SỨC TÀN PHÁ KINH HOÀNG CỦA BOM NGUYÊN TỬ

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày hai quả bom nguyên tử nổ tại hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, nhưng người dân Nhật vẫn còn kinh hoàng về sức tác hại và hậu quả tàn khốc của chúng để lại. Vốn tính kiêu kỳ về nền văn hóa quốc gia, đa số người Nhật giữ thinh lặng, tránh khơi dậy một kinh nghiệm quá đau thương. Phải một thời gian rất lâu sau đó, có ít người bằng lòng lên tiếng, như lời mời gọi thế giới chung xây hòa bình. Xin trích thuật chứng từ của bà Kikue Miyamoto sống tại thành phố Kita-Kyushu. Hai trong số 3 người con của bà đã qua đời vì hậu quả của chất phóng xạ nguyên tử. Bà Kikue Miyamoto nói:

Tháng 8 năm ấy - 1945 - tôi bước vào tuổi 20 và đã lập gia đình. Tôi bồng bé gái 8 tháng về thăm mẹ đang sống với người em gái tại thành phố Hiroshima. Chúng tôi ở với mẹ đã tới ngày thứ sáu. Sáng hôm đó, còi báo động gióng lên inh ỏi. Tôi nghe tiếng phi cơ bay ầm ĩ trên trời. Tôi cứ ngỡ đó là chiếc B-29. Vào đúng lúc mẹ tôi đi vào nhà vệ sinh, tôi nghe một tiếng nổ chát chúa như thể một luồng chớp xuyên qua, rồi thì, tất cả bên trong nhà trở nên trắng xóa. Phản ứng đầu tiên của tôi là ôm chặt đứa con gái nhỏ trong vòng tay. Chúng tôi bị hất bổng lên cao rồi rơi nằm bẹp dưới đất. Đang cố gắng đứng lên, tôi bỗng nhận ra là căn nhà của chúng tôi đã sụp đổ. Tôi tự nhủ: “Mình tiêu tùng rồi!” Xong, tôi lịm đi không hay biết gì nữa.

Chính tiếng kêu của đứa con đã làm tôi tỉnh lại. Chúng tôi bị kẹt dưới cây đà sàng nhà. May mắn thay có chút lỗ hổng, nên có thể thở được. Tôi nghĩ rằng mình không thể nào thoát ra được. Nhưng khi gặp hoạn nạn, đôi lúc người ta tìm thấy một sinh lực khác thường. Sau khi làm đủ mọi cách, tôi đã thoát ra được. Một người đàn bà kêu tên đứa em gái tôi mấy lần. Đó là mẹ tôi. Tiếng nói là của mẹ. Nhưng khuôn mặt mẹ biến dạng đến nỗi tôi hỏi: “Có phải mẹ đó không?”. Mẹ tôi đáp: “Bộ con không nhận ra mẹ con nữa sao?”. Em gái tôi thì đen như dầu hắc. Em đứng đó, máu me chảy ra từ khuôn mặt và đôi tay. Cả bốn mẹ con chúng tôi tìm ẩn náu nơi một rạch sông đã cạn. Dân chúng bắt đầu chạy thoát khỏi thành phố, nơi các ngọn lửa bốc cháy mù mịt. Mọi người hốt hoảng không biết chạy về đâu. Sau cùng, chúng tôi cũng theo đoàn người tỵ nạn chạy xuống gầm cầu. Nơi đây đã có một đám đông người bị thương đang ngồi la liệt. Vào chính lúc ấy, thành phố bỗng trở nên tối om. Đêm đen như đổ ập xuống và một cơn mưa đen bắt đầu rơi lả chả.

Một người đàn bà ôm trong tay một cái gói gì đó phủ đầy máu. Tôi hỏi thì bà cho biết là nhà bà bị sập. Bà thoát được nhưng đứa con nhỏ của bà bị kẹt lại. Thấy lửa bốc cháy, bà tìm mọi cách để kéo con ra. Bà kéo mạnh đến nỗi đứa bé chỉ còn lại một thân thể rách nát, nhầy nhụa. Con bà đã chết. Nhưng bị thất thần vì quá đau đớn, bà vẫn tiếp tục ôm con vào lòng và đong đưa như ru con ngủ.

Một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra trước mắt. Những người bị thương có thân thể chương phình lên, khiến da bị nứt ra để lộ thịt bị cháy đỏ, giống như củ khoai bị nướng. Những người bị thương này tìm ra bờ sông và dìm mình xuống nước. Ban chiều, tôi nghe tiếng một người đàn bà kêu than, lập đi lập lại: “Cho tôi nước! Xin làm ơn cho tôi uống nước!”. Đó là lời duy nhất bà có thể nói. Bà này cũng đã mất trí vì quá đau đớn và vì quá kinh hoàng. Tất cả những người bị phỏng nặng và bị cháy sống cũng chỉ lập đi lập lại một câu nói duy nhất: “Cho tôi nước! Xin làm ơn cho tôi uống nước!”

Trời tháng 8 nóng như thiêu như đốt. Các vết thương mưng mủ và sinh giòi bọ nhanh chóng. Nhiều người bị thương nằm la liệt nơi các chòi được dựng lên cấp cứu, đều bị giòi ăn sống, trong số đó cũng có mẹ tôi. Phần tôi và đứa con gái nhỏ 8 tháng cũng bị thương nhưng kém trầm trọng hơn những người khác. Một thời gian ngắn sau đó, hai mẹ con tôi trở về nhà ở thành phố Kita-Kyushu. Tôi bị nằm liệt giường trong vòng một năm trời. Đứa con gái nhỏ của tôi qua đời 5 năm sau đó. Tôi cho ra chào đời hai đứa con trai nữa. Nhưng đứa con trai đầu lòng qua đời năm lên 4 tuổi vì bị tàn tật. Chỉ có đứa trai út còn sống đến ngày hôm nay.

Xin tuyệt đối đừng bao giờ gây ra chiến tranh. Nếu mọi người ý thức điều đó tận nơi cõi lòng thì thảm họa trên đây đã không xảy ra. Tôi ước ao sống trong một thế giới không có chiến tranh. Tôi muốn xây dựng một thế giới trong đó các thế hệ trẻ sẽ không bao giờ phải trải qua một kinh nghiện đau thương như tôi”.

(“Missions Étrangères de Paris”, n.355, Janvier/2001, trang 9-11).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN