MỪNG CHÚA GIÁNG SINH


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tháng 12, toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Mầu Nhiệm THIÊN CHÚA Nhập Thể với chóp đỉnh là Lễ Đức CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH. Hài Nhi GIÊSU nằm trong Máng Cỏ gợi lên nơi tâm lòng mỗi tín hữu Kitô trăm ngàn ý tưởng và lòng yêu thương trìu mến. Hài Nhi GIÊSU là hình ảnh của tất cả mọi hài nhi: giàu nghèo, lành mạnh hay tật nguyền, có cha mẹ ấp ủ hoặc mồ côi và bị bỏ rơi .. Xin trích dịch 2 mẫu chuyện làm quà GIÁNG SINH.

... Vào một ngày gió buốt tháng 10 năm 1993, bà Barbara Bennet - phụ nữ Anh - đặt chân lên thành phố Minsk, thuộc Cộng Hòa Bạch Nga. Bà đến nhận nuôi tạm một cậu bé tàn tật - chào đời sau vụ nổ lò nguyên tử Tchernobyl thuộc Cộng Hòa Ucraine năm 1986. Đó là Igor Pavlovets, 6 tuổi.

Igor được thụ thai hai tháng sau biến cố Tchernobyl. Bị tật nguyền trầm trọng lúc chào đời nên bé Igor bị cha mẹ bỏ rơi. Bé chỉ có một tay trái và hai chân chỉ dài tới đầu gối. Cậu bé gần như phải bò lết đi nhờ chống một tay trên đất. Igor được chữa trị nơi nhà thương nhi đồng của thành phố Minsk, cùng với 64 trẻ em tàn tật khác. Tất cả đều là nạn nhân vụ nổ lò nguyên tử Tchernobyl.

3 tháng sau - đầu tháng Giêng 1994 - Igor Pavlovets được một nữ bác sĩ người Nga tháp tùng đưa sang Anh Quốc, đến trọ nơi nhà mẹ nuôi là bà Barbara Bennet. Bé được một Hội Từ Thiện Anh Quốc nhận chịu mọi phí tổn để ráp cánh tay giả và hai chân giả. Từ đây bắt đầu những ngày tháng tuyệt vời đối với một đứa trẻ mồ côi tàn tật, nhưng tràn đầy nhựa sống và đức tính anh hùng .. Xin nhường lời cho bà Barbara.

Ngày đầu tiên khi tắm cho Igor tôi mới khám phá ra thực tại phũ phàng cuộc đời tàn tật của cậu bé. Tôi không cầm được nước mắt. May mắn thay, tư cách, trí thông minh và sức sống khác thường là những đức tính quý hiếm, bù đắp cho tật nguyền đáng buồn của cậu bé. Igor không bao giờ tìm kiếm lòng xót thương của người khác. Riêng tôi, tôi cũng không muốn cho ai làm thương tổn cậu bé.

Nhưng lo âu của tôi thật vô ích. Bất cứ ai có dịp đến gần và tiếp xúc với Igor đều quý mến cậu bé ngay. Các trẻ em tôi giữ trong nhà cũng sẵn sàng cho Igor nhập bọn chơi chung.

Khi đến Anh quốc, bé Igor không biết nói một câu tiếng Anh. Nhưng bé bắt đầu lập lại tất cả những gì chúng tôi nói với bé. Rồi nhờ có thầy dạy riêng, không bao lâu sau, Igor hiểu và diễn tả được những gì bé muốn nói. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Anh, Igor dõng dạc tuyên bố:

- Khi nào con có được cánh tay của con, con sẽ mua một chiếc xe và con sẽ lái xe chạy nhanh như bay, nhanh đến độ không một cảnh sát Anh nào của các ngài có thể đuổi kịp bắt con!

Các khán thính giả thực sự xúc động trước thái độ can đảm và tinh thần hài hước của cậu bé tàn tật mồ côi 8 tuổi! Sau lần xuất hiện trên đài truyền hình đó, Igor nhận không biết bao nhiêu là thư từ và đồ chơi, đặc biệt những chiếc xe hơi tí hon, xinh xắn .. Hai bé gái chị em 7 và 9 tuổi gởi cho chúng tôi tiền túi với mấy hàng chữ:

- Chúng cháu đã để dành tiền mua kẹo. Xin ông bà nhận để mua kẹo cho Igor và cho những em bé tàn tật khác như Igor.
Trong thư kèm theo số tiền tương đương với 1 mỹ kim.

Khi tôi bắt đầu dạy Igor đếm trên các đầu ngón tay, tức khắc cậu bé nhắc tôi:

- Con chỉ có thể đếm tới số 5, vì con chỉ có một bàn tay!

Một lần khác, tôi đưa Igor đến hồ tắm công cộng. Đang khi Igor cởi quần áo thì một bé trai 4 tuổi chăm chú nhìn. Bỗng cậu bé ngây thơ hỏi:
- Ủa, cánh tay kia của anh đâu rồi?
Igor trả lời tỉnh bơ:
- Hồi sáng này khi mặc quần áo anh đã để rơi mất!
Thế là cậu bé kia chạy một mạch tới nói với mẹ:
- Mẹ ơi, cánh tay của anh đó bị rơi mà mẹ anh ta không lượm và gắn lại cho anh ta!

Cuộc đối thoại của hai cậu bé đã làm mọi người có mặt không thể nhịn cười!

Kể từ ngày Igor đặt chân lên Anh Quốc để sống nơi nhà chúng tôi, cậu bé biến đổi hẳn. Với mái tóc rậm màu hung tỏa xuống vần trán thông minh, trông khuôn mặt cậu bé thật mĩ miều đáng yêu đáng mến. Cả hai vợ chồng chúng tôi đều rơi vào cảnh ‘‘si tình” cậu bé! Igor chiếm một chỗ đứng rộng lớn trong con tim chúng tôi.

Tôi còn nhớ như in Lễ GIÁNG SINH đầu tiên năm 1994 khi cậu bé mừng với gia đình chúng tôi. Buổi chiều vọng lễ GIÁNG SINH, Igor bày ra trên bàn nhà bếp đủ thứ giấy và bút vẽ màu. Cậu bé nói với chúng tôi: ‘‘Con sẽ vẽ một bức tranh!” Bên trên chiếc xe cứu hỏa màu đỏ (không hiểu sao bé rất thích trở thành nhân viên cứu hỏa!), Igor nắn nót viết hàng chữ: ‘‘Tặng Má và Ba”. Đây là lần đầu tiên bé gọi chúng tôi bằng danh từ BA MÁ. Sáng sớm hôm sau, khi thức dậy trông thấy cây thông GIÁNG SINH lấp lánh ánh đèn màu và treo đầy quà, gương mặt cậu bé rực sáng. Igor reo vui nói:

- Ô la la, lễ GIÁNG SINH của Anh Quốc như thế này sao? Ở Minsk, chúng con được ăn xúp nóng!

Bé Igor Pavlovets còn phải vượt qua muôn ngàn khó khăn để có thể giảm bớt mức độ tàn tật trầm trọng của mình. Nhưng trong số các trẻ thơ nạn nhân của lò Tchernobyl, có lẽ Igor là cậu bé may mắn nhất. Tôi tin chắc chắn rằng, với trí thông minh và quả tim vàng, sau này bé Igor sẽ làm mọi cách để thế giới không quên các nạn nhân của thảm họa Tchernobyl.

(Reader's Digest Sélection, Juillet/1996, trang 141-146).

Câu chuyện thứ hai do ông Marvin J.Wolf, người Mỹ, kể lại.

Vào năm 1951, tôi lên 9 tuổi. Vì gia đình quá nghèo, tôi đến xin bác Miceli, nhận tôi vào việc phát báo - sau giờ học - cho một số gia đình ở vùng phụ cận thành phố Chicago. Bác Miceli là chủ thầu phát tờ nhật báo American's Herald. Bác đồng ý với điều kiện là tôi phải có chiếc xe đạp.

Thân phụ tôi làm đến 4 nghề. Ban ngày, Ba làm việc ở công xưởng. Ban chiều, Ba đi bỏ hoa cho các tiệm bán hoa. Ban tối, Ba lái xe taxi cho đến nửa đêm. Vào ngày thứ bảy, Ba đi từng nhà để quảng cáo các bảo hiểm. Ba mua cho tôi một chiếc xe đạp cũ. Nhưng vừa mua xong, người ngã bệnh nặng phải vào nhà thương, nên chưa kịp tập cho tôi đi xe đạp.

Thật ra bác Miceli không hỏi tôi có biết đi xe đạp không. Bác chỉ hỏi tôi có xe đạp không. Do đó tôi mang xe đạp đến cho bác xem và bác nhận tôi vào số những đứa trẻ phát báo.

Tôi mang chiếc bị sau lưng và đặt các tờ báo trên ghiđông xe đạp, rồi tôi dắt xe đi trên lề đường. Nhưng dắt xe đạp chất đầy báo như thế, quá cực! Do đó, sau vài ngày, tôi đổi chiến thuật. Tôi bỏ xe đạp ở nhà và mượn cái giỏ đi chợ có bánh xe lăn của Mẹ. Tôi bỏ báo vào giỏ rồi kéo giỏ đi phát báo cho từng nhà.

Nếu trời mưa hay có tuyết rơi, tôi cẩn thận lấy áo mưa của Ba phủ lên giỏ, để báo khỏi bị ướt. Tôi mất rất nhiều giờ để phát báo với chiếc giỏ đi chợ của Mẹ. Nếu tôi biết đi xe đạp chắc hẳn công việc sẽ nhanh chóng hơn.

Nhờ đi đến từng nhà bỏ báo, tôi bắt đầu gặp gỡ và quen biết hầu hết các khách hàng của tôi. Phần đông họ là những người di dân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau như Ý, Đức và Ba Lan. Đặc biệt ai ai cũng dễ thương và cư xử rất tốt với tôi.

Khi rời nhà thương về nhà, Ba tôi bắt đầu đi làm trở lại. Nhưng vì còn yếu nên người chỉ làm được một công việc ban ngày. Gia đình chúng tôi ngày càng lâm cảnh túng thiếu. Sau cùng, Ba Mẹ tôi quyết định bán chiếc xe đạp cũ của tôi. Tôi chưa biết đạp xe nên không ngăn cản cũng chẳng than trách gì!

Trong vòng 8 tháng phát báo, tôi đã nâng con số khách hàng từ 36 lên 59. Khách hàng mới thường do khách hàng cũ giới thiệu, hoặc đôi lúc gặp tôi trên đường đi, họ xin tôi ghi tên vào danh sách các khách hàng của tôi.

Từ thứ hai đến thứ bảy, cứ mỗi tờ báo phát đi, tôi lãnh được một cắc. Riêng Chúa nhật, tôi lãnh được 5 xu. Tôi thu tiền báo vào mỗi chiều thứ năm và giao tiền cho bác Miceli vào ngày thứ sáu. Mỗi lần thu tiền báo tôi thường nhận được tiền hoa hồng từ 5 đến 10 xu. Do đó, đôi khi tiền hoa hồng của tôi cũng cao bằng tiền bán báo của bác Miceli. Thật là điều may mắn, vì Ba còn yếu chưa làm được nhiều việc nên chưa kiếm được nhiều tiền. Tôi giao tất cả tiền lãnh được cho Mẹ.

Ngày thứ năm Vọng Lễ GIÁNG SINH 24-12-1951 như thường lệ, tôi đi phát báo và thu tiền từng nhà. Nơi căn nhà đầu tiên, tôi bấm chuông cửa, nhưng không ai trả lời. Tôi sang căn nhà thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư .. Cũng chẳng thấy một ai. Tôi đi gần hết các nhà khách hàng của tôi, nhưng không ai trả lời cho tôi. Tôi bắt đầu lo lắng thực sự. Tôi tự nhủ:

- Lạ thật, ngày mai Lễ GIÁNG SINH, vậy mà không người nào ở nhà! Chẳng lẽ mọi người đều đi phố mua sắm vào buổi chiều Vọng Lễ GIÁNG SINH sao?

Khi đến căn nhà bác Gordon và nghe tiếng nói cùng tiếng nhạc từ trong nhà phát ra, tôi vui mừng vô kể. Tôi bấm chuông. Tức khắc cánh cửa rộng mở, bác Gordon tươi cười xuất hiện và kéo tôi vào phòng khách. Nơi đây, tất cả 59 vị khách hàng của tôi đều có mặt. Ở giữa phòng khách là chiếc xe đạp mới tinh, màu đỏ tươi như trái táo bằng đường! Trước ghi-đông xe, lủng lẳng cái bị đầy ứ các phong bì.

Còn đang bỡ ngỡ thì bác gái Gordon vừa chỉ chiếc xe đạp vừa nói:

- Đây là món quà GIÁNG SINH cho cháu. Tất cả các bác đã chung tiền mua cho cháu. Trong các phong bì có thiệp GIÁNG SINH, tiền báo và tiền hoa hồng cho cháu.

Tôi ngạc nhiên đến độ không thốt lên lời nào. Tôi đứng im không nhúc nhích. Sau cùng, một bác gái khác ra hiệu xin mọi người im lặng. Bác dẫn tôi vào đứng giữa phòng khách và nói:

- Cháu là đứa trẻ phát báo tuyệt hảo nhất của các bác. Không ngày nào báo thiếu hoặc báo đến trễ hay báo bị rách, bị ướt! Tất cả các bác đều trông thấy cảnh cháu đi trong mưa, lội dưới tuyết, còng lưng kéo cái giỏ đi chợ đầy báo! Các bác đều nghĩ cháu cần phải có chiếc xe đạp để đi phát báo ..

Tôi vô cùng xúc động và chỉ biết ấp úng hai tiếng CÁM ƠN. Rồi tôi nói đi nói lại nhưng cũng chỉ nói được hai tiếng CÁM ƠN mà thôi!

Về nhà tôi cẩn thận mở các phong bì. Tôi đếm được tất cả 100 mỹ kim tiền hoa hồng!

Lễ GIÁNG SINH năm đó, gia đình tôi đã mừng một Lễ GIÁNG SINH với trọn ý nghĩa của nó, trong vui tươi và no ấm!! Riêng tôi, tôi không bao giờ quên món quà GIÁNG SINH và bài học mà các bác khách hàng trao tặng tôi vào ngày Vọng Lễ GIÁNG SINH năm ấy. Đó là: Bạn hãy ngẩng cao đầu, đem hết tâm lực làm việc, dù cho việc làm của bạn hết sức khiêm tốn như nghề bỏ báo chẳng hạn ..

(”Reader's Digest”, Dicember/1995, trang 13-16).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN