LỄ GIÁNG SINH ĐẸP NHẤT
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
Tại Cộng Hòa Slovak, từ 1950 đến 1967 là thời kỳ Giáo Hội Công Giáo bị chính quyền cộng sản bách hại dữ dội nhất. Hầu hết các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân nhiệt thành đều bị bắt giam và bị đưa vào các trại cải tạo. Thế nhưng, chính trong gian khổ, các tín hữu Kitô mới có dịp tỏ lộ Đức Tin kiên vững và lòng trung thành anh dũng của mình.
Nơi trại tù gần Pardubice, thuộc miền Boémia, có hàng trăm phụ nữ bị giam giữ. Họ thuộc đủ các thành phần: phạm pháp, mãi dâm, tù nhân chính trị và nữ tu. Trong cái nhịp điệu buồn tẻ của tháng ngày đói khổ và lao nhọc, vọng lễ Giáng Sinh là thời gian mang lại nhiều hy vọng nhất. Những tâm hồn mòn mỏi đau thương vì xa gia đình, xa người thân yêu, cố gắng tìm nơi Lễ Giáng Sinh niềm an bình và sức mạnh. Mỗi nữ tù nhân ước ao các phút giây linh thiêng, hầu quên đi cái thực tế phũ phàng.
Tâm tình sâu kín nhất của các nữ tù nhân là thế. Nhưng ban giám đốc trại hoàn toàn vô thần. Họ tìm mọi cách để tiêu hủy, hay ít ra, làm tan loãng bầu khí thánh thiêng của những ngày áp lễ và chính ngày lễ Giáng Sinh.
Cuộc bách hại tàn khốc nhất vào chiều 24-12, Vọng Lễ Giáng Sinh, lúc phân phát bữa ăn tối. Tất cả được lệnh rời lều giam, xếp hàng hai và đợi hàng mấy giờ liên tiếp ngoài trời. Mọi người co ro trong chiếc áo lạnh mỏng manh, rách rưới. Họ đứng trên những đống bùn lầy chen lẫn tuyết. Gió rít từng cơn và trời lạnh buốt đến tận xương tủy.
Sau cùng, lệnh phân phát thức ăn được ban ra. Nhưng khẩu phần hôm đó lại ít hơn mọi ngày. Vừa đói vừa lạnh, mọi người run lập cập chờ đến phiên mình .. Từng người tiến lên lãnh phần ăn nhỏ xíu. Bỗng từ hàng gần cuối, một tiếng hát nhẹ nhàng trong trẻo vang lên:
- “Ngài đã sinh ra, Hài Nhi Giêsu, Con Thiên Chúa”.Tiếng hát hơi rụt rè, nhưng càng lúc càng mạnh, rồi vút cao và vang xa. Trong phút chốc, mọi tâm hồn như ngừng im lắng đọng. Mọi người như nín thở. Nhưng chỉ thoáng qua, tất cả các nữ tù nhân không ai bảo ai, cùng cất tiếng hát theo giọng khởi đầu. Tiếng hát nhè nhẹ, nhưng càng lúc càng nhịp nhàng và càng trổi mạnh. Mọi tâm hồn như bị cuốn hút vào tiếng hát của bản thánh ca Giáng Sinh bất hủ của dân tộc Slovak:
- “Ngài đã sinh ra, Hài Nhi Giêsu, Con Thiên Chúa!”.
Nghe tiếng hát, viên chỉ huy trại đùng đùng nổi giận. Ông hùng hổ chạy đến bên các nữ tù nhân và quát lớn:
-“ Bộ mấy mụ điên sao? Mấy mụ quên mất mình đang ở đâu à? Mấy mụ tưởng tượng mình đang xem xiệc, xem múa rối hả? Hãy im ngay, không được hát bài này! Đó là bài quốc cấm!”.
Mặc dầu viên chỉ huy la lối om sòm, các nữ tù nhân vẫn bình tĩnh tiếp tục hát. Sau cùng, vài người nhỏ nhẹ trả lời:
- “Không, chúng tôi không điên, không sống trong tưởng tượng. Chúng tôi biết rõ mình đang ở trại lao động khổ sai. Nhưng hôm nay là Vọng Lễ Giáng Sinh. Chúng tôi cùng nhau hát chúc tụng Con Thiên Chúa xuống thế cứu chuộc loài người. Rất tiếc các ông không biết Ngài là ai!”.
Viên chỉ huy đứng im như trời tròng, không biết phản ứng ra sao. Xong, ông hùng hổ bỏ đi, y như khi ông hùng hổ chạy đến. Thế là các nữ tù nhân vui mừng tiếp tục hát Thánh Ca Giáng Sinh. Tất cả các bài Thánh Ca quen thuộc và nổi tiếng nhất, lần lượt được các nữ tù nhân Công Giáo Slovak hát vang, trong đêm tối lạnh lẽo và u buồn của kiếp sống tù đày ..
Trong giây phút linh thiêng đó, mọi người như quên đi số phận hẩm hiu cay đắng. Niềm an bình của Hài Nhi Giêsu sắp sinh ra xâm chiếm mọi tâm hồn và hiện rõ trên từng khuôn mặt gầy yếu.
... ... ...
Thường các nữ tù nhân chấp nhận tất cả trong nhẫn nhục. Họ ít cãi cọ, lời qua tiếng lại với nhân viên canh tù, để tránh cảnh bị trừng phạt trả thù. Đôi lúc có vài tù nhân tìm cách lấy lòng công an để được đối xử tử tế hơn một chút. Nhưng nhiều người cương quyết không quỵ lụy, để đánh đổi bất cứ ân huệ gì. Và đây là trường hợp cô Maruska.
Maruska thẳng thắn và gan dạ. Khi cần đối đầu và nói rõ thực hư, Maruska không ngần ngại. Cô trả lời rõ ràng với lý chứng minh bạch, khiến nhân viên canh tù phải câm miệng. Nhưng vì Maruska là tù nhân, nên phần có lý bao giờ cũng thuộc cấp trên. Và kết quả Maruska bị biệt giam vào đúng ngày Vọng Giáng Sinh. Cô bị nhốt trong căn phòng chật hẹp, trống trơn: không giường, không chăn và không thức ăn.
Nhưng Maruska không bị bỏ rơi đơn độc trong khốn cùng. Hai nữ tù nhân khác tên Anicka và Helenka đã can đảm hy sinh phần ăn của mình. Hai cô lén đưa thức ăn cho Maruska.
Chiều đến, sau khi lao động, Anicka và Helenka lặng lẽ về giường ngủ, vì không có gì để ăn. Nhưng cử chỉ liên đới đã kích động mọi người. Các nữ tù nhân khác không muốn bị thua kém trong tình bác ái. Chính các nữ tu trong trại đã quyên góp thức ăn và vật dụng giữa các tù nhân, rồi làm thành hai gói quà nhỏ, đặt nơi đầu giường hai cô. Anicka và Helenka ngạc nhiên biết bao khi khám phá ra hai gói quà. Mọi người vỗ tay khích lệ tán thưởng hai vị nữ anh hùng! Anicka và Helenka cảm động ôm mặt khóc ròng!Anicka và Helenka tìm đến với các nữ tu và nói:
- “Thưa các Dì, các Dì có rất ít thức ăn và đồ đạc, các Dì còn hy sinh cho tụi cháu! Tại sao thế?”
. Chị Vincent thay mặt trả lời:
- “Ai nói với em các Dì có rất ít, trong khi chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đang ở với chúng ta? Có Chúa là có tất cả. Và mai đây Lễ Giáng Sinh, các Dì sẽ được diễm phúc rước nhận Mình Thánh Chúa. Nếu muốn, các em cũng có thể cùng rước Mình Thánh Chúa với các Dì!”.
... ... ...
Vào chính ngày Lễ Giáng Sinh, Ban giám đốc trại ra chỉ thị cho tất cả các nữ tù nhân phải làm nhiều công việc hết sức nặng nề.Riêng nhóm nữ tu, các chị phải quét dọn, lau chùi căn phòng rộng lớn, có sàn nhà bằng gỗ. Các chị phải dùng mảnh chai để cạo cho sạch những vết dơ ở sàn nhà. Chưa hết, các nữ tu phải nhồi đầy 50 tấm nệm bằng rơm. Và mọi công việc phải hoàn tất vào lúc 9 giờ tối .. Cứ sự thường, đây là chuyện không thể làm được, bởi vì, các nữ tu đã cao tuổi và đau yếu. Một số tù nhân khác tự nguyện giúp, nhưng bị từ chối.
Vào chính ngày Lễ Giáng Sinh, các nữ tu phải làm việc như trâu. Một điều không ai ngờ, các chị đã hoàn thành công tác đúng như lệnh ban. Các nữ tù nhân khác vô cùng bỡ ngỡ và thán phục. Họ tò mò theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra.
Đúng 9 giờ tối, viên chỉ huy trại gầm gầm nét mặt, đến kiểm soát. Ông dẫn theo con chó săn dữ tợn. Khi đến ngưỡng cửa, ông ra lệnh cho con chó:
-“Hãy nhảy vào cắn xé tan tành các bà già này. Họ có chết xã hội cũng chả mất mát gì!”.
Nhưng con chó cứ đứng im không nhúc nhích, như thể nó đang bị một vật lạ thôi miên. Trong khi đó, các nữ tu vẫn điềm tĩnh quỳ yên bên cạnh giường ngủ, đầu cúi xuống. Các chị đang cầu nguyện. Không một ai ngước nhìn viên chỉ huy. Ông tức giận, nhảy bổ vào đứng giữa phòng và quát lớn:- “Mấy bà già không nghe thấy gì sao? Mấy bà không biết vị giám đốc trại giam đang có mặt ở đây sao? Một người trong các bà hãy ra trình diện và làm bản báo cáo!”.
Chị Bernadette, người phụ trách nhóm các nữ tu, vẫn quỳ yên, tiếp tục cầu nguyện. Sau mấy phút dài, chị mới đứng lên và đến trước mặt viên chỉ huy. Chị từ tốn nói:
- “Thưa ông giám đốc, chúng tôi đang cầu nguyện cùng Thiên Chúa, Đấng cao trọng hơn ông gấp ngàn lần. Xin ông thứ lỗi cho chúng tôi”.Nghe thế, viên chỉ huy giận thâm mặt. Nhưng ông không đáp lại lời nào. Chị Bernadette nói tiếp:
- “Thưa ông giám đốc, hôm nay là Lễ Giáng Sinh, Ngày Lễ của Tình Thương. Nhưng rất tiếc ông không biết ý nghĩa ngày lễ. Ông đã kích thích một con chó để nó nhảy vào cắn xé chúng tôi. Nhưng chúng tôi tha thứ cho ông và chúc ông một Lễ Giáng Sinh vui vẻ. Chốc nữa đây, khi ông ngồi vào bàn ăn gia đình, bên cạnh vợ con, xin ông hãy nhớ rằng, có hàng ngàn bà mẹ vô tội, đang lặng lẽ khóc nơi các trại lao động khổ sai. Họ nhớ đến đàn con thơ vắng bóng mẹ hiền! Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi nhớ đến các trẻ mồ côi, các cụ già và các em bé mà chúng tôi dưỡng dục trong các viện của chúng tôi .. Chúng tôi hết lòng cầu chúc cho những điều tốt đẹp được xảy ra. Chúng tôi cầu xin Chúa Giêsu Hài Đồng sưởi nóng tâm lòng ông và nhắc ông nhớ ràng, ông là một con người!”.
Viên chỉ huy trại thực sự kích động trước lời lẽ tuy nhỏ nhẹ nhưng đâm thấu tận tim gan cật ruột! Ông giận dữ vừa nện gót giày vừa bước những bước thật dài, đi đi lại lại trong phòng giam. Sau cùng, ông cất tiếng nói:
- “Hỡi các bà, tôi luôn tin rằng có ngày tôi sẽ tẩy được não bộ các bà. Nhưng lúc này đây, chính các bà là người đang thay đổi đầu óc tôi!”.
Nói xong, ông bước ra khỏi phòng, đóng ập cửa lại! Và câu chuyện Ngày Lễ Giáng Sinh của các nữ tu tù nhân Slovak được kết thúc êm đẹp. Viên chỉ huy trại từ đó không còn tìm cách sách nhiễu hành hạ các nữ tu nữa!.
(Cyril Slovák e Jozef Inovecký, ”Héros .. ou Traitres?”, Editions Saggi ed Esperienze, 1976, trang 195-200).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN