VƯỢT THẮNG TÀN TẬT NHỜ TÌNH THƯƠNG
Christopher Burke, người Mỹ, bị bệnh ngớ ngẩn. Chàng làm việc trong trường học dành cho các trẻ em tàn tật. Điều đáng nói Christopher còn là tài tử đóng phim. Cuốn phim chàng đóng mang tên: “Life Goes On - Cuộc sống vẫn tiếp diễn”, khởi chiếu trên đài truyền hình ABC của Hoa Kỳ, ngày 12-9-1989. Nhưng để đạt tới cao điểm danh vọng này - cao điểm đối với một thanh niên tàn tật - Christopher đã phải thắng vượt rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về thành kiến của xã hội đối với những người tàn tật. May mắn cho Christopher vì chàng sinh ra trong gia đình tốt, cha mẹ và anh chị thật lòng thương yêu chàng, và nhất là, chàng có một quả tim vàng, trong một thể xác và tinh thần tàn tật.
Ông bà Marian và Frank Burke có tất cả 4 người con, 2 gái, 2 trai. Christopher là con út. 2 chị và anh của Christopher là những đứa trẻ khôi ngô, từng được chọn đóng các vai trong các màn quảng cáo trên truyền hình. Gia đình Burke tiếp nhận người con trai bị bệnh khờ khạo với trọn tấm lòng quảng đại. Hai chị gái Anne và Ellen thường cùng nhau dạy cho cậu em út biết đọc biết viết. Về phần Francis, anh kề Christopher, cậu bé có một đức kiên nhẫn tuyệt diệu, gần như anh hùng. Francis chơi với em hàng giờ, nhẫn nhục dạy em biết bơi, biết ném banh, biết đánh vũ cầu, biết chơi quần vợt. Mỗi khi đi chơi thể thao với bạn bè, Francis luôn đưa em theo và cho em tham dự vào các trò chơi của mình. Tất cả những cử chỉ săn sóc yêu thương trìu mến của cha mẹ và anh chị đã giúp cậu bé ngớ ngẩn Christopher từ từ tham dự vào cuộc sống gia đình và xã hội.
Năm lên 8 tuổi, Christopher tình cờ trông thấy hình ảnh anh chị từng đóng vai trong các màn quảng cáo trên truyền hình. Christopher sung sướng đến đỏ mặt, cậu vừa giơ tay chỉ các tấm hình, vừa ngọng ngịu nói: “Con muốn làm như vậy nè .. con muốn.. con cũng muốn ở trên truyền hình nữa!” Bà Marian nghe như lòng bị se thắt, không biết trả lời sao với con. Có nên nói sự thật cho con biết không? Sau cùng, bà nói: “Cưng à, mẹ không rõ là có vai nào dành cho con không”. Bà Marian thật lầm, bà không biết rằng, đứa con trai ngớ ngẩn của bà lại có một sức tự tin vững chắc. Cậu bé trả lời mẹ: “Để rồi xem, ai biết được!” Nhưng cũng chính từ giây phút đó, cậu bé không ngừng mơ ước trở thành tài tử đóng phim, xuất hiện trên truyền hình!
Năm 21 tuổi, Christopher Burker mãn bậc trung học. Chàng rời ghế nhà trường và tìm việc làm. Nhưng chàng chạm trán với sự thật phũ phàng: không ai muốn thuê chàng chính thức làm bất cứ việc gì.. Sau cùng, qua trung gian của chị gái Ellen, giờ đây đã lập gia đình và đã có con, Christopher được nhận vào làm việc trong một trường học dành cho các trẻ em tàn tật..
Và rồi điều Christopher hằng ước mơ đã xảy đến. Một ngày người ta tìm một người trẻ bị bệnh ngớ ngẩn để đóng một vai trong truyện phim “Life Goes On - Cuộc sống vẫn tiếp diễn”, trình bày những vui buồn, những khó khăn, những chiến đấu, ngày qua ngày, của một gia đình có đứa con bị bệnh khờ khạo. Christopher được giới thiệu và chàng nhận lời ngay. Chàng vui mừng hét lớn: “Phải rồi, đúng rồi, tôi sắp đóng phim!”
Sau khi nhận lời, nhiều vấn đề đặt ra. Người ta không rõ Christopher có thể thực hiện trọn vẹn các vai không. Chẳng hạn, trong một màn, chàng phải đóng vai một học sinh bị bệnh ngớ ngẩn, bị gọi đến văn phòng ông hiệu trưởng, cùng với vị giáo sư và cha mẹ, để trả lời những nghi vấn của ông hiệu trưởng. Nhất là, để minh oan cho mình, trước lời vu cáo là chép bài của người bên cạnh, chàng phải đọc thuộc lòng, trước mặt mọi người, một đoạn trong bài thơ “Con quạ” của văn sĩ nổi tiếng người Mỹ, ông Edgar Allan Poe (1809-1849). Chàng Christopher khờ khạo có thể đóng trọn được vai này chăng, hay là phải nhờ người nhắc? .. Nhưng Christopher thật tự tin. Chàng quyết định học thuộc lòng đoản thơ, và chàng đã thành công vẻ vang.
Khi khởi chiếu truyện phim “Cuộc sống vẫn tiếp diễn”, hết mọi khán thính giả của đài truyền hình ABC đã thật cảm động theo dõi câu chuyện và nhiệt liệt khen ngợi chàng ngớ ngẩn Christopher đã đóng phim thật tài tình!
Thế nhưng chàng Christopher không lấy thành công trên đây làm vinh dự riêng cho mình. Chàng dùng thành công để lôi kéo sự chú ý của quần chúng đối với số phận những người tàn tật. Chàng cũng khuyến khích, nâng đỡ tinh thần người những người không may bị tàn tật, hoặc thể xác, hoặc tinh thần.. Giờ đây, chàng hăng say sống cho người khác vì người khác và quên đi nỗi bất hạnh của riêng mình ..
(Reader's Digest SÉLECTION, Octobre 1992, trang 61-66).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN