CHA PAUL DEVILLARD VÀ CÁC TÙ NHÂN PARIS


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Các tù nhân mong đợi nơi vị Linh Mục Công Giáo, hoặc người viếng thăm, tâm tình cảm thông sâu xa. Đây là tâm tình người tù thường không tìm được nơi người thân trong gia đình. Đôi lúc người tù cũng nhờ vị Linh Mục làm trung gian liên lạc với gia đình, với Cha Mẹ và với vợ con. Thỉnh thoảng người tù nhờ vị Linh Mục liên lạc hoặc thương lượng với vị luật sư hoặc với ông giám đốc nhà giam, để tìm ra những dữ kiện thuận lợi làm giảm thời gian giam cầm của họ. Sau đây là chứng từ của Cha Paul Devillard, Linh Mục dòng Tên, về những đau khổ mà Cha chứng kiến nơi nhà tù Cha thăm viếng.

Nơi nhà tù, đặc biệt là nơi các nhà tù lớn, nỗi đau khổ tinh thần thật lớn lao, khó mà diễn tả cho cùng. Trước hết là sự chung đụng hỗn tạp giữa đủ mọi thứ người và sự cắt đứt liên lạc với gia đình, với thế giới bên ngoài. Điều duy nhất được bảo đảm là trật tự và kỷ luật trong nhàn rỗi và trong nhục nhã. Do đó thường nẩy sinh trong lòng các tù nhân mối hận thù. Một tù nhân nói với tôi: “Con rất khổ sở khi sống trong tù”. Một người khác thổ lộ: “Trong nhà giam, con luôn luôn bị lạnh, lạnh thể xác và lạnh tinh thần”. Một người nữa tỏ bày: “Mặc dầu chúng con sống 3 người trong cùng phòng giam, con vẫn cảm thấy cô đơn kinh khủng”. Một tù nhân khác tâm sự: ‘Điều khó khăn nhất đối với con là phòng giam quá chật chội, khiến con luôn có cảm tưởng mình bị trói chặt, không làm được việc gì cho ra hồn, hay ít ra là để qua giờ”.

Ngoài cái khổ bị tống giam vì các lỗi lầm phạm ngoài xã hội, người tù còn nhận thêm các hình phạt đến từ chính các người cai tù, canh ngục. Một hôm tôi chứng kiến tận mắt cảnh một viên cai tù thật trẻ, hất nhẹ vào người tù ngoại quốc bằng cử chỉ khinh bỉ. Người tù tức khắc phản ứng, bằng lời nói tỏ lộ vẽ ngạc nhiên, nhưng cứng rắn. Liền sau đó, viên cai tù ghi điểm xấu trong báo cáo của người tù, và người tù đã phải lãnh chịu hình phạt phải đền trong vòng mấy ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là một nỗi khổ nhỏ, so với hai nỗi khổ lớn lao hơn.

Cách đây không lâu, tù nhân 24 tuổi, được phép đặc biệt về viếng xác bào huynh, qua đời vì bệnh sưng màng óc. Dĩ nhiên là có 4 người lính đi kèm và với đôi tay bị còng. Bước vào nhà, trước xác chết của người anh, có đủ mặt người thân trong gia đình đang khóc thương người quá cố, anh tù nhân trẻ tuổi với đôi tay bị còng, có 4 người lính hộ tống, không biết mình mang bộ mặt nào? Thật là đau khổ khủng khiếp, tột cùng! Anh không bao giờ quên được hình ảnh đau thương này.

Một tù nhân khác cũng được phép đặc biệt tương tự. Anh ta có người em gái vừa bị tai nạn thập tử nhất sinh. Nhưng anh là tù nhân dài hạn, sắp đến ngày ra khỏi tù. Cũng với đôi tay bị còng và có lính hộ tống, anh được dẫn đến bên giường người em đang hấp hối. Anh kể lại với tôi: “Bên giường người em gái bị tai nạn, con là người anh, với đôi tay bị còng, bên cạnh là 4 người lính, lần đầu tiên, mối hận thù xâm chiếm lòng con. Đây là vết thương khác ghi đậm thêm trong cuộc đời giam cầm khốn khổ của con”.

Trước nỗi khổ tinh thần của các tù nhân, Cha Paul Devillard luôn tìm đủ mọi cách để thoa nhẹ. Cha liên lạc, đối thoại và thương lượng với ban giám đốc nhà tù, các nhân viên canh ngục, làm thế nào để các tù nhân được kính trọng, được đối xử trong công bằng, với những hình phạt hợp lý. Một kinh nghiệm, một bài học Cha tiếp nhận qua cuộc viếng thăm các tù nhân, đó là sức mạnh tinh thần của các tù nhân. Mỗi tù nhân đều biểu lộ nỗi khao khát được chấp nhận mình hiện hữu thật sự và được kính trọng, được cư xử như người, chứ không phải như những con số.

“Lạy Thiên Chúa là Cha và là Chúa Tể đời con, xin đừng để mặc con chiều theo sở thích của môi miệng, đừng để nó làm con vấp ngã. Tư tưởng con, ai sẽ lấy roi sửa trị, tâm can con, ai sẽ dùng khôn ngoan dạy dỗ, để đừng dung thứ những lầm lỗi của con, cũng đừng làm ngơ trước tội con đã phạm? Bằng không, lỗi lầm của con cứ gia tăng mãi, tội lỗi của con chồng chất thêm nhiều, con sẽ quỵ ngã trước mặt đối phương và kẻ thù con đắc chí nhạo cười. Lạy Chúa là Cha và là Thiên Chúa của đời con, xin đừng để mắt con trâng tráo, xin đẩy dục vọng xa khỏi con, xin chớ để thói ăn chơi trụy lạc thống trị con, đừng để con đắm chìm trong những dục vọng trơ trẽn” (Huấn Ca 22,1-6).

(“CHRISTUS”, 10/1990, trang 492-501).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN