Cha Jacques Piquet, người Pháp, đã từng làm tuyên úy cho bệnh viện Cochin của thủ đô Paris nước Pháp. Nhưng trước đó, Cha thi hành thừa tác vụ Linh Mục trong những xứ đạo có ít tín hữu thực hành đạo. Cha thường để ý chăm sóc cách riêng những người nghèo, người bị bỏ rơi. Sau đây là chứng từ của Cha về chỗ đứng của Linh Mục tuyên úy bên cạnh các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối đời. Cuộc sống thiêng liêng của người bệnh tương tự như cuộc sống thiêng liêng của khách hành hương. Người hành hương rời bỏ căn nhà tiện nghi của mình, lên đường tiến về nơi thánh, vừa đi vừa xin thức ăn, chỗ trọ. Người bệnh cũng từ bỏ căn nhà của mình và nặng nhọc bước đi, xuyên qua căn bệnh và nỗi khổ tiến về nơi chốn xa lạ nào đó. Cho dù cuộc hành trình có kết thúc ra sao đi nữa, tốt hay xấu, bao giờ nó cũng ghi đậm một vết tích.
Đối với bệnh nhân cũng như đối với người hành hương, việc cắt đứt với cuộc sống xã hội, gia đình, cùng những thói quen thường ngày, luôn luôn là kinh nghiệm quý báu, giúp con người hiểu rằng: Cuộc sống không chỉ là thói quen và xuôi chảy mà bao gồm cả bất ngờ, thử thách, như khổ đau và bệnh hoạn. Cuộc sống không bao giờ nằm trọn trong vòng tay kiểm soát của con người, nhưng nó đến từ Thiên Chúa và hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài. Bệnh tật cũng là cuộc sống, nhưng là cuộc sống gay gắt, mãnh liệt.. Đôi lúc nhờ bệnh tật mà con người hướng lòng về với Thiên Chúa và tìm gặp được Ngài. Đó là điều mà tôi thường được chứng kiến trong khung cảnh bệnh viện.
Người bệnh tôi gặp lần đầu tiên hỏi: “Cha có tin vào ngày tận thế không?” Tôi trả lời: ”Nếu anh muốn nói tới cuộc trở lại của Chúa KITÔ vào ngày thế mạt, thì tôi tin”. Anh ta nói thêm: “Có phải bây giờ không”. Tôi đáp: “Nếu muốn nói là ngày tận thế thì không phải bây giờ, mà sau này”. Anh ta tiếp tục: “Nhưng trong vĩnh cửu không có thời gian”. Tôi nói: “Đúng như vậy. Anh có lý. Chúng ta đang ở trong vĩnh cửu”.. Mẫu đối thoại ngắn với bệnh nhân trên đây giúp tôi hiểu rằng, thời gian bệnh tật vừa là thời gian thanh luyện vừa là thời gian quý báu giúp con người tìm thấy cái chính yếu của cuộc đời. Có thể nói rằng, thời gian đau ốm là thời gian gần như rút ngắn lại, khiến nó trở nên vô cùng cô đọng.. Bệnh nhân trẻ 25 tuổi nói với tôi: “Khi biết rằng con phải vào nhà thương, con liền xuống phố, một mình lang thang nơi mọi nẻo đường. Lúc bấy giờ con bỗng thấy rằng, có biết bao nhiêu điều chỉ là phù phiếm, là vô ích, là chóng qua”.
Ngay cả người gần chết cũng sống thời gian hấp hối thật cô đọng, đầy sức sống và sáng suốt, bình tĩnh. Chẳng hạn, trong căn phòng nhỏ hẹp của bệnh viện, người vợ ngồi bên giường người chồng. Ông chồng chỉ còn da bọc xương. Vừa nhẹ nhàng vuốt tay chồng, vừa nhìn tôi bà nói: “Chính ơn thánh của bí tích hôn nhân đã giúp chúng con sống trung tín và cùng nhau chịu đựng những thử thách, khổ đau và bệnh tật”. Câu nói của người vợ, bên cạnh một người chồng đau nặng, giúp tôi hiểu rằng: “Thiên Chúa quả đúng là Thiên Chúa của Sự Sống”.
Nhiệm vụ của tôi, Linh Mục Tuyên Úy Công Giáo bên cạnh các bệnh nhân, là giúp cho họ khám phá lòng trung tín Thiên Chúa đối với chúng ta, trải qua mọi biến cố cuộc sống. Không phải người bệnh nào cũng cũng chấp nhận ngay cơn bệnh và nhìn nó dưới ánh sáng Đức Tin. Cũng không phải người bệnh nào cũng thông hiệp nỗi đau đớn của mình với Cuộc Khổ Nạn của Chúa GIÊSU KITÔ. Nhưng một khi họ tìm thấy điểm tựa nơi Chúa cuộc sống bệnh tật của họ đầy tràn ánh sáng. Tôi nhớ rõ hình ảnh phụ nữ 30 tuổi tên Claude. Cô ta bị đưa vào nhà thương cấp cứu vì chứng bệnh bạch huyết. Chính cô ta xin tôi ban Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho cô. Sau khi nhận lãnh bí tích, và trước sự hiện diện của hiền mẫu cùng với mấy người bạn, Claude muốn hát một mình bài thánh ca: “Chúa đang có mặt, giữa lòng cuộc sống của chúng con và chính Chúa làm cho chúng con sống”.
(“PRIER”, 10/1982, trang 8-9).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN