MÓN QUÀ GIÁNG SINH .. NGOẠI LỆ
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
... Lễ Giáng Sinh được toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành hàng năm vào đúng ngày 25 tháng 12. Lễ Giáng Sinh là món quà Trời Cao trao ban cho toàn thể nhân loại. Món quà đó là Hài Nhi Giêsu, Vị Cứu Tinh loài người. Vì thế, mỗi khi cử hành Giáng Sinh, người ta thường tặng quà nhau. Nhưng món quà quý báu nhất, là món quà tình thương, khi con người biết mở rộng cửa tiếp nhận người khác, nhất là những kẻ lỡ bước sa đường. Và cứ mỗi lần làm như thế, con người cử hành Giáng Sinh, bất cứ ngày nào trong năm, như câu chuyện dưới đây minh chứng. Jean-Marie Poirier, người Gia-nã-đại, kể:
Hôm ấy là buổi chiều tháng 4 năm 1966. Tôi mệt mỏi đói khát, vừa đặt chân lên Paris, thủ đô ánh sáng của nước Pháp. Ban trưa trên máy bay, người ta chỉ dọn cho chúng tôi một bữa ăn đạm bạc. Vì thế, tôi lang thang qua các nẻo đường thủ đô để tìm quán ăn mở cửa. Nhưng đi mãi đi hoài vẫn không thấy tiệm ăn nào. Sau cùng, trông thấy một quán cà phê giải khát, tôi nhanh chân bước vào. Quán vắng vẻ trống trơn. Chỉ duy nhất một phụ nữ giúp việc.
Người nữ giúp việc ăn mặc thật giản dị, không trang điểm loè loẹt. Khuôn mặt thoáng nhẹ chút phấn hồng, thế thôi. Bà không mang đồ trang sức. Bà mặc chiếc áo cánh tay dài và cái váy cũng dài, mầu đậm. Đường nét khuôn mặt không có gì sắc sảo, tuy nhiên, chính từ nét đơn sơ ấy, lại tỏa nét thanh thản hiền hậu, như lúc nào cũng chú ý đến người khác và sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Sau một thoáng quan sát và do dự, tôi trình bày với bà hoàn cảnh hơi “đáng thương” của tôi. Bằng giọng nhẹ nhàng - như để làm dịu bớt sự căng thẳng “bất đắc dĩ” phải từ chối - bà nói với tôi:
-“Rất tiếc, nơi quán chúng tôi, chỉ tiếp nước giải khát cho khách, chứ không dọn thức ăn. Có lẽ nơi khách sạn, có dọn bữa tối cho ông chăng?”. Tôi buồn bã trả lời ngay:
-“Nơi khách sạn cũng thế, đáng tiếc người ta không dọn bữa ăn cho chúng tôi!”..
Nói xong câu đó, tôi đứng im bất động, dáng điệu mệt mỏi thất vọng. Thấy thế, người phụ nữ nhẹ nhàng nói với tôi:
- “Tôi vừa dùng xong bữa tối. Và còn ít thức ăn đủ cho một người. Ông có bằng lòng đợi một chút, tôi hâm nóng cho ông không?”.
Dĩ nhiên tôi không đòi hỏi hay mong ước gì hơn!
Mấy phút sau, người phụ nữ xuất hiện, trên tay mang chiếc đĩa thức ăn bốc khói. Thức ăn giản dị nhưng thơm ngon. Giống như người phụ nữ đang đứng trước mặt tôi. Tôi rụt rè đề nghị:
-“Bà bằng lòng uống một ly với tôi không?”.
Bà tỏ dấu do dự một chút, trước khi kéo ghế ngồi xuống. Điều hiển nhiên là bà không thường làm thế với khách hàng. Nhưng đâu phải tối nào bà cũng cứu vớt một kẻ sa chân lỡ bước như tôi!
Chúng tôi trao đổi những câu thăm hỏi xã giao và kín đáo. Vì sợ làm phiền bà, tôi liếc mắt nhìn đồng hồ. Như hiểu ý, người phụ nữ cho tôi biết còn lâu mới đến giờ quán đóng cửa.. Chúng tôi tiếp tục cuộc nói chuyện. Bà hỏi tôi về tỉnh Québec của Canada. Tôi hỏi bà về thủ đô Paris.. Chúng tôi tiếp tục câu chuyện trong thân mật của hai người khách lạ, bỗng tình cờ gặp nhau trong một quán cà phê vắng, vào một buổi tối tháng Tư.. Bóng đèn mờ nhạt của quán cà phê làm cho người phụ nữ đang ngồi trước mặt tôi, trở thành một phụ nữ không tuổi tác..
Rất có thể bà đã quên hẳn khuôn mặt tôi, sau khi tôi rời khỏi quán và cánh cửa quán khép chặt lại. Nhưng nếu bà quên tôi, thì trái lại, tôi không bao giờ quên khuôn mặt bà, nhất là, tôi không bao giờ quên cử chỉ nhân hậu hiếu khách của bà. Tôi không hân hạnh biết tên tuổi bà. Nhưng không sao. Điều quan trọng tôi luôn ghi nhớ rằng, bà đã có mặt tại đó, đã là vị “thiên-thần” tiếp rước tôi, vào lúc mà tôi bị đói khát, mệt mỏi, một mình lang thang trên các đường phố của thủ đô Paris!
Kể từ sau buổi tối ấy, tôi luôn luôn tin vào phép mầu thần diệu của Lễ Giáng Sinh, bởi vì, luôn luôn có những tấm lòng tốt, khiến cho Lễ Giáng Sinh có thể xảy ra, ngay cả vào một ngày trong tháng Tư..
Đối với với tôi, Lễ Giáng Sinh là mỗi khi chúng ta rộng tay, mở cửa tiếp nhận một người khách lỡ đường.(Reader's Digest SÉLECTION, Décembre/1992, trang 93-94).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN