà tôi biết là rất khó đạt được sự thông cảm và hòa điệu, tôi liền cầu cứu với Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của tôi. Tôi xin Thiên Thần Bản Mệnh của tôi thương lượng với Thiên Thần Bản Mệnh của vị mà tôi sẽ gặp. Một khi đường dây giữa hai Thiên Thần Bản Mệnh được thiết lập thì cuộc trao đổi giữa giáo hoàng với vị khách sẽ diễn ra trong xuôi chảy tốt đẹp.

Triều đại 17 năm giáo hoàng của Đức Pio 11 thật cam go, nhưng cũng đánh dấu nhiều thành tích đáng kể.

Vừa lên ngôi năm 1922, Đức Pio 11 thành lập phong trào Công Giáo Tiến Hành. Năm 1929, ngài ký kết với chính phủ Italia Hòa Ước Laterano. Hòa Ước nhìn nhận sự độc lập của lãnh thổ Tòa Thánh. Sau khi Hòa Ước ký kết, Đức Pio 11 liền giao cho ông Guglielmo Marconi (1874-1937) - nhà bác học người Ý - nhiệm vụ thành lập một đài Phát Thanh, nằm trong lãnh thổ quốc gia thành phố Vatican. Đài Phát Thanh Vatican được khai trương ngày 12 tháng 2 năm 1931. Cũng chính Đức Pio 11 đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng điểm gay go nhất trong cuộc đời giáo hoàng là việc ngài phải đương đầu với ba nhà độc tài.

Trước tiên là Benito Mussolini (1884-1945), người khởi xướng chủ nghĩa phát-xít - tức là chủ nghĩa quốc gia quá khích - tại Ý. Tiếp đến là Adolf Hitler (1889-1945), người cầm đầu bọn đức quốc xã, muốn làm bá chủ Âu châu và ra lệnh tiêu diệt người Do thái. Sau cùng là Iossif Staline (1879-1953), cha đẻ của chủ thuyết cộng sản vô thần tại Nga. Cả ba nhà độc tài đều sống đồng thời với Đức Pio 11. Và lịch sử còn ghi lại rõ ràng: Đức Pio 11 là vị Giáo Hoàng đã từng tố giác Staline và những cuộc bách hại tôn giáo của ông tại Nga. Đức Pio 11 là vị Giáo Hoàng dám đương đầu với Hitler và từng kháng cự chống lại Mussolini.

Nhưng vị giáo hoàng gan lì ấy lại là vị giáo hoàng rất có lòng sùng kính các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. Ngày 2 tháng 9 năm 1934 - lúc đó còn là lễ kính các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh - Đức Pio 11 đã dành một buổi tiếp kiến cho các ‘‘Thiếu Nhi Công Giáo Ý” tại nội thành Vatican. Trong bài nói chuyện thân mật, Đức Thánh Cha đã nói với các em về các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh và dĩ nhiên ngài cũng nói với các em về Thánh Thiên Thần Hộ Thủ của ngài. Trước tiên, Đức Pio 11 lập lại lời khuyên dạy của thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153) vị tiến sĩ Hội Thánh nói rằng:

- Con đừng bao giờ quên người bạn đường này. Con hãy chứng tỏ cho ngài thấy lòng con kính trọng sự hiện diện của ngài, sự quảng đại và lòng khoan hậu của ngài cũng như lòng tin tưởng và sự phù trợ mà ngài dành cho con.

Thật vậy, Thiên Thần Chúa đồng hành với chúng ta bằng sự hiện diện của ngài. Ngài yêu thương, giúp đỡ và bảo vệ chúng ta. Chúng ta có bổn phận đáp lại lòng nhân hậu của Thánh Thiên Thần Bản Mệnh. Đừng bao giờ lãng quên sự hiện diện của ngài. Đừng bao giờ làm cho các ngài phải xấu hổ đỏ mặt vì chúng ta. Dầu còn thơ trẻ hoặc đã trưởng thành chúng ta đừng bao giờ làm phiền lòng người bạn đường luôn yêu thương chăm sóc chúng ta. Đừng bao giờ làm điều gì mà chúng ta không dám làm trước mặt mẹ cha hoặc trước mặt các bạn đồng lớp, vì khắp mọi nơi và trong mọi lúc, Thiên Thần Bản Mệnh luôn có mặt tại đó. Chẳng những ngài hiện diện nhưng sự hiện diện của ngài còn chan hòa tình thương trìu mến. Đối lại cũng phải bày tỏ cho Thiên Thần Bản Mệnh tình thương mến chúng ta dành cho ngài. Chúng ta phục tùng và mộ mến ngài, hơi gần giống như tình thương mến dành cho THIÊN CHÚA. Chúng ta bày tỏ lòng tùng phục qua việc cầu cùng Thiên Thần Bản Mệnh mỗi ngày, ban sáng, ban tối và rải rác trong ngày. Chúng ta làm như thế cũng giống như giáo hoàng, mỗi ngày, vào lúc bắt đầu và khi kết thúc một ngày, đều kêu cầu Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của mình và còn hơn thế nữa, dọc theo ngày, thường lập lại lời kêu cầu này, nhất là lúc gặp những chuyện rắc rối và khó khăn, những chuyện mà thường không thiếu trong ngày sống của một vị giáo hoàng.

Cha cảm thấy và ghi nhận rằng, Thiên Thần Hộ Thủ luôn hiện diện bên cạnh cha, sẵn sàng trợ cứu và giúp đỡ cha. Các con thân mến, đó cũng là điều mà các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của các con làm cho các con. Các ngài luôn có mặt bên các con, tràn đầy tình thương và luôn luôn tỉnh thức canh phòng cho các con. Điều xác tín chúng ta được một vị hoàng tử của trời cao canh giữ phải gợi lên trong chúng ta, không những lòng kính trọng và sùng mộ, nhưng còn phải khiến chúng ta có lòng tin tưởng tuyệt đối nữa. Lòng tin tưởng này thật cần thiết, nhất là nó phải được biểu lộ mỗi khi chúng ta thi hành những trách nhiệm nặng nề hoặc mỗi khi chúng ta gặp khó khăn để tuân giữ một điều đã dốc lòng. Đó là lúc chúng ta phải đặt lòng tin tưởng nơi sự trợ giúp, bênh đỡ và bảo vệ đặc biệt của Thánh Thiên Thần Bản Mệnh.

(Georges Huber, ”Mon Ange marchera devant toi”, Éditions Saint-Paul, 1975 + Frédéric de Lama, ”Les Anges”, Éditions Christiana, 1987).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN