CHÂN DUNG THÁNH NỮ MARIA GORETTI
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt.
Cách đây đúng 100 năm, ngày 6-7-1902, thiếu nữ đồng quê 12 tuổi, Maria Goretti, đã êm ái trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Orsenigo ở Nettuno, cách thủ đô Roma khoảng 60 cây số. Trước khi chết, Maria Goretti đã sẵn sàng tha thứ cho Alessandro Serenelli, kẻ đã muốn xúc phạm đến tiết trinh và đã tàn nhẫn sát hại mình. Maria Goretti được sùng kính và ngưỡng mộ như một vị thánh trẻ, đồng trinh và tử đạo. Cùng lúc, Maria Goretti còn là vị nữ thánh của lòng từ bi và tha thứ. Cuộc đời vắn vỏi và cái chết anh hùng của Maria Goretti, nêu bật tầm quan trọng của nền giáo dục gia đình Công Giáo.
Song thân của Maria là ông Luigi Goretti (26/12/1859 - 6/5/1900) và bà Assunta Angelina Carlini (15/8/1866 - 8/10/1954). Cả hai đều thuộc gia đình nghèo và thành hôn ngày 25-2-1886. Năm ấy Luigi 27 tuổi và Assunta 20 tuổi. Hành trang duy nhất cho cuộc sống lứa đôi là đức tin Công Giáo và tình yêu đậm đà. Họ dùng sức lao động để nuôi sống gia đình. Từ tổ uyên ương hạnh phúc ấy, ra chào đời 7 người con, 4 trai và 3 gái. Nhưng Antonio, trai đầu lòng, chết lúc 8 tháng. Chỉ còn lại 6 người. Sinh ngày 16-10-1890 tại Corinaldo, Maria Goretti là con thứ ba và là trưởng nữ của ông bà Luigi và Assunta.
Vì cuộc sống khó khăn nơi vùng Marche, miền Bắc nước Ý, hai vợ chồng Luigi và Assunta quyết định rời bỏ làng, đưa đàn con ra đi lập nghiệp nơi khác. Ban đầu gia đình Goretti đến sống tại Paliano. Sau đó dời về làm công nơi nông trại Ferriere trong vùng Agro Romano Pontino vào đầu năm 1900.
Luigi và Assunta Goretti là đôi vợ chồng nghèo. Họ chỉ giàu nhân đức và tình thương. Cả hai vợ chồng đón nhận những đứa con như món quà của Thiên Chúa, đến từ Trời Cao. Họ tận lực giáo dục con cái. Ferriere không có trường học và cách xa nhà thờ, nên chính bà Assunta dạy các con đọc Kinh và học giáo lý. Ngoài việc giải thích giáo lý đạo Công Giáo, bà còn huấn luyện các con về nhân đức vâng lời. Maria Goretti khắc sâu lời mẹ dạy và đem ra thực hành. Biết rõ nổi cơ cực của Ba Má, Maria Goretti quyết tâm phụ giúp Cha Mẹ trông coi việc nhà và các em nhỏ.
Tại Ferriere, gia đình Goretti gặp gia đình Serenelli.Ông Giovanni góa vợ và sống với người con trai Alessandro. Để kiếm thêm chút ít lợi lộc, hai gia đình cùng nhau phân chia công việc đồng áng. Nhưng rồi hoạn nạn xảy đến cho gia đình Goretti. Chỉ vỏn vẹn sau 5 tháng ra công cày sâu cuốc bẫm, ông Luigi ngã bệnh nặng và vĩnh biệt vợ con vào ngày 6-5-1900, hưởng dương 41 tuổi. Trước khi tắt thở, ông thì thào nói với vợ hiền: "Assunta, em hãy đưa các con trở về quê!".
Cái chết bất ngờ của ông Luigi để lại lổ hổng rộng lớn nơi gia đình Goretti. Từ nay, bà Assunta thay thế chồng trong các việc nặng nhọc và làm chung với hai cha con ông Giovanni và Alessandro. Cuộc sống thật khó khăn. Khó khăn vì việc làm và nhất là, vì tính tình trái ngược giữa hai gia đình. Gia đình Goretti nhẫn nhục, hiền hòa, quảng đại và đạo đức. Gia đình Serenelli thì cộc cằn, thô bạo, ích kỷ và không sống đạo.
Giữa bầu khí căng thẳng ấy, nổi bật khuôn mặt cô bé Maria Goretti, một thiếu nữ đơn sơ trong trắng. Mặc dầu còn nhỏ tuổi, Maria đã hiểu rõ thực trạng gia đình. Cô bé đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa và Mẹ Maria. Cô thường đến trước bức ảnh Đức Mẹ treo trong nhà để kêu xin Đức Mẹ phù giúp. Maria cũng yêu chuộng việc lần hạt Mân Côi.
Cô bé luôn giữ tràng hạt trong mình hoặc cầm nơi tay. Cuộc ra đi nhanh chóng của người cha hiền khiến Maria như già dặn hẳn ra. Cô bé thay thế mẹ trong tất cả các việc nội trợ. Cô sống trầm lặng và luôn giữ nét đoan trang. Có lẽ con tim thơ trẻ của Maria Goretti đã linh cảm trước những khó khăn. Cô cẩn thận chuẩn bị cho mình những đức tính cần thiết, hầu can đảm đối phó, khi hiểm nguy xảy ra. Maria Goretti đúng là đóa huệ đồng nội tỏa ngát hương thơm.Một năm sau ngày ông Luigi Goretti từ trần, bé Maria được diễm phúc rước lễ lần đầu ngày 16-6-1901. Từ nay, Maria có thêm một trợ lực vững mạnh từ Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhưng nhất là, để làm vui lòng Chúa và để được xứng đáng rước Chúa Giêsu ngự vào lòng, Maria cố gắng giữ thân xác trong sạch, con tim trong sạch, tâm trí trong sạch và linh hồn trong sạch. Trọn tình thương Maria dành cho mẹ và các em. Nơi các bữa ăn gia đình, Maria luôn mời mẹ và anh cả trước, rồi chia phần ăn dồi dào cho các em, sau đó mới lấy phần còn lại dành cho mình.
Kể từ tháng 6 năm 1902, hai cha con ông Giovanni và Alessandro dọn đến ở chung, cùng căn nhà với mấy mẹ con bà Assunta. Vốn tính tình chất phác và chân thật, có lẽ bà Assunta không thấy ngay những hiểm nguy rình rập gia đình bà. Nhưng bé Maria thì khác. Cử chỉ thô bạo, lời nói khiếm nhã đầy ẩn ý "chọc ghẹo" của Alessandro, đã khiến Maria hiểu rõ và cẩn trọng đề phòng. Maria, thiếu nữ 12 tuổi, thường lánh xa thanh niên Alessandro, 20 tuổi.
Nhưng chuyện phải đến đã đến. Hai lần Alessandro "mon men" tìm cách dụ dỗ Maria Goretti phạm tội, trước tiên bằng lời nói, rồi bằng hành động. Sau lần cám dỗ thứ hai bị Maria quyết liệt từ chối và đẩy xa, Alessnadro ngăn cấm Maria không được tiết lộ với mẹ, nếu bất tuân, chàng sẽ giết chết. Cũng từ đó, Alessandro nuôi ý định trả thù. Và cơ hội thuận tiện đã đến. Hôm ấy là 3 giờ chiều ngày thứ bảy 5/7/1902. Sau này, chính Alessandro cung khai trước tòa như sau:
"Tôi kéo áo Maria lên để lập lại cám dỗ lần thứ ba, nhưng tận thâm tâm tôi biết chắc: cô bé sẽ không chìu theo ước muốn bất chính của tôi. Thật thế, khi tôi kéo áo lên, cô bé giữ chặt áo lại và tìm cách tẩu thoát. Ngay lúc ấy, tôi hiểu rằng, chỉ còn cách duy nhất là giết chết cô bé. Tôi bắt đầu đâm túi bụi lên người cô bé. Phần Maria, khi tôi kéo áo cô lên, cô không ngừng lập đi lập lại lời răn đe: "Không! Không! Chúa không muốn chúng ta làm điều xấu. Anh sẽ rơi xuống hỏa ngục!". Trong lúc bị tôi dùng dùi cui đâm, Maria tiếp tục nói như thế. Rồi cô bé kêu lớn tiếng gọi mẹ. Cô bé luôn tìm cách giữ chặt áo. Maria không bao giờ giơ tay đỡ các cú đâm của tôi. Trái lại, cô bé chỉ dùng đôi tay, tìm hết cách để kéo áo, che kín người cô lại. Vì thế, tôi có thể quả quyết rằng, không bao giờ, dù chỉ trong một thoáng giây, Maria có ý định chìu theo chước cám dỗ của tôi!".
Maria Goretti được đưa ngay tới nhà thương Orsenigo ở Nettuno, do các nữ tu trông coi. Người ta đưa cô bé vào phòng mổ để các bác sĩ khâu lại các vết thương. Trên toàn người cô bé, có tổng cộng đến 14 vết đâm lớn.
Cuộc mổ chấm dứt, bà Assunta được phép vào phòng thăm con. Vừa trông thấy mẹ, Maria cảm động kêu lên: "Má!". Bà Assunta cúi xuống hỏi thăm con, Maria trả lời: "Con không sao Má à. Các em con thế nào? Xin Má đừng để cho Serenelli vào đây nhé!".
Linh mục Martino, tuyên úy bệnh viện đến thăm và hỏi Maria Goretti có muốn gia nhập Hội Con Đức Mẹ không. Maria thưa có. Cha Martino liền tròng vào cổ Maria sợi dây màu xanh với ảnh Đức Mẹ.. Sau đó, khi cha hỏi cô có bằng lòng tha thứ cho Alessandro, kẻ sát nhân không, Maria Goretti đáp ngay, không chút do dự: "Thưa cha có. Vì tình yêu Chúa Giêsu, con tha thứ cho anh ta. Con cũng muốn anh ta được vào Thiên Đàng với con".
Đó là cử chỉ anh hùng sau cùng, biểu lộ lòng quảng đại cao cả của Maria Goretti, cánh huệ đồng nội trong trắng. Cô nghiêng đầu tắt thở lúc 15 giờ 45 phút chiều Chúa Nhật 6-7-1902, hưởng dương 11 tuổi, 8 tháng, 21 ngày. Mọi người tấm tắt ngợi ca tấm gương can đảm của Maria Goretti, thà chết chứ không thà phạm tội mất lòng Chúa.
Về phần Alessandro Serenelli, ngày 14-10-1902, bị kết án 30 năm tù. Trước khi rời phòng xử, quan tòa hỏi bà Assunta Carlini, thân mẫu Maria Goretti, có bằng lòng tha thứ cho Alessandro không. Bà trả lời ngay, không chút do dự: "Thưa có. Tôi tha thứ cho anh ta".
Lời tha thứ của hai mẹ con bà Assunta và Maria Goretti đã theo Alessandro vào nhà giam. Trong tù, nhờ lời chuyển cầu của thiếu nữ đồng trinh tử đạo Maria Goretti, Alessandro hồi tâm thống hối. Mãn hạn tù, một ngày trong tháng 12 năm 1937, Alessandro tìm gặp bà Assunta ở Corinaldo để chính thức xin lỗi. Vừa gặp mặt, anh quì sụp xuống, nước mắt chan hòa, môi mấp máy: "Xin bà Assunta tha thứ cho con".
Assunta dịu dàng trả lời: "Maria Goretti đã tha thứ cho anh. Chúa đã tha thứ cho anh. Vậy tôi cũng tha thứ cho anh".
Lễ Giáng Sinh năm đó, nơi nhà thờ xứ đạo Corinaldo, Alessandro Serenelli quì bên cạnh bà Assunta Goretti nơi bàn rước lễ, để lãnh nhận Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô, Đấng Từ Bi Nhân Hậu Vô Biên ..Chiều thứ bảy 24-6-1950, trong khung cảnh Năm Thánh, Đức Thánh Cha Pio 12 (1939-1958) đã long trọng nâng cô thiếu nữ đồng quê Maria Goretti, 12 tuổi, lên hàng hiển thánh với tước hiệu đồng trinh và tử đạo. Hiện diện trong nghi lễ, có thân mẫu Assunta Angelina Carlini và khoảng 500 ngàn tín hữu hành hương, đến từ khắp năm châu và toàn nước Ý. Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha Pio 12 đã trìu mến thân thưa cùng vị tân hiển thánh Maria Goretti như sau:
"Xin kính chào vị nữ thánh hiền dịu và khả ái! Hỡi vị Tử Đạo dưới đất và là Thiên Thần trên trời, từ nơi vinh quang của ngài, xin hãy ghé mắt nhìn xuống đoàn dân đây, đang yêu mến, kính tôn, tung hô và chúc tụng ngài. Trên vầng trán ngài, ghi rõ danh thánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng (Apoc 3,12); trên khuôn mặt trinh khiết ngài, tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh. Ngài là vị Hiền Thê dùng chính máu đào để họa lại nơi mình hình ảnh của Chúa Kitô. Hỡi vị nữ thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng cho ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng con. Tất cả cùng ngưỡng mộ lòng anh hùng của ngài, nhưng nhất là, muốn bắt chước ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn các phong hóa cao quí. Từ nay, các bậc làm cha làm mẹ chạy đến kêu cầu, xin ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái. Xin đặt vào vòng tay ngài mọi trẻ thơ cùng thanh niên thiếu nữ, hầu ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui tiến bước trên đường đời, trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng. Ước gì được như vậy".
Khoảng cuối tháng Giêng năm 1985, nhà xuất bản Mondadori tại Milano, miền Bắc nước Ý, đã cho phát hành cuốn sách tựa đề: "Povera santa, povero assassino - La vera storia di MARIA GORETTI". Xin tạm dịch là: "Bà thánh đáng thương, tên sát nhân tội nghiệp - Câu chuyện thật về MARIA GORETTI". Tác giả cuốn sách là sử gia người Ý tên Giordano Bruno Guerri. Dụng ý của ông Guerri là vừa trích dẫn vừa lèo lái các sử liệu để đi đến kết luận rằng: "Đây là một vụ án ngụy tạo do Giáo Hội Công Giáo bịa đặt ra, để chế biến một mẫu gương thánh thiện đáng thương!". Ông Guerri muốn bác bỏ các sử liệu minh chứng rằng: "Maria Goretti là thiếu nữ anh hùng, đồng trinh và tử đạo", đã được Đức Giáo Hoàng Pio 12 long trọng nâng lên bậc hiển thánh vào ngày 24-6-1950.
Khi cuốn sách của ông Giordano Bruno Guerri vừa xuất hiện, Bộ Phong Thánh phản ứng tức khắc. Ngày 5-2-1985, Bộ thành lập một "Ủy Ban" gồm các chuyên viên về kỷ luật thần học, sử học và luật học. Ủy Ban có nhiệm vụ vạch rõ và trả lời từng điểm một, về những sai trái, bóp méo sự thật và những luận cứ hàm hồ trong cuốn sách của ông Guerri. Đúng một năm sau, ngày 2-2-1986, "Ủy Ban" của Bộ Phong Thánh phổ biến tài liệu tựa đề: "A Proposito di MARIA GORETTI, Santità e Canonizzazioni". Xin tạm dịch là: "Vụ liên quan đến MARIA GORETTI, bậc Thánh Thiện và những cuộc Phong Thánh".
CHỨNG TỪ CỦA ALESSANDRO SERENELLI, KẺ SÁT NHÂN THỐNG HỐI
Ngày 15-10-1902, tức ba tháng sau vụ thảm sát (5-7-1902), Alessandro Serenelli bị kết án 30 năm tù. Năm ấy Alessandro đúng 20 tuổi. Anh bị giam nơi nhiều nhà tù khác nhau. 16 năm đầu, từ 1902 đến 1918, anh được chuyển xuống Noto trên đảo Sicilia, miền Nam nước Ý.
Trong tù, nhờ lời chuyển cầu của Maria Goretti, cũng như tâm tình quảng đại tha thứ của cả hai mẹ con bà Assunta và Maria Goretti, Alessandro dần dần hồi tâm thống hối. Một yếu tố không kém quan trọng góp phần vào tiến trình cải hóa này, đó là một giấc mơ. Chính Alessandro thuật lại như sau:Xin kể về một giấc mơ đã thôi thúc tinh thần tôi sống tốt đẹp hơn. Đây là lần duy nhất tôi mơ thấy Maria Goretti. Tôi mơ thấy Maria xuất hiện thật đẹp, vận y phục toàn màu trắng và hái hoa nơi vườn tôi đang đứng. Maria hái những cành hoa huệ trắng tinh và mang đến cho tôi từng cánh huệ một. Mỗi lần đưa hoa cho tôi, Maria nói: 'Anh cầm lấy', rồi nhoẻn miệng cười, nụ cười đẹp như một vị thiên thần. Nhưng khi những đóa huệ được đặt vào tay tôi, huệ liền chuyển thành những cây nến thắp sáng. Trước khi biến đi, Maria còn nhoẻn miệng cười lần nữa. Tôi giật mình thức giấc. Tôi tự nhủ: 'Mình sẽ được cứu rỗi vì chắc chắn Maria cầu nguyện cho mình'. Kể từ sau giấc mơ ấy, tôi thoát hẳn ra khỏi tâm tình tuyệt vọng. Điều này xảy ra vào cuối năm 1906..
Năm 1910, đức cha Giovanni Blandini, Giám Mục giáo phận Noto, đến nhà tù thăm tôi. Ngài đến thăm, theo lời yêu cầu của đức cha Cucchi, Giám Mục giáo phận Senigallia, nơi có làng Corinaldo, quê sinh của Maria Goretti. Lý do cuộc viếng thăm là như thế này: Tại Corinaldo, các người đồng hương của Maria Goretti đã dựng một đài tưởng niệm cô. Ngày khánh thành đài là một lễ hội tưng bừng. Mấy mẹ con bà Assunta Goretti cũng có mặt, vì họ đã rời Ferriere và trở về làng cũ, sau "vụ thảm sát". Bà Assunta giúp việc cho cha sở nơi giáo xứ Corinaldo.
Có lẽ theo lời đề nghị của bà Assunta Goretti, người vẫn hằng cảm thương tôi, nên cha sở xin đức cha Cucchi dò xem tôi bị giam nơi nào. Sau khi được biết tôi đang ở nhà tù Noto trên đảo Sicilia, đức cha Cucchi liền liên lạc ngay với đức cha Giovanni Blandini, giám mục sở tại. Ngài xin đức cha Blandini đến nhà tù thăm hỏi sức khoẻ, mang tin tức cũng như khuyến khích tôi sống đàng hoàng.
Đức cha Blandini lúc ấy đã cao tuổi, phải chống gậy, nhưng vì lợi ích các linh hồn, ngài đã đích thân đến thăm tôi.
Tôi chưa bao giờ hầu chuyện trực tiếp với một vị Giám Mục. Do đó, khi được gọi ra nhà khách, tôi cảm thấy thật lúng túng. Nhưng thái độ khoan dung hiền phụ của vị giám mục đã giúp tôi tự nhiên cởi mở tấm lòng. Không hiểu sao, dần dần chúng tôi đề cập đến "vụ thảm sát" và chính tôi kể lại tỉ mỉ cho ngài nghe, kể cả "giấc mơ" tôi thấy Maria Goretti. Ngồi lắng nghe tôi nói, vị giám mục lão thành rưng rưng dòng lệ. Tôi cũng khóc và ân hận về lỗi lầm đã phạm. Rất tiếc là thời gian thăm viếng nơi nhà tù hạn hẹp, sắp chấm dứt. Vị Giám Mục hỏi tôi có hối hận không, tôi trả lời ngay: "Thưa đức cha có. Trong những đêm khó ngủ, dồn dập diễn ra trong đầu con không biết bao nhiêu ý tưởng. Phải là người điên mới có thể không ăn năn thống hối!". Đức cha tỏ ra thật cảm động. Nhưng vì thời gian thăm viếng kết thúc, nên đức cha khuyên tôi viết một bức thư để xin lỗi Chúa, xin lỗi gia đình nạn nhân và xin lỗi xã hội.
Tôi đáp không do dự: "Con sẽ làm, vì đó là bổn phận của con". Đức cha âu yếm ban phép lành cho tôi. Ngài cũng khẩn cầu cùng Thiên Chúa và Maria Goretti cho tôi nữa. Vừa về đến tòa giám mục, đức cha Giovanni Blandini viết thư ngay cho đức cha Cucchi, thuật lại cuộc gặp gỡ nơi nhà tù Noto. Hôm ấy là ngày 10-11-1910. Về phần tôi, khi trở lại phòng giam, tôi cũng tức khắc thi hành lời đã hứa. Nguyên văn bức thư của tôi như sau:Trọng kính Đức Giám Mục giáo phận Noto,
Con không biết diễn tả như thế nào cùng ngài tâm tình biết ơn của con, về niềm an ủi ngài để lại nơi tâm hồn sầu khổ của con, về vinh dự con được hầu chuyện với ngài. Vì thế, con xin gởi đến ngài tâm tình tri ân sâu xa, chân thành nhất của con.Nếu quả thật đúng rằng, trong một lúc thác loạn tâm thần, đưa đến việc phạm một tội sát nhân man rợ và đã bị luật pháp trừng phạt, thì con có thể tự xưng thú rằng, con đã không hoàn toàn tự ý quyết tâm làm điều xấu. Thật ra con còn quá trẻ và chưa biết rõ trường đời. Đây là lý do chính đưa con đến việc phạm một tội ác tầy trời mà hôm nay con cay đắng than khóc ăn năn. Con còn than khóc gấp đôi điều xấu con đã làm, bởi vì, con ý thức sâu xa rằng, con đã giết chết một thiếu nữ vô tội mà cho đến phút chót, vẫn cương quyết bảo toàn danh dự, thà hy sinh mạng sống chứ không thà nuông chìu theo ước muốn bất chính của con. Chính sức kháng cự của cô bé đã đẩy con đến hành động khủng khiếp và tồi tệ. Con xin công khai bày tỏ lòng gớm ghét điều xấu con đã làm và xin Chúa tha thứ cho con. Con cũng xin gia đình đáng thương và sầu khổ của nạn nhân tha thứ cho con về tội ác con đã phạm. Chỉ có thế, con mới hy vọng nhận được ơn tha thứ như bao nhiêu người khác trên cõi đời này. Con xin bày tỏ cùng Đức Cha những tâm tình trên đây với hy vọng được Đức Cha tận tình chiếu cố và tha thứ cho con. Nếu trong quá khứ con đã lầm lỡ làm hư hỏng tuổi trẻ của con, thì trong hiện tại, nguyện cho lời kinh của đức cha kết hiệp với lời khẩn cầu của con, có thể kéo xuống trên con ơn tha thứ của Đấng Cai Quản muôn loài, cũng như phép lành của thiếu nữ quá cố.
Con kính cẩn hôn tay đức cha và xin đức cha tha thứ cho con.
Đứa con mọn hèn, Serenelli Alessandro.
Viết tại nhà giam Noto ngày 10 tháng Mười Một năm 1910.
Ba ngày sau, 13-11-1910, Đức Cha giáo phận Noto gởi bức thư của tôi cho Đức Cha giáo phận Sinigallia, kèm theo lá thư của ngài, trong đó ngài viết: "Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thiếu nữ nạn nhân thánh thiện, bổ túc công trình tái sinh thiêng liêng bằng ân sủng thánh hóa".Về phần Đức Cha giáo phận Sinigallia, ngài chuyển thư của tôi đến cha sở giáo xứ Corinaldo. Trước tiên, cha sở đọc cho bà Assunta Goretti nghe. Sau đó, ngài đọc cho các tín hữu và toàn dân trong làng cùng nghe. Ngày 6-12-1910, cha sở viết thư cám ơn Đức Cha giáo phận Noto, vì đã đích thân đến nhà tù thăm tôi và đã giao hòa tôi với gia đình Goretti cũng như với xã hội loài người.
Kể từ đó, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Các ngài gởi cho tôi tin tức cũng như các sách báo viết về Maria Goretti, kể cả các ơn lành nhận được nhờ lời chuyển cầu của Maria Goretti.Ngày 31-5-1935, giáo phận Albano, nơi có thành phố Nettuno, đã chính thức lập hồ sơ xin phong chân phước cho thiếu nữ Maria Goretti, đồng trinh và tử đạo.
Hơn 10 năm sau, ngày 25-12-1945, Đức Giáo Hoàng Pio 12 nhìn nhận cuộc tử đạo vì trinh tiết của Maria Goretti và ngày 27-4-1947, ngài đã tuyên phong Maria Goretti lên bậc chân phước. Cũng chính Đức Pio 12 đã long trọng nâng Maria Goretti lên hàng hiển thánh ngày 24-6-1950, trong khung cảnh Năm Thánh, trước sự hiện diện của thân mẫu Assunta cùng toàn gia đình Goretti và 500 ngàn tín hữu hành hương đến từ khắp 5 châu.Suốt trong tiến trình điều tra của tòa án giáo phận Albano, đã xuất hiện một nhân chứng quan trọng nhất, đó là Alessandro Serenelli, kẻ sát nhân. Nhưng nay là một sát nhân thống hối. Alessandro đã nhiều lần cung khai trước tòa cách tỉ mỉ các chi tiết chung quanh "vụ án mạng".
Sau khi mãn hạn tù, Alessandro Serenelli tìm đến nương thân nơi tu viện. Các tu sĩ Phan-Sinh Hèn Mọn Cappuccini của tu viện Thánh Serafino ở Ascoli Piceno là những người đầu tiên tiếp nhận Alessandro. Từ năm 1956, ông Alessandro chuyển đến sống với các tu sĩ Cappuccini nơi tu viện ở Macerata, miền Trung Đông nước Ý. Ông ở lại đây, sống chay tịnh và cầu nguyện cho đến khi tắt thở vào ngày 6-5-1970, hưởng thọ 89 tuổi.9 năm trước đó, ngày 5-5-1961, cụ Alessandro Serenelli đã viết chúc thư tinh thần, nguyên văn như sau:
"Tôi là một cụ già gần 80 tuổi, sắp kết thúc những ngày sống của tôi. Nhìn lại quá khứ, tôi thành thật nhìn nhận rằng, từ thời xuân trẻ, tôi đã rơi ngay vào con đường lầm lạc: con đường xấu đưa tôi đến chỗ hư hỏng. Tôi đọc báo xấu, xem tranh ảnh xấu và bắt chước những gương xấu của đa số các bạn trẻ đi theo con đường xấu mà không hề nghĩ ngợi. Tôi cũng thế, tôi không mảy may lo lắng gì.
"Có các tín hữu đạo đức và thực hành đạo sống cạnh tôi, nhưng tôi không hề lưu ý, trái lại, tôi nghe theo một sức mạnh xấu, thúc đẩy tôi đi theo con đường xấu. Năm 20 tuổi tôi đã phạm ngay một tội sát nhân mà mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn cảm thấy kinh hoàng. Maria Goretti, giờ đây là một vị thánh, từng là thiên thần tốt lành mà Chúa Quan Phòng đã đặt để trên bước đường tôi đi. Tôi vẫn còn khắc sâu trong tim lời thánh nữ trách cứ tôi cũng như lời thánh nữ tha thứ cho tôi. Thánh nữ đã cầu nguyện cho tôi, đã bầu cử cho tôi, kẻ đã nhẫn tâm sát hại mình.
"Tôi đã trải qua gần 30 năm trong nhà tù. Nếu không vì lý do tuổi còn trẻ, hẳn là tôi đã bị kết án chung thân. Nhưng tôi chấp nhận bản án tương xứng với tội ác của tôi: bản án gột rửa phần nào tội lỗi của tôi. Maria Goretti đích thật là ánh sáng cho tôi, là người che chở tôi. Nhờ sự trợ giúp của thánh nữ Maria Goretti, tôi đã cố gắng làm điều thiện và tìm cách sống ngay chính, khi xã hội loài người bằng lòng tái tiếp nhận tôi giữa những phần tử của mình. Con cái thánh Phanxicô, các Tu Sĩ Hèn Mọn Cappuccini ở vùng Marche, với tình bác ái thiên thần, đã bằng lòng tiếp rước tôi đến sống giữa các vị, không như một kẻ tôi tớ, nhưng như một người anh em. Tôi đã sống chung với các vị từ năm 1936."Và giờ đây tôi bình thản chờ đợi giây phút được nhận vào chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa, được gặp lại những người thân và được gần gũi vị thiên thần bảo trợ tôi, cũng như người mẹ dấu ái của Maria là bà Assunta.
"Cầu chúc cho tất cả những ai đọc chúc thư này của tôi rút ra được bài học quí giá là hãy luôn luôn tránh xa điều xấu và luôn luôn đi theo điều thiện, ngay từ thời thơ ấu. Hãy khắc sâu tư tưởng này là, tôn giáo với các lề luật đích thật là niềm an ủi, là con đường duy nhất, chắc chắn nhất trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những hoàn cảnh đau thương nhất của cuộc sống. Nguyện chúc tất cả An Bình và Tốt Đẹp!".
(Alessandro Serenelli 2-6-1882 / 6-5-1970).Sau đây là Lời Kinh Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 dâng lên thánh nữ Maria Goretti: .. Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa, Bé đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Bé từng biết thế nào là nghèo đói và mồ côi. Bé đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn và ân cần. Bé sống tốt lành, không khoe khoang, và đã yêu mến Tình Yêu trên mọi sự. Bé đã đổ máu đào để khỏi phản bội Thiên Chúa. Bé đã tha thứ cho người đã giết Bé và cầu mong hạnh phúc Thiên Đàng cho anh ta. Xin Bé hãy bầu cử và cầu nguyện cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, hầu chúng tôi cũng biết thưa vâng đối với chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi. Hỡi Đấng là Bạn Hữu của Thiên Chúa, đang chiêm ngưỡng Chúa mặt giáp mặt, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi ơn xin cùng ngài... Chúng tôi cảm tạ ngài, hỡi Marietta, vì tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi. Amen.
(Mario Ferrarese, "MARIA GORETTI, una Santa Pontina per i nostri giorni", Editrice Arti Grafiche Archimio, 2000. // "A Proposito di MARIA GORETTI, Santità e Canonizzazione", Libreria Editrice Vaticana, 5/2/1985).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN