CỰU TRUNG ÚY KHÔNG LỰC HOÀNG GIA ANH


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Một ngày Chúa Nhật trong tháng 5 năm 1992, nhà thờ ‘‘Đức Mẹ Vô Nhiễm” ở Kleve, Tây Đức, đông nghẹt tín hữu Công Giáo. Họ đến tham dự nghi lễ thánh hiến bàn thờ mới và mừng kỷ niệm 750 năm thành lập thành phố và nhà thờ. Nhà thờ bị phá hủy trong thời thế chiến thứ hai, nhưng được xây cất lại sau đó.

Trong phần Lời Nguyện giáo dân, một người đàn ông cao tuổi, tiến lên máy vi âm và đọc lớn tiếng: ‘‘Lạy Chúa, trong khi mà hận thù, chém giết và nhiều biến động tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên giới, thì con tin rằng, Chúa thật hài lòng khi nhìn thấy chúng con quy tụ nơi đây để cùng nhau hoạt động cho công ích”.

Đó là lời nguyện của ông Ray Hamley, cựu trung úy không lực hoàng gia Anh (RAF). Sự có mặt của ông nơi buổi lễ là dấu chỉ của một bước tiến hòa giải, hàn gắn những vết thương của thế chiến thứ hai.

Ngược dòng thời gian, đúng ngày 26-9-1944, trung úy Ram Hamley cùng với phi hành đoàn của chiếc B-25, thuộc không lực hoàng gia Anh, cất cánh từ phi trường Melsbroek (Bỉ quốc) và tiến về Tây Đức. Trung Úy Hamley - năm ấy vừa đúng 21 tuổi - nhận sứ vụ lệnh oanh tạc một khu kỹ nghệ sản xuất vũ khí đạn dược của quân Đức, nằm trong thành phố Kleve (Tây Đức), sát với biên giới Hòa Lan.

Cuộc oanh tạc đã hoàn toàn thành công. Khu kỹ nghệ bị phá hủy tan tành cùng với nhà ga và nhà thờ thành phố. Nhưng cùng lúc, cuộc oanh tạc đã phá đổ nhà cửa và hàng trăm dân lành thành phố Kleve phải thiệt mạng ..

Năm sau, 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, trung úy Ray Hamley rời quân ngũ, lập gia đình và chuyển sang nghề gõ đầu trẻ. Gia đình ông chuyển về sống tại Whitby, miền Bắc Anh quốc. Hamley vui với cuộc sống gia đình, nghề nghiệp và quên đi những tàn phá giết chóc của chiến tranh..

Mãi cho đến gần 40 năm sau, nhiều cơ hội tình cờ xảy ra, đưa trí nhớ của ông Hamley, trở về với những khủng khiếp của chiến tranh. Lương tâm ông bỗng bừng dậy, cắn rứt và dày vò. Sau cùng, ngày 24-8-1985, ông tự tay viết bức thư đầu tiên gửi đến thị trưởng thành phố Kleve. Trong thư, ông nhắc đến vụ oanh tạc của không lực hoàng gia Anh vào ngày 26-9-1944, trong đó nhà thờ của thành phố bị phá hủy. Ông cũng tự nhận mình là trung úy điều khiển cuộc ném bom. Và ông Hamley xin ông thị trưởng thành phố vui lòng chuyển bức thư của ông đến cha sở hiện tại của nhà thờ. Ông muốn xin dân thành Kleve tha thứ cho ông.

Ông thị trưởng chuyển bức thư cho linh mục Friedrich Leinung, cha sở nhà thờ. Ngày thành phố bị dội bom, cha Leinung lên 10 tuổi. Cha Leinung liền đọc bức thư tạ tội của ông Hamley trên tòa giảng, trong bốn Thánh Lễ Chúa Nhật liên tiếp. Và Cha nói với giáo dân:

- Nếu anh chị em sẵn sàng tha thứ cho ông cựu trung úy này, như chính ông ta xin, thì sau Thánh Lễ, mời anh chị em ký tên vào lá thư tôi đặt ở cuối nhà thờ.

Đã có hơn 500 người ký tên vào lá thư. Cha sở còn có sáng kiến đặt làm một cái bánh đặc biệt và gửi cho ông Hamley. Kèm với chiếc bánh là lá thư của cha sở. Cha viết:

- Là cộng đoàn tín hữu Công Giáo, chúng tôi nghĩ rằng, mình có thể nói thay cho người khác. Do đó, chúng tôi thật cảm phục vì thấy ông can đảm tự nhận mình là tác giả của cuộc oanh tạc. Chúng tôi xin gửi biếu ông chiếc bánh, như dấu hiệu hòa bình và đoàn kết, khi đối diện với quá khứ khủng khiếp thương đau. Tôi vui mừng đón tiếp ông, nếu ông có dịp đến thăm chúng tôi.

Hai năm sau, ông Ray Hamley quyết định đến viếng thành phố Kleve.

Chúa Nhật 10-8-1986, nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Kleve, đông nghẹt người. Nhiều tín hữu không cầm được nước mắt khi ông Ray Hamley tiến lên máy vi âm và đọc lời tạ tội với Chúa. Ông nói:

- Lạy Chúa, cách đây mấy chục năm, con đã làm cho nhân dân thành phố này phải chịu nhiều khốn khổ. Con tạ ơn Chúa đã dẫn đưa con đến chính nơi này, nơi mà giờ đây con tiếp nhận được rất nhiều tình nhân ái và huynh đệ, và nhất là, tìm lại được sự bình an cho tâm lòng ..

Sau lần viếng thăm đầu tiên ấy, ông Ray Hamley còn trở lại viếng thăm thành phố Kleve nhiều lần nữa, và đã tạo được mối dây thân ái, lập được việc kết nghĩa anh em giữa nhân dân hai thành phố Kleve của Tây Đức và Whitby của Anh quốc.

Đầu năm 1993, tổng thống Đức, ông Richard von Weizsacker viết cho ông Ray Hamley: ‘‘Ai trong chúng ta từng chịu cảnh chiến tranh, đều biết rằng, thật may mắn biết bao, khi những kẻ thù trước kia nay lại trở thành bạn hữu”.

(Reader's Digest SÉLECTION, Juillet/1993, trang 137-145).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN