MÓN QUÀ GIÁNG SINH


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Một ngày cuối tháng 11 năm 1994, bà Allyson Moring bỗng ngã bệnh nặng và được đưa vào Bệnh Viện. Người ta khám phá bà bị bệnh trùng nhiễm huyết ở giai đoạn cuối cùng. Vị bác sĩ nói nhỏ với ông Danny Moring:

- Ông nên báo cho thân nhân biết, vì có lẽ bà nhà sẽ không sống đến ngày mai.

Kinh hãi, ông Danny lái xe về nhà gặp hai con. Ông vào phòng đứa con gái đầu lòng, Elizabeth. Ông âu yếm hôn trên trán con để đánh thức con dậy. Cô bé hỏi ngay: “Mẹ đâu rồi?” Nước mắt lưng tròng, ông Danny trả lời: “Mẹ đang ở nhà thương”. Giọng con bé trở nên run run: “Mẹ sắp chết hả Ba?” Ông Danny nói: “Rất có thể con à. Nhưng chúng ta cùng nhau cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ”.

Khi trở lại nhà thương, ông Danny thấy nhạc phụ - ông Allen Harrelll, một bác sĩ chuyên về bệnh trẻ em - đang đứng cạnh giường vợ. Khi mẹ và các em vợ có mặt đầy đủ trong phòng, Danny và bác sĩ Harrell, mỗi người cầm lấy tay Allyson. Cha Timothy Watters, Linh Mục chánh xứ của họ đạo cũng hiện diện. Allyson hé mở đôi mắt và trông thấy Cha Sở. Bác sĩ Harrell cúi xuống, cân nhắc từng lời, âu yếm nói với con gái:
- Allyson con à, con đang bệnh rất nặng. Toàn thể gia đình sẽ can đảm hơn nếu cha Watters ban cho con các Bí Tích sau cùng.
Allyson lo lắng hỏi:
- Vậy con sắp chết hả Ba?
Bác sĩ Harrell đáp:
- Con à, các Bí Tích sau cùng ban cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục chiến đấu.

Allyson nhắm mắt lại. Nước mắt ràn rụa chảy ra. Cha Watters đọc lời nguyện và ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho Allyson.

.. Allyson Moring điều khiển ca đoàn trường trung học Charleston, thuộc bang Nam Carolina, Hoa Kỳ. Ca đoàn gồm 50 ca viên, tuổi từ 14 đến 17. Ca đoàn đã ráo riết tập dượt để trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh tại nhà thờ giáo xứ vào ngày 8-12-1994, lễ trọng kính Đức MARIA Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đặc biệt nữ ca trưởng Allyson mang tham vọng trình diễn bài cuối cùng ALLELUIAtrong bản trường ca bất hủ ĐẤNG MESSIA của nhạc sĩ nổi danh người Đức, Georg Friedrich Haendel (1685-1759). Bản ALLELUIA là kiệc tác nhưng trình bày bản này quả là thách đố lớn đối với ca đoàn trẻ tuổi trường trung học Charleston. Dầu vậy nữ ca trưởng Allyson Moring cương quyết thực hiện cho bằng được giấc mộng!

Giờ đây thình lình Allyson rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Allyson bị hôn mê hoàn toàn. Tin nữ ca trưởng đã lãnh nhận Bí Tích Sau Cùng, được đồn nhanh tới tai các ca viên trẻ tuổi. Mọi người hốt hoảng lo lắng. Bỗng một ý nghĩ nảy sinh nơi ca viên Jessica Boulware. Bằng mọi giá, phải cứu ca trưởng thoát chết và để buổi trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh được thực hiện như chương trình dự định. Jessica đề nghị với các bạn đưa cuộn băng đã thu thử buổi trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh đến cho ca trưởng Allyson nghe.

Ông Danny đút cuộn băng vào máy. Những bản Thánh Ca Giáng Sinh với tiếng hát trẻ trung đều nhịp vang lên trong phòng bệnh. Khi đến bài ALLELUIA, bà Allyson gần như nhếch môi mĩm cười khiến ông Danny tràn đầy hy vọng. Từ đó, khi ngồi bên giường vợ, ông Danny liên tục cho vợ nghe đi nghe lại băng Thánh Ca Giáng Sinh.

Trong khi ấy các ca viên đã đề cử Katherine, 17 tuổi, thay thế Allyson điều khiển buổi trình diễn Thánh Ca. Ban đầu Katherine quyết liệt từ chối. Rồi nghĩ lại cô tự nhủ: “Mình phải làm vì ca trưởng Allyson”.

Sau cùng, 8-12, ngày chờ mong và hồi hộp nhất đã đến. Nhà thờ thành phố Charleston chật ních thính giả đến nghe trình diễn Thánh Ca. Mọi người biết rõ các ca viên đã cố gắng vượt mức để thực hiện giấc mộng của vị ca trưởng nhiệt huyết, Allyson Moring.

Trong phòng mặc áo, ca đoàn dợt lại lần cuối cùng. Xong, Katherine cất tiếng nói: “Bây giờ, tôi xin đề nghị với các bạn cùng cầu nguyện cho bà Allyson Moring, ca trưởng của chúng ta. Sau đó, chúng ta cố gắng hết mình để bà được hãnh diện vì chúng ta”.

Các ca viên lần lượt tiến ra cung thánh, vừa đi vừa hát bài “Đêm Thánh Vô Cùng”. Khi tất cả cùng đứng nơi bục cao, đèn trong nhà thờ bật sáng. Trước khi bắt đầu, Katherine nói: “Chúng con xin dành riêng buổi trình diễn Thánh Ca Giáng Sinh hôm nay cho bà Moring và cầu chúc bà sớm bình phục”. Và buổi trình diễn đã thành công rực rỡ, ngoài mức tưởng tượng và chờ mong của mọi người.

Sau ngày 8-12, sức khoẻ bà Allyson Moring từ từ hồi phục. Ngày 25-12-1994, đúng 17 ngày sau buổi trình diễn Thánh Ca, bà xuất viện trở lại gia đình mừng lễ Giáng Sinh với chồng và hai đứa con. Cuộc khỏi bệnh đúng là phép lạ. Khi các ca viên đến chúc mừng, bà nói với họ:

- Cơn bệnh dạy tôi bài học quý giá về hiệu quả của âm nhạc và của lời cầu nguyện cũng như về lòng tin tưởng nơi tài năng diệu kỳ của giới trẻ ..

(“Reader's Digest Sélection”, Décember/1995, trang 89-96).


Ý NGHĨA HY VỌNG CỦA LỄ GIÁNG SINH

Nữ tu Emmanuelle Cinquin người Pháp thuộc dòng Sion, một dòng chuyên nghề giáo dục. Nhưng từ năm 1971 nữ tu từ giã ghế giáo sư triết học để dấn thân hoạt động bên cạnh những người nghèo, chuyên sống nghề bới rác, tại khu ổ chuột ngoại ô thủ đô Le Caire của nước Ai Cập. Nữ tu Emmanuelle nói về dấu chỉ Hy Vọng của Lễ Giáng Sinh như sau.

Tôi nghe đây đó vang lên những câu nói bi quan: “Giáng Sinh là lễ của hy vọng thật sao? Với tất cả những vấn đề khó khăn hiện tại, nạn thất nghiệp lan tràn, nền tài chánh eo hẹp và rạng đông báo hiệu một năm mới đen tối, thử hỏi Giáng Sinh có còn Lễ Hy Vọng nữa không?” Mặc dầu nghe than van như thế, tôi vẫn quả quyết rằng: “Vâng, Giáng Sinh chính là Lễ Hy Vọng, bởi vì Lễ Giáng Sinh nối kết chúng ta chung quanh một Hài Nhi”. Mỗi một hài nhi sinh ra tượng trưng cho cánh cửa mới, bước vào cuộc sống. Cho dù cuộc sống có đầy dẫy những đắng cay chua xót, bệnh tật và sau cùng là chết chóc, cuộc sống vẫn mang nặng gánh Hy Vọng. Chúng ta đâu phải các thầy bói, chuyên nghề tiên báo những sự chẳng lành! Không. Chúng ta tiếp nhận Hài Nhi sinh ra bằng đôi tay rộng mở, ôm ấp Hài Nhi vào lòng và chờ đón nụ cười của Hài Nhi. “Nụ cười Hài Nhi là sứ điệp Hy Vọng: Hài Nhi tin tưởng và phó thác”.

Ước gì chúng ta có thể trở nên như con trẻ, giơ tay chờ đón cái vuốt ve âu yếm và sẵn sàng trao ban sự dịu dàng. Xét cho cùng người trẻ, người lớn và người già, chờ đợi mong mỏi cái gì, nếu không phải được sống trong bầu khí yêu thương đầm ấm? Về điểm này, tất cả giống như trẻ thơ. Niềm hạnh phúc của đứa trẻ không phải được bơi lội trong các lạc thú nhưng là được sống trong hơi ấm tình thương và lòng trìu mến. Tôi đã từng gặp những đứa bé nằm trong đống giẻ rách nhưng khuôn mặt đầy nét tươi vui cũng giống y như những đứa bé nằm trong các chiếc nôi sang trọng giàu có. Chỉ cần một nụ cười, một cái vuốt ve và nụ hôn, đủ làm cho đứa bé hài lòng sung sướng!

Hang đá Giáng Sinh cống hiến bài học Hy Vọng: niềm hạnh phúc trong sự trần trụi, Phụ Nữ nghèo sinh con trong hang bò lừa. Hài Nhi được đặt trong máng rơm .. có thêm sự hiện diện của vài ba mục đồng nghèo nàn, đơn sơ giản dị. Nhưng tất cả khung cảnh đó chìm ngập trong ánh sáng chan hòa chen lẫn các bài ca tươi vui.

Tôi cũng được hân hạnh mừng Lễ Giáng Sinh đẹp và ý nghĩa nhất trong khung cảnh khó nghèo như thế. Hồi năm 1975, tại khu ổ chuột ngoại ô thủ đô Le Caire, người ta không cử hành Lễ Giáng Sinh nữa. Tôi liền đến gặp Đức Thượng Phụ Chenouda và xin ngài chỉ định Linh Mục đến dâng Thánh Lễ Nửa Đêm. Tin vui được lan ra. Mọi người hăng hái quét dọn rác rưởi. Một vài miếng giẻ rách màu mè được giăng lên. Ngọn đèn bằng dầu được thắp sáng, soi đủ một khu vực nhỏ. Mỗi người cầm nến và mọi khuôn mặt trông như đẹp hơn ngày thường. Khi tiếng hát Giáng Sinh được cất lên:“Đấng Cứu Thế đã sinh ra” tức khắc mọi con vật giật mình thức giấc: lừa kêu be-be, heo kêu ủn-ỉn, gà cồ gáy ò ó o o, gà mái kêu tục-tác, tục-tác .. Thật là bản nhạc vô cùng độc đáo.

Vị Linh Mục cử hành Thánh Lễ Giáng Sinh không cần phải dài lời. Ngài chỉ vắn tắt giải thích câu: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Nếu Chúa GIÊSU giáng trần lần nữa, hẳn Ngài sẽ đến đây mang theo Sứ Điệp Tình Yêu của Ngài. Vậy chúng ta hãy cất tiếng hát vang chúc tụng Thiên Chúa.

Thánh Lễ kết thúc, tôi phân phát cho mỗi người một quả quít và một chiếc bánh ngọt nhỏ. Mọi người ôm hôn và chúc bình an cho nhau. Xong, mỗi người về túp lều mình, lòng đầy ắp Niềm Vui Giáng Sinh!.

Niềm vui Giáng Sinh không đến từ bữa tiệc Giáng Sinh có đầy thức ăn mĩ vị, nhưng đến từ sự kiện mọi người cùng nắm tay hát vang lời ca Giáng Sinh, chung quanh Máng Cỏ có Chúa GIÊSU Hài Đồng: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta. Một Người Con đã được ban tặng cho chúng ta”.

("Le Figaro”, 24-12-1995).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN