PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI LỘ ĐỨC
Kể từ cuộc hành hương toàn quốc Pháp đầu tiên vào năm 1888 các cuộc hành hương Lộ Đức nối tiếp đều mang một nét đặc thù. Đó là các cuộc rước kiệu Thánh Thể trọng thể, bày tỏ lòng tôn sùng kính yêu của các tín hữu Công Giáo đối với Chúa GIÊSU KITÔ ẩn mình trong bí tích Thánh Thể. Thật ra, Đấng Cứu Thế - Chúa GIÊSU KITÔ - không bị dân chúng lãng quên trong lúc họ biểu lộ lòng ngưỡng mộ đối với Hiền Mẫu Ngài, Nữ Vương Rất Thánh MARIA. Thêm vào đó, nếu Từ Mẫu Thiên Quốc làm phép lạ chữa lành bệnh tật phần hồn lẫn phần xác, chính là nhờ quyền năng vô biên của Con Dấu Ái Mẹ, Chúa GIÊSU KITÔ. Xác tín này thật rõ ràng, bởi lẽ, các tín hữu hành hương luôn luôn cảm nhận sự hiện diện trìu mến của Đấng Cứu Độ nơi Hang Đá Lộ Đức tràn đầy phúc lành. Tất cả đều ý thức rằng: Chỉ mình Thiên Chúa là Chủ Tể mọi việc kỳ diệu - qui facit mirabilia solus.
Thế nhưng, năm 1888 là năm đáng ghi nhớ nhất. Nữ Trinh Rất Thánh MARIA tự ẩn mình đi để làm nổi bật nét đẹp uy linh cao cả của Chúa GIÊSU KITÔ, Người Con Chí Thánh ẩn mình trong bí tích Thánh Thể. 18 thế kỷ sau cuộc đời dương thế của Đức GIÊSU KITÔ nơi Thánh Địa, các tín hữu hành hương Lộ Đức như sống lại quang cảnh ghi trong Phúc Âm: Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem, hàng ngàn người hiện diện đã lớn tiếng tung hô Hosanna - Vạn Tuế Con Vua Đavít. Và Chúa GIÊSU đi qua, vừa chúc lành đám đông vừa chữa họ khỏi tất cả bệnh hoạn tật nguyền, thể theo ước nguyện thầm kín của từng người thành khẩn kêu cầu cùng Ngài.
Tờ Nhật Ký Lộ Đức - Le Journal de Lourdes, số xuất bản tháng 8 năm 1888 đã tường thuật tỉ mỉ biến cố trọng đại như sau.
Lời kinh Magnificat - Linh hồn con ngợi khen Chúa - là lời kinh có âm vang thật đặc biệt tại Lộ Đức, bởi vì, đó là lời kinh được các tín hữu diễn tả lòng cảm tạ sâu xa về các ân huệ nhận lãnh. Và ngày 21-8-1888, lời kinh Magnificat này mang trọn chiều kích ngợi khen cùng tri ân của đoàn người hành hương. Phải thành thật thú nhận rằng, nếu được phép soi thấu tâm tư kín ẩn của từng người, hẳn chúng ta sẽ đọc được phép lạ Đức Mẹ ban trên bình diện thiêng liêng. Thế nhưng, ngày hôm ấy, Đức Mẹ như giả điếc làm ngơ trước mọi lời khấn cầu của con cái Mẹ, đang lê lết vì các khổ đau phần xác. Không một bệnh nhân nào được Đức Mẹ chữa lành.
Thêm vào đó, ngày đầu tiên của cuộc hành hương toàn quốc Pháp đã kết thúc trong thảm sầu như bầu khí ảm đạm của cả ngày. Vào lúc đoàn tín hữu xếp hàng đôi, tay cầm nến sáng, chuẩn bị cuộc rước đuốc kính Đức Mẹ Lộ Đức, thì hỡi ôi, trời bỗng lên cơn giông tố bão bùng, mưa đổ như trút nước. Mọi người nhanh nhân tìm chỗ trú ẩn .. Đâu ai ngờ rằng, thử thách này tiên báo ngày mai tươi sáng hơn, không xóa mờ trong tâm trí.
Chứng kiến cảnh tượng buồn thương của các tín hữu hành hương - tuy vẫn giữ vững lòng tin cậy mến -, Trời Cao đã gợi ý cho một linh mục thánh thiện. Cha thầm nghĩ: “Tại sao không tổ chức một buổi rước kiệu Mình Thánh Chúa, mang Chúa GIÊSU Thánh Thể đi qua giữa đoàn bệnh nhân? Tại sao không khuyến khích các tín hữu dâng lên Chúa GIÊSU Thánh Thể lời tung hô đi kèm lời khẩn cầu chữa lành bệnh tật phần xác, y như khi Chúa GIÊSU còn sống nơi dương thế?”
Lời đề nghị của vị linh mục thánh thiện được Cha Picard hân hoan tiếp nhận. Cha tức khắc thu thập những câu chúc tụng, các lời van xin ghi trong Phúc Âm rồi in trên một tờ giấy khổ nhỏ và phân phát cho các tín hữu hành hương. Đúng 4 giờ chiều ngày 22-8-1888, Mình Thánh Chúa GIÊSU được long trọng rước ra từ Đền Thánh, đi giữa đoàn tín hữu hành hương tay cầm nến sáng. Sau khi đoàn rước đi qua Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức, các lời khẩn cầu bắt đầu vang lên với trọn nhiệt tâm, nhiệt huyết, không thể nào diễn tả cho hết.
Khi đầu đoàn rước tiến ra bờ sông Gave, mọi người hiện diện cùng có chung một tư tưởng: “Lộ Đức không còn là Lộ Đức mà là thành Giêrusalem thời Chúa GIÊSU KITÔ. Chúa Cứu Thế đang xuất hiện sống động và khải hoàn với những công trình kỳ diệu .. Suốt đời, tôi sẽ không bao giờ quên tiếng kêu, quên đám đông cùng với các lời khẩn thiết hòa lẫn nước mắt chan hòa tuôn rơi”.
Một luồng gió thánh linh đầy phấn khởi thổi trên đầu mọi tín hữu hiện diện. Từ trên các băng-ca, các chiếc giường, các xe lăn, những bệnh nhân đang đau đớn nơi thể xác, đồng thanh van xin. Hòa nhịp với lời cầu thống thiết, toàn thể các tín hữu hành hương cũng cất tiếng kêu xin, lập lại lời của người bất toại và người mù thành Giêricô thưa cùng Chúa GIÊSU rằng: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, xin Ngài chữa con lành bệnh!”
Ngay lúc ấy, trước Hang Đá Đức Mẹ, ở giữa đám đông, ở giữa tình thương trìu mến, ở giữa những gì thâm sâu nhất, cao cả nhất trong tâm hồn con người, trước mặt Con Thiên Chúa phúc lành, trước sự chứng kiến của toàn dân nước Pháp, 8 người bệnh nằm liệt giường được chữa khỏi và đứng thẳng lên: “Surge, tolle grabatum tuum et ambula - Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi!”, Mát-thêu, chương 9 câu 6.
Làm sao diễn tả cho hết quang cảnh cảm động trên đây? Khi lời kinh Magnificat long trọng cất lên, vang dội và chiến thắng, không ai cầm được nước mắt cảm tạ và tri ân.
Người ta dễ dàng tưởng tượng ra quang cảnh đầy phấn khởi của buổi lễ cử hành ngay đêm hôm ấy. Cuộc rước đuốc diễn ra trong vòng hai tiếng đồng hồ, làm sáng rực toàn khu vực Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức: từ Hang Đá cho đến Đền Thánh và mọi lối đi dọc theo bờ sông Gave. Sau khi hát Kinh Tin Kính, đoàn tín hữu hành hương vang lên những lời chúc tụng như: Vạn tuế Chúa GIÊSU KITÔ! Vua Chiến Thắng! Vạn Tuế Đức Bà Lộ Đức! Hoan hô Đức Thánh Cha Lêô 13!
Sáng hôm sau 23-8-1888, muôn người như một, chỉ mở miệng để nói về cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa và biến cố xảy ra vào buổi chiều hôm trước. Vì thế, mỗi người tự nguyện sẽ tham dự cuộc kiệu Mình Thánh Chúa vào lúc 4 giờ chiều hôm ấy. Nói thế để hiểu rằng, toàn khu vực Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức đông chật tín hữu hành hương. Hàng trăm bệnh nhân nằm trên cáng được khiên ra đặt trên lối đi.
Khi Chúa GIÊSU Thánh Thể xuất hiện, tức khắc tái diễn quang cảnh xảy ra vào buổi chiều hôm trước. Hay nói đúng hơn, mọi tâm hồn như sốt sắng hơn, cảm động hơn và phấn khởi tươi vui hơn. Mọi người cất tiếng hát, đọc kinh và kêu cầu với những lời ghi trong Phúc Âm: “Lạy Chúa GIÊSU, xin thương chữa lành chúng con! Lạy Chúa GIÊSU, kẻ Thầy yêu đang ốm nặng!” Người đau bệnh cũng như kẻ lành mạnh, tất cả đều giơ tay khẩn thiết hướng về phía Mình Thánh Chúa.
Thế là, Chúa GIÊSU Thánh Thể Lộ Đức liền ra tay ban phúc lành, đáp trả lời kêu cầu của mọi người thiện tâm. Một chủng sinh bị bệnh đang ở giai đoạn cuối đời, liền đứng thẳng lên khỏi chiếc cáng đang nằm, và mạnh dạn tiến bước theo sau chiếc kiệu Mình Thánh Chúa. Rồi một bệnh nhân thứ hai và một bệnh nhân thứ ba, cũng đứng lên hân hoan bước theo sau Chúa GIÊSU Thánh Thể.
Các nhân viên khiêng cáng phải khó nhọc lắm mới giữ được các bệnh nhân nằm im. Mọi người như cuốn hút vào bầu khí hân hoan phúc lành, cảm tạ và tri ân. Khi ba người khỏi bệnh tiến gần đến Hang Đá Lộ Đức giữa tiếng vỗ tay vang dội, thì những vụ khỏi bệnh khác được tiếp diễn. Một người, hai người, rồi nhiều người được lành mạnh, đứng thẳng lên và vui tươi nhập bọn với anh chị em khác.
Ôi, diễn tả sao cho cùng những tâm tình kín ẩn của mọi người hiện diện lúc ấy. Không ai bảo ai, tất cả đồng thanh cất tiếng tung hô: “Hosanna - Vạn tuế Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến!”
Kể từ sau biến cố trọng đại ấy, hàng năm khi diễn ra các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa nơi Hang Đá Lộ Đức, các tín hữu hành hương như cảm thấy lòng mình tràn ngập lòng tin/cậy/mến đối với Mình Thánh Chúa GIÊSU và không ngớt lời chúc tụng ngợi khen. Và Chúa GIÊSU Thánh Thể cũng rộng tay ban phát các ơn lành hồn xác cho tất cả những ai cầu khẩn Ngài với trọn lòng tin/cậy/mến.
PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI PERPIGNAN. Ngày 15-9-1793, trong tuần bát nhật lễ Sinh nhật Đức Mẹ, ngôi làng bé nhỏ Pézilla-de-la-Rivière, thuộc giáo phận Perpignan, miền Nam nước Pháp, đã vui mừng trông thấy thánh đường được mở cửa. Lý do là vì cuộc cách mạng 1789 vẫn còn ghi đậm nét kinh hoàng. Các Linh Mục, Giám Mục, Hồng Y - những vị trung thành với Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ - bị bắt, bị giết hoặc bị lưu đày. Đoàn chiên vắng bóng chủ chăn, bơ vơ tang tác thật tội nghiệp thảm thương.
Linh Mục Jacques Pérone, cha sở họ đạo, từ nơi trú ẩn, can đảm trở về giáo xứ. Cha muốn lợi dụng trong chớp nhoáng khoảng thời gian yên tĩnh để mang lại cho đoàn chiên niềm an ủi được tham dự thánh lễ. Được mật báo, toàn thể tín hữu có mặt nơi nhà thờ. Mọi người vừa sốt sắng vừa trang nghiêm. Không thể diễn tả hết lòng hân hoan của bổn đạo. Nhưng niềm vui chỉ diễn ra vỏn vẹn 3 hôm. Ngày 17-9-1793, với con tim đau thắt, cha Jacques Pérone đành lên đường trở về nơi lưu đày tận bên nước Tây-Ban-Nha. Trước khi khuất hẳn, cha đau đớn quay lại nhìn giáo xứ thân yêu lần cuối. Đôi mắt đẫm lệ, cha buột miệng kêu lên: “Ôi, nếu có thể, thì không gì mà tôi không đánh đổi để chỉ trở lại đó một khắc đồng hồ thôi!”
Lời thì thào của cha Jacques Pérone đã lọt tai một thiếu nữ can đảm, đạo đức và khiêm tốn. Đó là cô Rose Llorens. Cô thầm đoán Bánh Thánh còn bị bỏ quên trong Nhà Tạm ở nhà thờ. Với lòng tin tưởng vững vàng nơi sự trợ giúp của Thiên Chúa, cô cương quyết tự nguyện sẽ giải thoát Chúa GIÊSU Thánh Thể khỏi các bàn tay xúc phạm của quân cách mạng vô luân vô thần.
.. Ngày 26-12-1793 ông Jean Bonafos về nhậm chức tân thị trưởng Pézilla. Ông là kẻ hiền đức và là người kính sợ Thiên Chúa. Thấy cơ hội thuận tiện, cô Rose trình bày ước nguyện với tân thị trưởng. Ông Jean Bonafos tức khắc chấp thuận. Ngày 7-2-1794, cùng với một người thứ ba, ông thị trưởng và cô Rose đến nhà thờ. Ông thị trưởng tự tay mở cửa Nhà Tạm. Quả thật, ông trông thấy Bánh Thánh lớn nằm trong Mặt Nhật và 3 Bánh Thánh nhỏ còn nguyên với Bánh Thánh thứ tư bẻ đôi. Cả 4 Bánh Thánh nhỏ đặt trong Bình Thánh. Với đức tính cẩn trọng, ông Jean Bonafos lấy 4 Bánh Thánh nhỏ bỏ vào Khăn Thánh rồi ông đưa tất cả cho cô Rose cùng với mặt nhật có Bánh Thánh lớn.
Cô Rose Llorens trao mặt nhật với Bánh Thánh lớn tận tay bà Thomase, phu nhân thị trưởng. Chính ông thị trưởng Jean Bonafos đặt mặt nhật có Bánh Thánh vào rương bằng gỗ rồi dấu kín trong nhà. Mình Thánh Chúa GIÊSU ở tại nơi trú ẩn khiêm tốn này gần trọn 7 năm, tức từ 7-2-1794 đến 9-12-1800. Chúa GIÊSU KITÔ không bị lãng quên. Cả hai vợ chồng ông thị trưởng luôn luôn dâng kính Chúa GIÊSU Thánh Thể lòng tôn thờ yêu mến thâm sâu.
Trong khi đó cô Rose trao 4 Bánh Thánh nhỏ cho thân mẫu là bà Anne-Marie Llorens Estéva. Theo lời khuyên của mẹ Joséphine de Romanya, Bề Trên tu viện Chúa Cứu Thế ở Perpignan, bà Anne-Marie đặt 4 Bánh Thánh trong một bình bằng thủy tinh, hoàn toàn trắng, rồi bọc kín với chiếc bị nhỏ bằng tơ lụa màu đỏ. Xong, bà đặt vào một ngăn tủ nhỏ dấu kín trong tường.
Nếu vì lý do cẩn trọng, gia đình ông thị trưởng Bonafos không thể tiếp rước nhiều người đến tôn thờ Chúa GIÊSU Thánh Thể, thì trái lại, gia đình cô Rose Llorens mở rộng cửa cho mọi người. Các tín hữu Công Giáo đạo đức, kín đáo đến thờ lạy Chúa GIÊSU KITÔ đang ẩn mình trong Bánh Thánh. Sau này, các giáo dân cao niên trong xứ đạo kể lại rằng, họ thường đem các trẻ em đến nhà cô Rose. Họ bảo chúng quì trước ngăn tủ có dấu Mình Thánh Chúa và dạy chúng cầu nguyện. Hàng năm đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh giáo dân trong làng thường dựng một bàn thờ trước ngăn tủ và trang hoàng hoa tươi thật đẹp. Rồi họ cùng nhau quì im lặng chầu Mình Thánh Chúa.
.. Cuối năm 1800 là thời điểm đáng ghi nhớ đối với dân làng Pézilla-de-la-Rivière: chấm dứt những ngày bị bách hại tang tóc và cuộc rước khải hoàn Chúa GIÊSU Thánh Thể trở về ngôi thánh đường thân yêu.
Ngày 5-12-1800 cha phó Honoré Siuroles từ nơi trú ẩn trở về trước, đã đến nhà bà Anne Llorens. Cha trang trọng mở ngăn tủ nhỏ để lấy ra Bình Thánh bằng thủy tinh đựng 4 Bánh Thánh. Chính lúc này đây, cha phó vô cùng ngạc nhiên khi trông thấy 4 Bánh Thánh vẫn giữ nguyên nét trắng tinh toàn vẹn và Bình Thánh bằng thủy tinh lại được mạ vàng! Mạ vàng ngay bên trong lớp thủy tinh! Phép lạ trong phép lạ!
4 ngày sau, đến phiên cha sở Jacques Pérone trở về. Cha đến nhà ông thị trưởng Jean Bonafos lấy Bánh Thánh lớn và long trọng rước về thánh đường. Thật là một đại lễ cho toàn thể giáo xứ Pézilla-de-la-Rivière. Cha sở đặt Bánh Thánh lớn và 4 Bánh Thánh nhỏ vào trong Bình Thánh mới và để vào Nhà Tạm nơi bàn thờ chính. Gần một thế kỷ sau, tức năm 1875, khi thay Bình Thánh mới và đặt ra bên ngoài cho các tín hữu Công Giáo đến thờ lạy và kính viếng, giáo quyền lại một lần nữa có dịp ghi nhận rằng, các Bánh Thánh vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, y như lúc được cất vào Nhà Tạm ngày 15-9-1793.
(P. Eugène COUET, “Les Miracles Historiques du Saint Sacrement”, Éditions D.F.T, Réédition 1998, trang 226-230 / 150-161).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN