CẦU NGUYỆN TRONG CUỘC SỐNG
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
.. Phương tiện di chuyển công cộng dành cho người dân Roma, thủ đô nước Ý là xe Bus. Vào những giờ bắt đầu làm việc, giờ học và giờ tan sở, tan trường thì xe Bus đông nghẹt hành khách, chen chúc nhau không một chỗ hở. Thật là bực bội khó chịu và mệt mỏi.. Chính trong khung cảnh này mà một nữ tín hữu Công Giáo tìm được một phương thế tuyệt hảo để sống kết hợp với Chúa và với anh chị em đồng loại. Tín hữu tên Têrêxa. Buổi sáng mùa đông trời thật lạnh, tôi bước nhanh đến trạm Bus và đứng chờ xe. Chúng tôi gặp lại những khuôn mặt quen thuộc vào mỗi sáng. Nếu có người nào vắng mặt chúng tôi hỏi nhau: “Chắc cô ta bị đau rồi”, hay “gia đình có chuyện gì”, hoặc “cô ta ngủ quên chăng?”.. Đợi một lúc thì xe đến. Chúng tôi bước nhanh lên xe. Thường thì ở quãng đường đầu tiên này, chưa có nhiều xe nên xe Bus chạy nhanh. Chúng tôi ít trò chuyện với nhau. Người thì đọc báo, kẻ thì ngủ gật. Một vài phụ nữ lớn tuổi mở đồ ra đan.. Riêng tôi, tôi lợi dụng sự im lặng hiếm có trong chuyến xe đò đầu tiên, để cầu nguyện. Tôi thân thưa với Chúa trong tâm tình của một người con nói chuyện với Cha mình. Tôi cũng nhớ lại những lời Chúa trong Kinh Thánh, đánh động lòng tôi nhất.
Xe Bus đến nhà ga xe lửa chính của thành phố Roma. Mọi người vội vả xuống xe, tản mác tứ phía, để lấy chuyến xe khác, đi tiếp con đường còn lại. Tôi cũng nhanh chân để lấy kịp chuyến xe thứ hai, đưa đến sở làm việc. Đây là lúc phải tranh thủ thời gian. Vì nếu rủi ro lỡ chuyến này, tôi bị bắt buộc phải đợi rất lâu, và như thế là tôi đến sở trễ giờ làm việc. Tại nhà ga, điểm gặp gỡ của rất nhiều chuyến xe Bus đi vào thành phố hoặc ra khỏi thành phố, nên người qua kẻ lại và xe cộ chạy như mắc cưởi. Ngay ở trạm đầu mà xe Bus đã chặt cứng. Nhiều bà mẹ mang theo con thơ phải khó khăn lắm mới tìm được một chỗ có chút ít thoải mái. Mọi người trong Bus ồn ào nói chuyện. Các ông thường bàn chuyện chính trị thời sự, các trận bóng đá, bầu cử v.v..
Nhưng cũng chính trong cái ồn ào hỗn độn của sóng người, chen lẫn đủ mọi thứ khuôn mặt, lớp tuổi, giai cấp và phái tính đó mà tôi tiếp tục cuộc sống hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại. Tôi không tự mình tách ra khỏi đám đông, hờ hững bàng quang đứng nhìn thiên hạ bôn ba lo lắng với cặp mắt dửng dưng xa lạ. Trái lại, khi theo dõi câu chuyện trao đổi của những người bên cạnh, tôi đoán biết hoàn cảnh gia đình và nơi làm việc của họ. Tôi thông cảm với những âu lo, nỗi sầu, cũng như chia sẻ niềm vui của họ. Tâm tình này hướng lòng tôi về với Chúa, tôi thưa chuyện với Chúa về họ..
Rồi khi một ngày trôi qua, tôi lại vội vã chạy bay ra khỏi sở để lấy kịp chuyến Bus sẽ khởi hành 5 phút sau đó. Chỉ 5 phút dành cho con đường từ sở ra trạm Bus, nếu không thì tôi bị bắt buộc phải đợi đến 45 phút nữa mới có thể lấy được chuyến Bus tiếp theo. Và chuyến Bus về này còn thê thảm gấp mười lần chuyến Bus buổi sáng. Nghĩa là đông nghẹt người, đến nỗi nhiều khi chiếc Bus đành bỏ bạn đứng đó đợi, mà không thể mở cửa đón bạn, vì không còn chỗ nữa. Và đường thì đầy xe, khiến chiếc xe Bus to lớn cồng kềnh phải nhích từng thước một. Vậy là hành khách phải đứng trên Bus có khi hơn cả tiếng đồng hồ. Tuy mọi người mệt mỏi, nhưng cũng náo động ồn ào. Những người quen nhau kể cho nhau nghe những mẩu chuyện trong ngày, những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp. Có người than thở về những khó khăn rắc rối đụng độ với ông xếp trong sở làm việc. Và thế là lời cầu nguyện của tôi lại mang một sắc thái khác. Đó là những tiếng kêu khẩn khoản tha thiết dâng lên Chúa, sau một ngày làm việc mệt nhọc vất vả. Cùng lúc là lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa Nhân lành. Cám ơn về những hồng ân nhận lãnh trong một ngày qua. Mỗi khuôn mặt của những người đồng hành trong chuyến xe Bus ban chiều là một chủ đề giúp tôi suy tư về cuộc sống và hướng lòng tôi về với Thiên Chúa.
Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng tìm được những đề tài giúp lòng tôi hướng về cùng Thiên Chúa. Đôi khi những giờ dài đằng đẵng trôi qua trên Bus khiến tôi bực bội khó chịu. Nhưng tôi luôn cố gắng thầm nhủ: Phải sống trong giây phút hiện tại. Phải chấp nhận hiện tại và lợi dụng mọi giây phút hiện tại để làm cho nhân cách được phong phú và tâm hồn được tìm thấy an bình trong tình thương của Chúa.
... Monique làm việc trong một hãng đóng cá hộp. Nhiệm vụ của nàng là cắt cá. Chính nàng nói lên tâm tình sống kết hiệp mật thiết với Chúa qua những tác động tầm thường nhất của một bà “xẻ cá”.
Chúng tôi là những phụ nữ làm việc trong khu vực “xẻ cá”. Đây là một hành lang dài 50 mét. Ở một đầu hành lang này là những cái máy khổng lồ, có nhiệm vụ cắt cá làm đôi, rút ra xương chính ở giữa, lột da cá, rồi chuyển sang cho chúng tôi. Chúng tôi có nhiệm vụ bổ túc việc làm của máy móc, nghĩa là cắt bỏ những phần phải cắt bỏ, rồi chuyển thịt cá đến những máy có nhiệm vụ phân chia và đóng thành hộp.
Hôm nay chúng tôi làm việc với cá thu. Những miếng cá thu tươi ngon đang lần lượt tiến về phía chúng tôi. Chúng tôi mỗi người với con dao thật bén, sẵn sàng ra tay cắt xén, khi miếng cá thu tiến đến trước mặt. Ai nấy đều chăm chú với công việc, một phần vì chúng tôi được trả lương theo số lượng cá cắt được, từng êquíp một, đàng khác, chúng tôi cũng phải cẩn thận để chỉ cắt cá chứ không cắt tay mình! Miếng cá thu tiến đến, tôi dùng tay trái để nắm giữ, và dùng tay phải với con dao để cắt phần xương cá bên bụng còn sót lại, và phân chia xương cá và thịt cá ra đi bằng hai nẻo đường khác nhau. Việc này tôi chỉ hoàn thành trong vài giây, và cứ thế tiếp tục đến miếng cá khác, rồi miếng cá khác nữa ..
Đang chăm chú cắt cá lọc xương thì chị bạn đứng cách tôi 70 phân, vì vội tay và vô ý, đã làm tung nước lên đầy mặt tôi. Thật là khó chịu. Tuy nhiên, hình ảnh nữ thánh Têrêxa Hài Đồng GIÊSU xuất hiện trong tâm trí. Tôi nhớ lại câu chuyện nữ thánh tự thuật trong cuốn “Một Tâm Hồn”. Nơi nhà giặt, chị thánh đứng giặt bên cạnh một nữ tu khác. Chị này vô tình vô ý, cứ làm tung toé nước giặt lên mặt thánh nữ. Chị thánh đã không tránh né, hoặc ra hiệu cho chị kia phải để ý hơn, trái lại chị còn tỏ ra vui thích vì được dịp tập nhân đức nhịn nhục.. Thật là tuyệt diệu! Nghĩ thế rồi, tôi mĩm cười ngước mặt nhìn sang chị bạn bên cạnh. Chị ta cũng vui vẻ đáp lại nụ cười của tôi. Thế là tai nạn được kết thúc trong êm đẹp..
Trong giờ làm việc, vì tiếng động điếc tai nhức óc của những chiếc máy gần đó, nên chúng tôi thường giữ thinh lặng. Mỗi người chăm chú với công việc của mình, sao cho đạt được mức sản xuất tốt. Nhưng rồi đến giờ nghỉ để ăn trưa, chúng tôi cũng thường giữ thinh lặng. Phần vì mệt mỏi, phần vì thời giờ eo hẹp, nên im lặng quả là vàng! Riêng tôi, sự thinh lặng này giúp tôi nghỉ ngơi và nhất là giúp lòng tôi dễ dàng hướng về Chúa. Tôi nghĩ đến Chúa và cầu nguyện với Chúa. Tôi nói với Chúa về chị bạn mỗi ngày vẫn đứng làm việc cạnh tôi..
Giờ nghỉ chấm dứt, chúng tôi lại bắt tay vào việc. Lại những động tác ban sáng: cầm cá, cắt cá, lóc xương, rồi chuyển thịt cá đến những chiếc máy lớn ở cuối hành lang dài. Đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và chán ngán với công việc đều đều. Nhưng nhất là tôi cảm thấy mệt mỏi vì phải theo đúng nhịp điệu làm việc của các người khác, vì tiền lương của chúng tôi tùy thuộc vào mức độ làm việc nhanh chóng của tất cả “êquíp”. Những lúc này, tôi thường thích lập đi lập lại lời nguyện tắt: “Lạy Chúa GIÊSU, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi”. Hoặc tôi thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa GIÊSU, xin tăng thêm đức tin cho chúng con”. Hoặc một lời nguyện khác như sau: “Lạy Chúa GIÊSU, con thuộc về Chúa”.
Tận nơi sâu thẳm tâm hồn, tôi bằng lòng với công việc cắt cá, lọc xương mỗi ngày, vì nó là lương thực hàng ngày cho tôi và cho cả gia đình tôi. Và công việc không đến nỗi nặng nhọc cho lắm. Tất cả các động tác thật giản dị. Và điều quan trọng là tôi có thể vừa làm việc vừa cầu nguyện. Vừa làm việc vừa nghĩ đến Chúa và trao đổi những cái nhìn thân tình với những chị bạn đồng nghiệp của tôi.
... “Con chỉ xin Chúa hai điều, xin Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt. Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có. Chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng. Kẻo được quá đầy dư con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Thiên Chúa là ai vậy?' Hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Sách Châm Ngôn 30,7-9).
(Charles Lepetit, “MES AMIS LES PAUVRES”, Nouvelle Cité, Paris 1984, trang 76-79 + 118-121).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN