HAI ANH EM PHANXICÔ VÀ GIAXINTA MARTO
Ngày 28-6-1999, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2, Đức Cha José Saraiva Martins (hiện nay là Hồng Y), Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, đọc sắc lệnh nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai tôi tớ Chúa Phanxicô và Giaxinta Marto. Đó là hai trẻ chăn chiên được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima trong 6 lần liên tiếp vào mỗi ngày 13 từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917 (trừ tháng 8 ngày 19). Phanxicô qua đời năm 11 tuổi (11-6-1908 / 4-4-1919) và Giaxinta năm 10 tuổi (10-3-1910 /20-2-1920). Ngày 13-5-2000, trong chuyến viếng thăm mục vụ Fatima / Bồ-đào-nha, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 đã nâng hai anh em Phanxicô và Giaxinta Marto lên hàng Chân Phước.
Trong bài phỏng vấn dành cho tuần san ‘‘Gia Đình Kitô” xuất bản tại Pháp, Đức Cha Martins nhắc đến tiến trình án phong chân phước cho hai thiếu niên và nhất là cuộc sống thánh thiện anh hùng của cả hai bé chăn chiên. Đức Cha Martins nói:
Án phong chân phước cho Phanxicô và Giaxinta Marto bắt đầu vào năm 1946. Cả hai án khởi đầu cùng lúc, xét vì cả hai trẻ có nhiều điểm chung như: cha mẹ, gia đình, trông thấy Đức Mẹ, cuộc sống tông đồ ẩn kín bằng cầu nguyện, hãm mình và qua đời lúc tuổi còn thơ vì bệnh ‘‘cúm tây-ban-nha” vào năm 1919 và 1920. Cả hai được mai táng trong cùng ngôi thánh đường và mãi mãi nên một trong ký ức cũng như trong sự mộ mến của toàn dân Bồ-đào-nha.
Tuy nhiên, mỗi án phong chân phước được nghiên cứu riêng biệt, bởi vì, sự thánh thiện của mỗi trẻ mang tính chất cá nhân. Do đó, hồ sơ hai án phong chân phước được giáo phận Leira thiết lập riêng rẽ từ năm 1952 đến 1979. Sau đó được chuyển về Bộ Phong thánh. Ngày 13-5-1989, trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha, Bộ nhìn nhận các nhân đức anh hùng của hai trẻ. 10 năm sau, 1999, Bộ Phong Thánh lại nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của hai trẻ. Như thế, tiến trình xin phong chân phước cho hai trẻ kết thúc.
Sự thánh thiện của hai trẻ Phanxicô và Giaxinta mang nét đặc thù của sự giản dị, kết hợp với lòng quảng đại khác thường và đầy cảm kích. Hai trẻ sinh ra từ gia đình Công Giáo khiêm hạ, bình dân và đạo đức. Nhờ thế, hai trẻ được tiếp nhận những yếu tố nền tảng, khiến ơn thánh Chúa hoạt động dễ dàng, giúp hai trẻ tiến nhanh trên việc thực hành nhân đức. Những lần Thiên Thần hiện ra vào năm 1916, và nhất là, những lần Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917 làm chín mùi hạt giống lòng tốt, tính vị tha và Đức Tin, vốn có sẵn trong hai trẻ.
Phanxicô và Giaxinta Marto tiếp nhận sứ điệp Đức Mẹ Fatima với trọn nét ngây thơ giản dị của những con tim trong trắng. Chưa hết, hai trẻ đã thực thi sứ điệp với tinh thần hy sinh chay tịnh ngang hàng với các bậc tu hành khắc khổ nhất và các bậc tông đồ lão luyện nhất. Cuộc đời của hai trẻ, qua các việc làm bé nhỏ, các hành động khiêm tốn đã được biến đổi thành sứ mệnh cầu nguyện và hy sinh. Không mấy chốc, hai trẻ Phanxicô và Giaxinta sớm đi vào chiều kích hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo, cảm thấy được mời gọi dấn thân cầu nguyện và hy sinh cho Đức Thánh Cha, cho các người tội lỗi được ăn năn trở lại và cho nền hòa bình thế giới.
Chiều kích rộng mở cho các nhu cầu cần thiết của Nước THIÊN CHÚA là một trong những khía cạnh hiển nhiên nhất của mức độ quân bình và trưởng thành của các nhân đức nơi hai trẻ Phanxicô và Giaxinta Marto.
Trong giòng lịch sử, Giáo Hội luôn luôn nhìn nhận việc có thể chết vì đạo nơi các trẻ em và thiếu niên. Chẳng hạn thánh nữ Anê tử đạo dưới thời hoàng đế La-Mã Diocletiano năm lên 12 tuổi. Trong số các vị Tử Đạo Nhật Bản bị giết giữa các năm 1617 và 1632, và được phong chân phước năm 1867, người ta tính được khoảng 15 em tuổi từ 10 đến 13. Sau cùng, thánh nữ Maria Goretti chết vì bảo vệ đức trinh khiết năm 12 tuổi.
Trong khi các trẻ em không chịu chết vì đạo ít hơn. Có lẽ cho đến lúc này đây, thánh thiếu niên Domenico Savio (1842-1857), chết vào năm 15 tuổi, là vị thánh trẻ tuổi nhất. Trong thời gian tới đây, khi được tôn phong chân phước, Phanxicô và Giaxinta Marto sẽ là hai Á Thánh không tử đạo trẻ tuổi nhất trong sổ bộ các thánh của Giáo Hội Công Giáo.
Với việc nâng hai trẻ chăn chiên làng Fatima lên hàng chân phước, Giáo Hội nhìn nhận rằng: trẻ em cũng có thể sống tinh thần Tin Mừng cách có ý thức trách nhiệm, theo một mức độ thật cao so với tuổi tác nhỏ bé của các em.
1. LÒNG ĐẠO ĐỨC CỦA GIAXINTA MARTO Sau đây là chứng từ của chị Luxia Santos, nữ tu dòng Kín Cát Minh, về lòng đạo đức khác thường của Giaxinta và Phanxicô Marto. Chứng từ được ghi trong Hồi Ký viết theo lệnh truyền của Đức Cha José Alves Correia da Silva (1872-1957), Giám mục giáo phận Leiria-Fatima. Chị Luxia viết:
Trọng kính Đức Cha,
Giờ đây đến lúc con phải trả lời câu Cha Sở Galamba hỏi con: ‘‘Đâu là cảm tưởng những người có dịp tiếp xúc với Giaxinta?” Câu hỏi khó trả lời, bởi lẽ con đâu biết những gì xảy ra trong nội tâm người khác và như thế, con đâu biết cảm tưởng họ ra sao. Con chỉ có thể nói về những gì chính con cảm thấy và mô tả các cảm xúc bên ngoài của nhiều người khác đối với em Giaxinta mà thôi.
Điều con cảm nghiệm khi ở gần Giaxinta, cũng giống như điều một người cảm nhận khi sống gần một người đạo đức thánh thiện, luôn kết hiệp mật thiết với THIÊN CHÚA.
Bé Giaxinta luôn có thái độ giản dị, nghiêm trang và dễ thương, hầu như minh chứng sự hiện diện của THIÊN CHÚA trong mọi hành động của em. Đây là điều chỉ thường xảy ra nơi những người lớn tuổi và đã tiến xa trên đường thánh thiện. Con không bao giờ trông thấy em tỏ ra nhẹ dạ hoặc yêu thích quá đáng trò chơi hoặc đồ trang sức, giống như các trẻ cùng lứa tuổi. Tư cách này em chỉ có sau khi được diễm phúc trông thấy Đức Mẹ hiện ra, bởi vì trước đó, em là trẻ đứng hàng đầu trong việc đỏm dáng và ngang chướng!
Những người từ xa đến gặp chúng con - hoặc vì tò mò hoặc do lòng đạo đức - thường cảm nhận điều gì siêu nhiên khi tiếp xúc với Giaxinta. Đôi khi họ đến nhà gặp con và nói: “Chúng tôi vừa nói chuyện với Giaxinta và Phanxicô. Ở cạnh hai em, tôi như cảm nhận cái gì đó có tính cách siêu nhiên”. Nhiều lúc những người này muốn con giải thích cho họ biết, tại sao họ lại cảm nghiệm như thế. Nhưng vì con không biết phải giải thích ra sao, nên con chỉ nhún vai và giữ thinh lặng. Con thường nghe đi nghe lại nhiều lần nhận xét này.
Một ngày, hai Linh Mục và một người đàn ông đến nhà con. Trong khi mẹ con mở cửa và mời khách vào, con liền ba chân bốn cẳng leo lên gác thượng để trốn. Mẹ con, sau khi đưa khách vào nhà, liền để khách ngồi đó, để ra gọi con ngoài sân, nơi hai mẹ con vừa ở đó. Không trông thấy con, mẹ con còn nán lại để tìm con. Trong khi chờ đợi, người khách gợi chuyện với mẹ con. Ông ta nói: ‘‘Chúng tôi muốn nghe con bà nói như thế nào. Phần tôi, tôi thật xúc động trước nét ngây thơ và thành thật của Giaxinta và của anh bé. Nếu con bà không nói ngược lại, tôi sẽ tin. Tôi không biết diễn tả ra sao điều tôi cảm nghiệm khi ở gần hai trẻ kia”.
Vì mẹ con không tìm ra con nên ba người khách buộc lòng phải ra về. Mẹ con nói: ‘‘Nhiều lúc con bé chạy chơi với các trẻ khác trong làng và không tài nào kiếm được nó!” Ba người khách đáp: ‘‘Thiệt uổng! Chúng tôi được hân hạnh nói chuyện với hai trẻ kia, nên chúng tôi rất ao ước được nói chuyện với con gái bà. Nhưng không sao, chúng tôi sẽ trở lại vào một lần khác”.
Vào một Chúa Nhật, sau Thánh Lễ, các bạn con ở xóm Moita là Maria, Rosa+Anna Caetano và Maria+Anna Brogueira, đến xin phép mẹ con cho con đi chơi cả ngày với các bạn. Khi được mẹ con chấp thuận, các bạn bảo con rủ hai em Phanxicô và Giaxinta cùng đi. Sau khi cô dượng đồng ý, chúng con lên đường đi Moita. Ăn trưa xong, bé Giaxinta bắt đầu ngủ gục. Ông José Alves liền bảo người cháu bế Giaxinta đặt vào giường. Chỉ một lúc sau, bé Giaxinta đã ngủ say. Người dân trong xóm bắt đầu tụ họp để chơi với chúng con buổi chiều hôm ấy. Và trong niềm ao ước được thấy Giaxinta, họ vào phòng xem bé thức giấc chưa. Họ ngạc nhiên thấy bé ngủ say, với nụ cười điểm trên đôi môi và dáng điệu trông giống vị thiên thần tí hon, đang chắp tay hướng về Trời. Phòng ngủ bỗng chốc đầy người tò mò đến xem bé Giaxinta ngủ. Ai ai cũng muốn nhìn bé và thật miễn cưỡng khi phải nhường chỗ cho người khác đến chiêm ngắm bé. Vợ ông José Alves và các cháu bà trầm trồ: ‘‘Đúng là thiên thần tí hon!” Và, như được lòng kính trọng thôi thúc, mấy bà cháu quỳ xuống cạnh giường bé Giaxinta mãi cho đến gần 4 giờ rưỡi chiều, khi con đến đánh thức bé Giaxinta dậy để đi lần hạt nơi đồi Cova-da-Iria và sau đó trở về nhà.
2. LÒNG ĐẠO ĐỨC CỦA PHANXICÔ MARTO Em Phanxicô có những nét thật đặc biệt. Em luôn luôn tươi cười, dễ thương, nhường nhịn và chơi đùa với hết mọi trẻ, không phân biệt chọn lựa riêng trẻ nào cả. Thỉnh thoảng, em chỉ rút lui khỏi nhóm, khi có điều gì em cho là không tốt. Nếu các trẻ hỏi tại sao bỏ đi, em trả lời: ‘‘Bởi vì các bạn không dễ thương!” hoặc: ‘‘Bởi vì mình không muốn chơi nữa!”
Trong thời gian Phanxicô bị bệnh, các trẻ ra vào phòng em cách tự do. Đôi khi các trẻ đứng bên ngoài và nói chuyện qua cửa sổ với em, hỏi thăm em có khoẻ hơn không, vv.. Nếu có ai hỏi em có muốn vài trẻ em ở lại chơi cho có bạn không thì em trả lời không. Em chỉ thích ở một mình. Thỉnh thoảng em nói với con: ‘‘Em chỉ thích chị và Giaxinta ở lại đây thôi”.
Trước mặt người lớn đến thăm, em thường giữ thinh lặng và trả lời vắn tắt các câu khách hỏi. Những người đến thăm em, - người trong xóm hoặc người từ nơi khác - thường ngồi cạnh giường em, đôi khi lâu thật lâu. Những người này nói: ‘‘Tôi không rõ Phanxicô có cái gì đặc biệt. Nhưng tôi cảm thấy thật thoải mái khi được ở gần em”.
Một ngày, sau khi ở lại phòng Phanxicô một lúc, mấy người hàng xóm nói với mẹ và cô con rằng: ‘‘Có một mầu nhiệm chúng tôi không hiểu nổi: hai trẻ này cũng giống các trẻ khác. Các em thường không nói năng gì hết, nhưng ở gần các em, người ta cảm thấy một cái gì đó, không giống các trẻ khác” .. Dì Romana, người láng giềng của cô con, một hôm nói với cô con rằng: ‘‘ Điều người ta cảm thấy khi bước vào phòng Phanxicô, giống như điều người ta cảm thấy khi bước chân vào nhà thờ”. Điều đáng nói là Dì Romana không tin tí nào về các cuộc Đức Mẹ hiện ra. Trong nhóm Dì Romana còn có ba bà khác.
Thật ra không có gì đáng ngạc nhiên, khi những người ấy cảm nghiệm các tâm tình trên đây, bởi vì, các bà này thường gặp thấy nơi những người khác sự bám víu vào vật chất, nơi cuộc đời chóng qua và mỏng dòn này. Chỉ nguyên sự kiện được trông thấy Phanxicô và Giaxinta, khiến họ quy hướng tư tưởng về Người Mẹ trên Trời - Người Mẹ mà hai em có liên hệ chặt chẽ -, về quê hương vĩnh cửu - nơi mà hai em hằng hân hoan sẵn sàng ra đi -, về THIÊN CHÚA, Đấng hai em không ngừng tuyên bố là hai em yêu mến Ngài hơn cả cha mẹ ruột và sau cùng, về cả hỏa ngục nữa, nơi mà hai em nói với họ là họ sẽ rơi vào đó, nếu họ cứ tiếp tục phạm tội mất lòng Chúa. Về phương diện vật chất thì hai em Phanxicô và Giaxinta - theo lời người ta nói - cũng giống như các trẻ khác. Nhưng, nếu những người này, thường nhìn cuộc sống dưới nhãn quan vật chất, biết nâng cao tinh thần lên một chút thì họ sẽ thấy nơi hai em Phanxicô và Giaxinta có cái gì đó khác biệt với các trẻ khác cùng lứa tuổi.
Viết tới đây con nhớ câu chuyện liên quan đến Phanxicô và con xin ghi lại. Một hôm, một bà ở Casa Velha tên là Mariana, vào phòng thăm Phanxicô. Bà đang âu sầu vì chuyện chồng bà dọa đuổi một người con ra khỏi nhà. Bà xin Phanxicô cầu cho hai cha con làm hòa với nhau. Phanxicô trả lời: ‘‘Bác an tâm. Cháu sắp về Trời, và khi nào lên Trời, cháu sẽ xin Đức Mẹ ban ơn này cho bác”. Con không nhớ rõ câu chuyện xảy ra bao nhiêu ngày trước khi Phanxicô từ trần. Nhưng con nhớ là, ngay buổi chiều ngày Phanxicô qua đời, đứa con xin thân phụ tha lỗi lần cuối, điều mà người cha luôn từ chối, vì người con không chịu thi hành các điều kiện ông đặt ra. Nhưng chiều hôm ấy, đứa con trai cúi đầu chấp nhận mọi điều kiện do thân phụ đặt ra và nhờ thế, bình an được tái lập trong gia đình.
3. CHA MẸ CÔNG GIÁO THÁNH THIỆN Tháng 9 năm 2001 nhà sách Vatican phổ biến bản dịch Ý ngữ của tác phẩm Bồ-đào-nha tựa đề ‘‘Apelos da Mensagem de Fátima - Tiếng Gọi từ Sứ Điệp Fatima”. Cuốn sách do chính chị Luxia, nữ tu nhà Kín Cát-Minh biên soạn. Chị Lucia dos Santos có tên dòng là nữ tu Maria Lucia Chúa Giêsu và Khiết Tâm Đức Mẹ.
Tác phẩm được chị Luxia hoàn thành ngày 25-3-1997 theo lời xin của nhiều người, muốn biết rõ về gia đình của ba trẻ mục đồng, nhưng nhất là, về các vấn đề nòng cốt của cuộc sống Kitô hữu, dưới ánh sáng Sứ Điệp Fatima. Xin trích dịch phần chị Luxia viết về gia đình của ba trẻ Luxia dos Santos, Phanxicô và Giacinta Marto.
... Con xin khởi đầu bằng cách trả lời ngay câu hỏi nhiều người muốn biết về gia cảnh, nơi Chúa ghé mắt chọn lựa các trẻ thơ khiêm hạ để thực hiện chương trình của Người.
Chúng con thuộc hai gia đình Công Giáo, liên kết chặt chẽ bằng mối dây họ hàng. Cô Olimpia là chị ruột Ba con đã kết hôn với người anh ruột Má con. Từ cuộc hôn nhân thứ nhất, Cô có hai người con: António và Manuel. Khi chồng qua đời, cô Olimpia tái hôn với người anh em họ Má con, cậu Marto, và đã sinh hạ 7 người con: José, Florinda, Teresa, João, Phanxicô và Giacinta.
Về phần cha mẹ con, António dos Santos và Maria Rosa, Chúa cho 7 đứa con: Maria dos Anjos, Teresa de Jesus, Manuel dos Santos, Glória de Jesus, Carolina de Jesus, Maria Rosa - mà Chúa cất về Trời khi còn nhỏ nên con không biết mặt - và Lúcia de Jesus Rosa dos Santos, người đang nói chuyện với quí vị đây.
Hai gia đình liên kết chặt chẽ đến độ, con cái đôi bên đều cảm thấy thoải mái khi đến nhà Cô Cậu. Mọi người vui vẻ ăn uống tự nhiên như ở chính gia đình mình.. Thật ra hồi ấy cả làng đều hiệp nhất như chỉ có một gia đình. Mỗi người đều biết rõ mỗi chủ nhà thường để chìa khóa nơi góc tường nào, khi vắng nhà. Người láng giềng, lỡ bất ngờ thiếu bánh ăn, có thể tự tiện sang nhà bên cạnh mượn số bánh cần thiết. Lần nướng bánh tiếp theo, liền tức tốc mang ngay bánh còn nóng hổi, sang trả lại nhà bên cạnh.
Làng Aljustrel hồi ấy chỉ có khoảng 33 gia đình, trực thuộc giáo xứ Fatima, giáo phận Leiria. Như bao người trong giáo xứ, hai gia đình chúng con thuộc vào số những gia đình Công Giáo đạo đức, nghèo khổ và cần cù. Chúng con sống nhờ chăn nuôi và trồng trọt từ chính đất đai của mình. Mái ấm gia đình được chúc lành từ bí tích Hôn Phối và vợ chồng sống chung thủy trọn đời. Cha mẹ nhận lãnh con cái Chúa ban, không phải như gánh nặng, nhưng như hồng ân Chúa gởi đến làm phong phú gia đình, như một cuộc sống khác kéo dài cuộc sống cha mẹ, như một cánh hoa làm thơm phức vườn hoa gia đình và, như một tâm hồn khác Chúa trao phó cho cha mẹ, hầu cha mẹ dẫn dắt để trở thành phần tử Nhiệm Thể Chúa Kitô và như một bài ca chúc tụng vinh quang vĩnh cửu.
Bởi thế, cha mẹ chúng con luôn lo lắng mang con đến nhà thờ xin Rửa Tội, để con cái được xóa sạch khỏi tội nguyên tổ, trở thành con Thiên Chúa, thừa hưởng Nước Trời. Lễ Rửa Tội, thường diễn ra trong vòng 8 ngày sau khi đứa bé sinh ra, trở thành ngày lễ lớn cho toàn thể gia đình.
Chính trên đầu gối cha hoặc nơi lòng mẹ mà con cái học biết danh thánh Chúa, biết chắp tay cầu nguyện cùng Cha trên Trời và biết rằng, Người Mẹ ẵm Chúa GIÊSU Hài Đồng cũng chính là Mẹ mình và nhất là, Ngài là Mẹ quyền uy, thánh thiện và đẹp đẽ hơn người mẹ đã sinh ra mình. Nhờ thế mà trong các tâm hồn thơ trẻ tế nhị, trong trắng và ngây thơ này, ánh sáng Đức Tin được lớn lên và chiếu sáng rực rỡ nơi đời sống tương lai, dọc theo trọn đường đời.
(‘‘Famille Chrétienne”, n.1122, Juillet/1999 + ‘‘Lucie raconte Fatima”, Fatima-Editions, 1976 + Suor Lucia, ‘‘Gli Appelli del Messaggio di Fatima”, Libreria Editrice Vaticana, 2001).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN