ĐỨC MẸ JASNA GORA, NỮ VƯƠNG BA LAN
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
Ngày 3-5-1966, Ba Lan long trọng cử hành kỷ niệm 1000 năm gia nhập Kitô Giáo. Ngược dòng lịch sử, năm 966, vua nước Ba Lan Mieszko I (922-992) nghe lời khuyên của hiền thê là hoàng hậu Dubrawka, đã công khai lãnh nhận Bí Tích Rửa tội và đưa toàn thể dân tộc Ba Lan gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
Để tưởng niệm biến cố vui mừng và trọng đại này, Giáo Hội Công Giáo Ba Lan sốt sắng chuẩn bị bằng thời gian 9 năm cầu nguyện. Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cũng quyết định rước kiệu bức ảnh Đức Mẹ Đen Jasna Gora, Nữ Vương Nước Ba Lan, ra khỏi đền thánh Czestochowa và đưa đến từng Nhà Thờ Chính Tòa, từng nhà thờ họ đạo và sau cùng, đến từng gia đình Công Giáo Ba Lan, để tôn vinh Mẹ và để xin Mẹ tiếp tục gìn giữ, hộ phù con dân nước Ba Lan.
Dĩ nhiên chính quyền cộng sản Ba Lan lúc bấy giờ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn các cuộc rước kiệu .. Đã từ rất lâu, danh xưng “Đức Mẹ Fatima” bị chính quyền cộng sản Ba Lan ngăn cấm, y như thể "Đức Mẹ Fatima" là tên gọi của một kẻ thù! Do đó vào năm 1968, khi bức tượng thánh du Đức Mẹ Fatima đặt chân lên phi trường thủ đô Varsava, chính phủ Ba Lan từ chối cấp chiếu khán nhập cảnh cho Bức Tượng. Lý do rất giản dị: Đức Mẹ Fatima có quốc tịch Bồ-Đào-Nha!
Người dân Ba Lan lúc bấy giờ đành chấp nhận quyết định vừa ấu trĩ vừa vô lý của chính quyền. Nhưng bức ảnh đen Đức Mẹ Jasna Gora không phải là người ngoại quốc, trái lại có quốc tịch Ba Lan từ hằng bao thế kỷ .. Chính quyền cộng sản không dám công khai phản đối, chỉ bày đặt ra đủ mọi thứ ngăn trở để phá rối cuộc rước kiệu..
Chẳng hạn, một buổi chiều khi bức ảnh Đức Mẹ Jasna Gora đến nhà thờ chính tòa Cracovia, thì điện trong thành phố bỗng nhiên bị cúp. Bóng tối bao phủ bức ảnh và đoàn người rước kiệu.. Thế là mọi người đồng loạt nảy ra sáng kiến: thắp nến đặt trên các cửa sổ. Thành phố Cracovia bỗng nhiên được chiếu sáng bởi hàng ngàn hàng vạn ngọn nến lấp lánh nơi cửa sổ và trên tay những người đi rước kiệu! Thật là một cuộc rước có một không hai trong lịch sử đất nước Ba Lan. Cracovia là thành phố của vua chúa và của hoàng hậu. Vậy mà chưa có vị vua, vị hoàng hậu nào của Ba Lan đã được đón tiếp long trọng như bức ảnh Đức Mẹ Jasna Gora, Nữ Vương nước Ba Lan này!
Một lần khác, bức ảnh Đức Mẹ được rước đến một thành phố kia. Theo lệ thường chiều hôm ấy, các học sinh được nghỉ học. Các em sẽ có phiên đến cầu nguyện trước bức ảnh vào lúc 14 giờ .. Nhưng rồi cùng ngày hôm đó, người ta đã phát không các vé xem xinê cho tất cả các học sinh trong thành phố.
Đúng 2 giờ chiều, vẫn không thấy bóng dáng một học sinh nào. Các linh mục đành thay chỗ các em trong giờ đọc kinh với Đức Mẹ .. Không ngờ, chỉ một lúc sau, người ta nghe tiếng động ngoài cửa nhà thờ xen lẫn tiếng xì xào.. Ngạc nhiên, vị linh mục chính xứ ra mở cửa. Ngài trông thấy một đoàn dài các học sinh đến cầu nguyện với Đức Mẹ. Hỏi ra, cha sở mới biết là trước đó,các em đã cùng nhau tìm kiếm một món quà dâng lên Đức Mẹ, nhưng không tìm ra. May mắn thay, người ta biếu các em các vé xem xinê. Các em liền gộp chung các vé lại, bỏ vào cái khay, và cùng mang đến như món quà hy sinh dâng lên Đức Mẹ Jasna Gora .. Thật là món quà ngây thơ vô giá!
Chưa hết.. Chính quyền cộng sản Ba Lan lúc bấy giờ thấy rằng mình đã bất lực trong việc ngăn chận cuộc rước kiệu bức ảnh Đức Mẹ Jasna Gora, nên đã đi đến quyết định: giam tù bức ảnh Đức Mẹ. Thời hạn ba tháng. Lệnh giam tù như một lời ngăm đe.
Mãn hạn tù, bức ảnh lại tiếp tục cuộc thánh du của mình.. Đức Mẹ Jasna Gora quả là nhân vật phi thường dám đương đầu với chính quyền! .. Chính quyền Ba Lan lại ra lệnh giam bức ảnh lần thứ hai. Sau đó thấy không hiệu quả, chính quyền ra lệnh cuối cùng: giam tù bức ảnh nơi đền thánh Czestochowa. Bức ảnh bị đặt nơi bàn thờ bên cạnh, có cửa sắt khóa kín. Nhưng tín hữu Công Giáo Ba Lan vẫn không nao núng. Không có bức ảnh, thì người ta rước kiệu khung ảnh trống, trong đó đặt cây nến thắp sáng, biểu tượng cho bức ảnh Đức Mẹ đang bị giam tù. Từ đó Đức-Mẹ-bị-giam-tù, lại trở thành đề tài giảng thuyết và cầu nguyện của toàn thể dân nước Ba lan..
Sau cùng, xấu hổ vì thấy mình hoàn toàn thất bại trong mọi mưu toan ngăn chặn những cuộc rước kiệu Đức Mẹ Jasna Gora, chính quyền cộng sản Ba Lan đành nhắm mắt làm ngơ, để cho các cuộc rước kiệu được tự do tổ chức..
Nhờ lòng kính mến kiên trì của con dân Ba Lan đối với Nữ Vương Ba Lan mà ngày nay Ba Lan đã được vui hưởng tự do thật sự .. Muôn vàn cám đội ơn Mẹ Jasna Gora.
(Albert Pfleger, “FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Editeur Diffuseur, 1993, trang 61-67).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN