CÂY THÁNH GIÁ BÁN ĐẤU GIÁ


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


.. Sổ tử thành phố Paris, thủ đô nước Pháp, ghi:
"Ông Gustave Busset, qua đời ngày 18.4.1834". Người quá cố không có con cái, nhưng để lại một số gia sản đáng giá. Đám tang ông, chỉ có vài bà con xa đến tham dự. Ngay tại nghĩa trang, họ bắt đầu tranh dành gia tài ông Busset. Sau cùng, họ quyết định bán đấu giá tất cả đồ đạc người quá cố, lấy tiền chia đều nhau.

Ngày bán đấu giá, nhiều người cùng khu phố với ông Gustave Busset, kéo nhau đến mua đồ, trong đó có chàng họa sĩ trẻ tên Pierre Piront. Pierre rất nghèo. Anh chỉ có một tấm nệm rơm để ngủ. Từ lâu anh vẫn mơ ước một chiếc giường êm, nên để dành được 100 quan. Hôm nay dịp may đã đến. Anh mua chiếc giường của ông Gustave với giá 75 quan. Như vậy anh vẫn còn lại được 25 quan. Khi anh lên nhận chiếc giường thì cùng lúc ấy, ủy viên bán đấu giá cúi xuống đất, nhặt lên một cây Thánh Giá nặng, bám đầy bụi đất dơ bẩn. Với giọng khàn khàn ông cất tiếng la to: - "Ai trả bao nhiêu để mua vật này?".
Trong phòng im lặng như tờ. Bỗng vang lên một tiếng nói chế nhạo:
- "Không trả xu nào hết!".
Mọi người cùng cười rộ, như ngầm đồng ý với tiếng nói.
Chàng họa sĩ trẻ Pierre Piront cảm thấy kinh ngạc trước thái độ vô thần hỗn xược của những người đồng hương. Bằng giọng run run vì cảm động, chàng nói:
- "Tôi xin trả 25 quan. Rất tiếc tôi chỉ có thế. Nếu tôi có nhiều tiền, hẳn tôi sẽ trả với giá cao hơn".
Trước lời lẽ can đảm, đám đông lại ào ào chế nhạo. Một người đàn bà cao tuổi, chỉ ngón tay vào Pierre và nói:
- "Nó là một tên ngu đần nhất trong tất cả các tên ngu đần!".. Tức khắc, mọi người trong phòng cùng la lớn:
- "Hoan hô bà già nói đúng!"..
Tiếp tục thủ tục đấu giá, ủy viên đứng bán gõ nhịp nói:
- "25 quan cho giá đầu tiên.. giá thứ hai.. giá thứ ba.. Chấm dứt!". Không một ai đấu giá, thế là cây Thánh Giá thuộc về tay Pierre Piront với giá 25 quan. Anh cảm động tiến lên nhận cây Thánh Giá với trọn lòng kính cẩn yêu mến. Xong, anh ôm cây Thánh Giá rời phòng, trước các cặp mắt và lời nói chế diễu của những người hiện diện.

Về đến nhà, việc làm đầu tiên là Pierre vội vàng chùi rửa cây Thánh Giá. Vừa lau, anh vừa âu yếm chuyện vản với Chúa Giêsu, Đấng bị xúc phạm.. Nhưng Pierre ngạc nhiên biết bao, khi vừa lau chùi xong, anh khám phá một tên được khắc bên dưới chân Thánh Giá. Với kính lúp, anh đọc thấy: "BENVENUTO CELLINI". Đây là tên của một thợ kim hoàn nổi tiếng người Ý. Lòng tràn đầy niềm vui, anh tiếp tục lau chùi thật kỹ lưỡng. Càng lau, càng chùi, anh càng khám phá ra rằng, cây Thánh Giá và tượng Chúa Giêsu bằng vàng ròng. Pierre không còn bình tĩnh được nữa. Anh lấy khăn bọc kỹ cây Thánh Giá rồi chạy như bay tới tiệm kim hoàn gần đó. Anh nhờ người chủ tiệm đánh giá cho phẩm vật. Sau khi xem xét cẩn thận, ông chủ tiệm đánh giá toàn cây Thánh Giá: 60 ngàn đồng vàng!. Cùng lúc, ông cũng xin chàng họa sĩ trẻ tuổi cho phép ông đăng tải trên báo chí khám phá bất ngờ, độc nhất vô nhị.

Câu chuyện đến tai vua Louis-Philippe (1773-1850). Nhà vua cho gọi Pierre Piront đến và ca ngợi lòng dũng cảm, dám tuyên xưng đức tin của chàng. Nhà vua cũng cho mở một cuộc điều tra, để biết tại sao cây Thánh Giá quý báu này lại lọt vào tay cụ già Gustave Busset.. Qua cuộc điều tra, người ta được biết: "Vào năm 1531, vua Francois I nhờ nhà kim hoàn Benvenuto Cellini làm cây Thánh Giá bằng vàng ròng. Sau đó, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo được trưng bày tại điện Versailles. Khi cuộc cách mạng Pháp 1789 xảy ra, dân chúng tràn vào cướp phá của cải, vật dụng trong điện Versailles. Có lẽ cây Thánh Giá bị ăn cắp và bị bán đi với giá thật rẻ".

Sau cuộc điều tra, vua Louis-Philippe mua lại cây Thánh Giá với giá 60 ngàn đồng vàng và truyền gọi Pierre Piront vào làm việc trong hoàng cung. Nhờ cơ may, Pierre được dịp trau dồi, phát triển và tận dụng mọi khả năng nghệ thuật của mình. Và để ghi nhớ biến cố ấy, chàng đã vẽ bức họa mang tên: "Cây Thánh Giá bán đấu giá". Bức họa là một tuyệt tác, đã tháp tùng chàng suốt trong cuộc đời, và an ủi chàng ở giây phút cuối đời.

(Albert Pfleger, "FIORETTI DE LA VIERGE MARIE", Mambré Editeur, Paris 1992, trang 79-81).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN