CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRUNG HOA
Chúa Nhật 1-10-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh. Các Vị đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907). Trong số 120 vị có 87 vị người Hoa (gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân). 33 vị tử đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu (gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ). 86 trong số 120 vị Tử Đạo chịu chết vào năm 1900. Năm 1900 mở ra một trang sử hãi hùng cho Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các làng mạc Công Giáo bị bọn giặc Quyền-Phỉ (boxer) hay cũng còn gọi là phiến quân Nghĩa-Hòa-Đoàn nổi lên đốt phá. Các tín hữu Công Giáo bị tàn sát. Xin giới thiệu vài vị Thánh Trung Hoa chịu chết vì Đạo trong năm 1900. ‘‘Từ 9 thế hệ qua, dòng họ chúng tôi là tín hữu Công Giáo!”
Trên đường đi đến nơi bị hành quyết, một chú bé ngồi cạnh ông Nội. Bé ngước nhìn Nội và hỏi:
- Nội à, người ta đưa mình đi đâu vậy?
Ông lão chỉ tay lên Trời và đáp:
- Chúng ta trở về nhà, cháu ạ!Đó là lời đối đáp giữa hai ông cháu, chú bé Francesco 6 tuổi và cụ già Marcô Bùi Thiên Tường, tín hữu Công Giáo nhiệt thành, 70 tuổi.
Cụ bị bắt cùng với gia đình gồm tất cả 12 người. Ngoài cụ ra còn có: con dâu trưởng và ba cháu nội, tiếp đến là vợ chồng người con trai thứ và ba cháu nội, và hai người Công Giáo khác nữa.
Khi nghe tin gia đình cụ Bùi bị bắt, người ngoại giáo quý mến cụ vội chạy đến và muốn cứu cụ khỏi tay bọn giặc Quyền Phỉ. Biết không thể thuyết phục cụ bỏ đạo, họ quay sang nhỏ to dụ dỗ con trai thứ. Nhưng cụ Bùi vẫn để tai nghe và liếc mắt nhìn về nhóm ấy. Thấy vậy con trai thứ lớn tiếng thưa:
- Cha à, mình phải làm sao đây?
Cụ Bùi trả lời bằng giọng oai nghiêm và cứng rắn:
- Con à, không được chối Đạo. Hãy ngước mắt lên cao. Cửa Trời đang rộng mở đón chúng ta. Thà chết chứ không thà chối Đạo!
Anh quay sang nói với mọi người đang đứng đó:
- Bởi vì Cha tôi không chối Đạo nên tôi cũng không chối Đạo!Tuy nhiên cụ Bùi vốn là người liêm chính và rất tốt với mọi người, nên dân làng quyết tâm cứu sống gia đình cụ. Họ tìm đủ mọi cách. Nhưng cụ Bùi vẫn kiên vững như đá. Cụ chỉ luôn luôn lập lại một câu nói:
- Từ 9 thế hệ qua dòng họ chúng tôi là Công Giáo. Chúng tôi không thể chối Đạo!,p> Thấy không thể thuyết phục cụ cùng toàn gia đình, bọn giặc nhất định giết chết mọi người.
Nhiều người lương van xin bọn lính giao cho họ các em nhỏ, đừng giết chúng tội nghiệp. Bọn lính bằng lòng. Nhưng cụ Bùi nói:
- Không! Không được! Con cháu tôi là Công Giáo như tôi, chúng sẽ chết vì Đạo như tôi!
Trên đường đi đến nơi xử, cụ Bùi lớn tiếng bắt kinh và mọi người rập tiếng đọc theo cụ. Khi đến nơi, cụ nói với bọn lính:
- Mấy anh giết cháu và con tôi trước. Sau cùng đến lượt tôi.
Rồi cụ quay sang nói với con cháu:
- Các con đừng sợ. Cửa Trời đang rộng mở trước mắt chúng ta. THIÊN CHÚA đang chờ đón chúng ta. Chỉ trong giây lát tất cả chúng ta sẽ lên Trời!Khi thấy bọn lính sửa soạn gươm giáo chuẩn bị cuộc hành quyết, cụ lớn tiếng ra lệnh:
- Các con nhắm mắt lại. Một chút nữa các con sẽ mở mắt ra để nhìn thấy ánh sáng của Trời Cao!Mọi người can đảm và lần lượt ngã gục dưới lưỡi gươm ác nghiệt của bọn lính. Một người lương đứng đó cố gắng nói với cụ Bùi lần cuối:
- Cụ chối Đạo đi sẽ được sống!
Cụ Bùi chỉ yên lặng không đáp lại lời nào. Cụ mĩm cười và nghiêng đầu giơ cổ cho bọn lính chém. Cụ ngã gục cuối cùng, sau khi chứng kiến cái chết anh dũng của từng người con, người cháu trong gia đình cụ.
‘‘Tôi đã đính hôn rồi!”
Tên đội trưởng nói với nhóm nữ tín hữu Công Giáo bị bắt ngồi trước mặt:
- Hoàng đế nước ta cấm theo Đạo Công Giáo. Vậy hãy bỏ Đạo đi sẽ được sống, bằng không sẽ bị giết chết. Hãy suy nghĩ cho kỹ! Các bà không phải làm chi hết. Ai muốn bỏ Đạo thì đứng lên rời khỏi phòng bằng cánh cửa nằm ở hướng tây.
Nói xong tên đội trưởng quay lưng bỏ đi. Tức khắc, một giọng nói trong trẻo vang lên:
- Tất cả chúng ta cùng ngồi yên trong phòng này. Chúng ta là tín hữu Công Giáo. Cửa Trời đang mở rộng chờ đón chúng ta!
Đó là câu nói của thánh nữ Anna Vương, trinh nữ vừa bước vào lứa tuổi 14. 14 tuổi nhưng Anna Vương trông rất đoan trang, già dặn, bởi phải làm việc vất vả vì mẹ mất sớm. 14 tuổi nhưng Anna Vương sớm hiểu rõ giá trị cao quý của đức trinh khiết nên đã tự hứa giữ mình đồng trinh đến trọn đời.
Nhưng rồi biến cố quan trọng xảy đến. Ngày 21-7-1900, Anna Vương bị bắt cùng với bà nội, mẹ kế, 4 người đàn bà khác và 3 đứa trẻ.
Vì nhát đảm, bà nội và mẹ kế đã chối Đạo. Còn lại Anna Vương cùng 4 người đàn bà đạo đức và ba đứa trẻ. Anna Vương trở thành linh hồn của nhóm. Cô khuyến khích mọi người kiên vững trung tín với Đức Tin Công Giáo đến cùng. Khi bọn lính đưa nhóm đến trước một hố sâu, chuẩn bị cho giờ hành quyết, Anna Vương nói lớn như ra lệnh cho bọn lính:
- Trước khi giết chúng tôi, xin đợi chúng tôi giây lát!
Nói rồi, Anna Vương quỳ xuống và bắt đầu xướng kinh, giọng đọc thành khẩn và sốt sắng. Không ai biết nhóm tín hữu đọc những kinh gì. Vì các nhân chứng đều là lính Quyền Phỉ. Sau đó họ mới theo Đạo Công Giáo.
Bọn lính lần lượt giết từng người rồi đẩy xác xuống hố. Còn lại mình Anna Vương. Cô im lặng quỳ gối cầu nguyện đợi đến lượt mình. Khuôn mặt rạng rỡ và trong sáng của Anna Vương lôi kéo cảm tình và sự chú ý của mọi người hiện diện. Bọn lính như do dự trước nạn nhân cuối cùng. Chúng bàn luận với nhau để tha chết cho cô. Nhưng theo lệnh hoàng đế, một tín hữu Công Giáo chỉ được phép sống, nếu tín hữu đó bằng lòng chối Đạo. Tên đội trưởng liền hỏi Anna Vương:
- Em có bằng lòng chối Đạo không?
Nhưng Anna Vương vẫn đắm chìm trong kinh nguyện. Thấy thế, tên đội trưởng dùng ngón tay chạm nhẹ vào trán, kéo sự chú ý của Vương. Vương liền bừng tỉnh, đứng phắt dậy, lùi ra một bước, và nói bằng giọng cứng rắn:
- Đừng chạm đến tôi!
Sau đó cô nói tiếp bằng giọng thật êm ái dịu dàng:- Tôi là tín hữu Công Giáo. Tôi không muốn chối Đạo. Tôi thà chết chứ không thà chối bỏ THIÊN CHÚA.
Viên đội trưởng vẫn chưa buông tha. Ông dụ dỗ thêm:
- Nếu em chối Đạo, tôi sẽ cưới em làm vợ và em sẽ sống hạnh phúc!
Anna Vương cương quyết trả lời:
- Tôi không chối Đạo. Vả lại tôi đã có hôn phu rồi!Bọn lính tuốt gươm chém đứt đầu thánh nữ Anna Vương khi gương mặt cô rạng rỡ và miệng cô không ngừng kêu: ‘‘ Lạy Đức Chúa GIÊSU! Lạy Đức Chúa GIÊSU!”
‘‘Lạy Chúa, xin gìn giữ bảo vệ con”
Thánh Phaolo Lưu Tấn Đức, 79 tuổi. Năm 1900 cụ là ông trùm họ đạo. Gia đình cụ rất nghèo. Tuy nhiên, cụ nghèo tiền của nhưng không nghèo Đức Tin và nhân đức .. Cụ siêng năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích. Khi họ đạo cụ ở không có Thánh Lễ vì thiếu Linh Mục, cụ Lưu lặn lội đi tới họ đạo khác để tham dự Thánh Lễ. Nhiều khi cụ phải đi bộ thật xa mới tới được nơi có Thánh Lễ.
Bản tính cụ Lưu cương trực và hiền hòa nên cụ được mọi người quý mến, lương cũng như giáo. Lợi dụng lợi điểm này, cụ Lưu thường lấy lời lành khuyên nhủ các tín hữu Công Giáo nguội lạnh, trở về với lòng đạo đức, hoặc cắt nghĩa giáo lý Công Giáo cho người lương.
Khi loạn Quyền Phỉ nổi lên, người Công Giáo trong làng bồng bế nhau chạy trốn sang làng khác, nhưng cụ già Lưu nhất định ở lại. Cụ nói:
- Nếu bọn lính tới, tôi sẽ được phúc tử đạo. Tôi không sợ chết vì Đức Tin, chỉ sợ không được phúc lãnh nhận ơn huệ này thôi!
Người con cả không an tâm nên ở lại nhà với thân phụ. Từ đó dân làng thấy cụ tay cầm sách nguyện, tay cầm tràng chuỗi Mân Côi. Cụ mặc áo mới trắng tinh. Cụ Lưu giải thích:
- Bọn giặc có thể bất thình lình xuất hiện, nên lão phải luôn sẵn sàng để đón nhận cái chết vì Đức Tin.
Cụ Lưu cũng phân phát tiền của cụ có cho các trẻ em trong làng. Cụ bảo chúng mua trái cây ăn, như thầm bảo chúng cùng tham dự vào ngày vui trọng đại của cụ sắp tới.Ngày 13-7-1900 lính Quyền Phỉ đến thật. Bọn lính xông vào nhà cụ và bắt cụ ra. Cụ Lưu bình tĩnh bước ra khỏi nhà, dáng điệu thật uy nghiêm, tay cầm tràng hạt Mân Côi, tay cầm sách nguyện. Mấy tên lính cất tiếng hỏi:
- Ông có phải Công Giáo không?
Cụ Lưu nặng tai không nghe rõ câu hỏi, đến khi tên lính lập lại và cụ nghe được, cụ liền giơ bàn tay 5 ngón lên và nói:
- Đã từ 5 thế hệ qua, chúng tôi là tín hữu Công Giáo!
Tên lính nói lại:
- Bây giờ ông phải sửa đổi lỗi lầm của 5 thế hệ qua, bằng cách chối bỏ Đạo THIÊN CHÚA.Cụ Lưu lắc đầu nói KHÔNG. Mấy tên lính dữ tợn lôi cụ ra khoảng đất trống trước nhà. Thánh Phaolo Lưu Tấn Đức cất tiếng cầu khẩn:
- Lạy Chúa, xin thương che chở phù hộ con.
Nghe vậy, một tên lính tức giận quát lớn:
- Giờ phút này mà ông còn dám đọc kinh sao?
Nói rồi, hắn rút gươm và chém cụ chết ngay tức khắc.
‘‘Thưa ngài, xin ngài tin tôi, tôi là tín hữu Công Giáo!”
Thánh Trương Hoài Lộc trước là ngoại giáo. Năm 1900 khi bắt đầu học giáo lý để theo Đạo Công Giáo, ông Trương đã gần 60 tuổi. Tuổi cao cộng với trí nhớ kém cỏi khiến ông học trước quên sau. Bù lại ông rất khiêm tốn và hết lòng mộ mến Đạo Công Giáo. Ông thường ngồi lẫn vào đám trẻ trai Công Giáo, khi chúng đọc và hát kinh. Đám trẻ đọc làu làu các kinh nguyện. Ông Trương thì thầm đọc theo, chỗ nào dễ mà thuộc, ông lại cất cao giọng đọc lớn tiếng.
Mọi người chế nhạo ông. Nhưng ông Trương không nản chí và không lùi bước trước vận mệnh cao quý ông đã chọn lựa. Ông thường phân bua:
- Điều quan trọng là tôi thật lòng mến yêu THIÊN CHÚA và anh chị em sẽ thấy rằng, chính Ngài sẽ ra tay cứu độ tôi, mặc dầu tôi không thuộc kinh và không rành giáo lý Công Giáo.
Ngày 1-7-1900, nơi làng Công Giáo ông Trương trú ngụ, tràn ngập bọn giặc Quyền Phỉ. Chúng không buộc tín hữu Công Giáo chối Đạo, nhưng đòi mọi người nộp tiền. Ông Trương nộp y số tiền như các người công giáo khác và giải thích:
- Tôi chưa phải là Công Giáo nhưng thật ra tôi cũng là người Công Giáo.
Sau khi thu tiền bọn giặc bỏ đi. Mọi người thở phào mừng rỡ. Nào ngờ hơn một tuần sau bọn lính trở lại. Lần này chẳng những họ đòi tiền mà còn buộc tín hữu Công Giáo phải chọn lựa: hoặc chối Đạo hoặc phải chết.
Ông Trương tự đứng vào hàng ngũ các người Công Giáo cùng làng. Thấy vậy, nhiều người lương muốn cứu ông. Họ nói với bọn lính:
- Ông này chưa được rửa tội. Ông ta không phải Công Giáo. Đừng bắt ông ta. Một tín hữu Công Giáo cũng giải thích thêm với bọn lính:
- Ông ta chưa biết đọc kinh mà, bắt ông làm gì!Nghe người Công Giáo nói ông Trương đỏ mặt vì xấu hổ. Nhưng ông không nản lòng. Ông còn một chút hy vọng. Ông chắp tay nói gần như khẩn khoản van xin bọn lính:
- Thưa quý ông, xin quý ông tin lời tôi. Tôi là người Công Giáo. Tôi thờ phượng THIÊN CHÚA của người Công Giáo. Bằng chứng là tôi đã trả số tiền y như các tín hữu Công Giáo khác!
Quả thật, đúng như ông Trương hy vọng, đây là bằng chứng hùng hồn nhất đối với bọn giặc. Chúng xô ông ngã sấp xuống rồi dùng gươm giết chết ông. Thánh Trương Hoài Lộc dùng chính máu mình như giòng nước rửa tội, tẩy sạch mọi lỗi lầm và đưa ông vào cõi trường sinh bất diệt.
‘‘Tôi là con THIÊN CHÚA, làm sao tôi có thể thờ lạy ma quỷ được?”
Bọn giặc Quyền Phỉ giết tín hữu Công Giáo vô tội và tàn phá các làng mạc Công Giáo. Làng Công Giáo của Thánh Giuse Nguyễn Khanh Ẩn chung số phận.
Vào lúc đó, một người Công Giáo trong làng qua đời. Nhưng vì sợ bọn lính, dân làng chôn cất người chết vội vã sơ sài, không có nghi thức tôn giáo.
Vừa hay tin ông Ẩn cùng với con trai vội vàng đi đến chỗ chôn người chết. Ông cắm cây Thánh Giá lên mộ người quá cố, rảy Nước Thánh, rồi cả hai cha con quỳ gối đọc đủ mọi kinh nguyện trong nghi lễ chôn cất một tín hữu Công Giáo.
Có lẽ linh hồn người quá cố đã cầu bầu cho ông Ẩn được hồng ân lãnh nhận phúc tử đạo một vài ngày sau đó.
Hôm ấy nhằm buổi chợ phiên. Người người tràn ngập đường sá. Bọn giặc ập vào nhà ông Ẩn, bắt trói rồi dẫn ông đến miếu thờ gần đó. Bọn lính ra lệnh:
- Bây giờ ông quỳ xuống thờ lạy tượng thần của chúng tôi.
Ông Ẩn mạnh mẽ đáp:
- Tôi là một người Công Giáo, là con cái THIÊN CHÚA, làm sao tôi lại có thể cúi mình thờ lạy ma quỷ được?Tò mò muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra, dân chúng bu lại xem rất đông. Nhiều người trong đám đông nhận ra ông Ẩn. Họ hết lòng mộ mến ông, vì ông là người liêm chính, cương trực. Họ tìm cách cứu ông. Họ nói với bọn lính:
- Người là bạn chúng tôi. Xin các ông đừng làm hại người. Vã lại, bây giờ ông ta đâu còn là Công Giáo nữa! Chúng tôi xin làm chứng như vậy đó. Xin các ông tin lời chúng tôi!
Nghe vậy ông Ẩn nói lớn tiếng:
- Làm sao tôi lại có thể từ bỏ tôn thờ THIÊN CHÚA trời đất của tôi được? Xin quý ông bà cứ ra về bằng an, đừng bận tâm về tôi làm chi. Tôi sẵn sàng chết vì Đạo.
Bọn lính mang ông đến nơi hành quyết, nằm về hướng đông, theo tục lệ người Hoa. Ông Ẩn điềm tĩnh đi theo bọn lính, gương mặt hớn hở, mắt ngước nhìn Trời Cao. Người ta nghe ông nói:
- Tôi thấy Trời mở ra. Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Chúa.
Thánh Giuse Nguyễn Khanh Ẩn hưởng dương 47 tuổi.
(Celestino Testore, S.I, ”Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN