Chúa Nhật 25-8-1991, tại nhà thờ giáo xứ Bois-d'Haine, vương quốc Bỉ, Cha Collard, Linh Mục Tổng Đại Diện, chính thức khai mạc án xin phong thánh cho chị Louise Lateau. Cha Collard cũng là thành viên Ủy Ban do Đức Cha Jean Huard, giám mục giáo phận Tournai, thành lập. Ủy Ban gồm các chuyên viên nghiên cứu cuộc đời và những nhân đức anh hùng của chị Louise Lateau. Chị được đặc ân mang Năm Dấu Thánh Chúa trên mình, trong vòng 15 năm trời. Louise Lateauchào đời ngày 29-1-1850, trong một gia đình nghèo, với hai chị gái. Louise mồ côi Cha lúc mới 2 tháng rưỡi. Từ đó bốn mẹ con sống nhờ lòng hảo tâm làm phúc của những người láng giềng. Louise cắp sách đến trường chỉ đủ để biết đọc. Sau này chính cô tự học viết, nhờ nhìn những người khác viết.
Gia đình Louise nghèo đến độ ngày rước lễ lần đầu, mẹ cô không sắm được chiếc áo đầm trắng, nhưng chỉ đủ tiền mua cho cô một đôi giày. Tuy vậy Louise không buồn, trái lại cô cảm thấy sung sướng vì được đội trên đầu chiếc voan trắng.. Sau ngày rước lễ lần đầu, Louise bắt đầu đi làm thuê làm mướn trong các gia đình giàu có khác.
Năm tròn 17 tuổi, Louise gia nhập dòng Ba Phanxicô. Từ đây linh đạo Phan-Sinh ảnh hưởng sâu xa trên cuộc đời cô. Chẳng bao lâu sau cô đi vào cuộc sống chiêm niệm thần bí, khởi đầu với luồng sáng cô cảm nhận được lúc cô đi đàng Thánh Giá và dừng lại suy ngắm nơi chặng thứ ba: Chúa GIÊSU ngã xuống đất lần thứ nhất. Sau đó, vào đêm Thứ Sáu Đầu Tháng đầu năm 1868, cô cảm nhận một luồng sáng khác với ước nguyện nồng nhiệt được thông phần đau khổ với Chúa GIÊSU. Ngày 24-4 cùng năm đó, các dấu thánh xuất hiện lần đầu tiên trên người cô Louise, và tái hiện vào mỗi ngày thứ sáu sau đó. Trong vòng 800 ngày thứ sáu liên tục, các dấu thánh xuất hiện và chảy máu, đôi khi đầm đìa, khiến cô cảm thấy thật đau đớn.
Sau khi có hiện tượng các dấu thánh xuất hiện trên mình, cô Louise bắt đầu mất dần các nhạy cảm thể lý, chẳng hạn cô hoàn toàn vô cảm trước các độ nóng quá cao hoặc độ lạnh quá thấp. Cô cũng không cảm thấy cần nhiều giấc ngủ. Do đó cô thường thức trắng đêm để cầu nguyện. Thời gian 7 năm cuối đời, cô Louise hoàn toàn không ăn uống gì, ngoài việc rước Mình Thánh Chúa GIÊSU. Cô chỉ sống bằng Thánh Thể Chúa KITÔ mà thôi.
Tuy nhiên, không phải những hiện tượng lạ lùng trên đây làm cho cuộc sống cô Louise trở nên khác thường. Điều khác thường nơi cô chính là nếp sống nội tâm thánh thiện của cô. Louise vốn giản dị khiêm tốn vì xuất thân từ gia đình nghèo. Nhưng cô càng tỏ ra giản dị khiêm tốn hơn từ ngày lãnh nhận hồng ân cảm nghiệm cuộc sống chiêm niệm thần bí. Cô hết sức tự khiêm và không muốn được nhiều người chú ý đến. Cô thổ lộ: “Tôi cảm nhận thực sự sự hiện diện của Thiên Chúa đến độ tôi không biết mình phải đứng chỗ nào. Tôi thấy Chúa quá cao cả, còn tôi quá bé nhỏ thấp hèn, nên tôi không biết mình phải ẩn trốn nơi đâu!” Một ngày, không hiểu vì lý do gì, một Linh Mục ra lệnh cho cô phải cầu xin Chúa cho xác cô không bị thối rửa, hư nát, sau khi cô chết. Cô liền trả lời: “Con sẵn sàng cầu xin như Cha muốn, cũng như cầu xin cho xác mọi người đều được như vậy và con hy vọng rằng Chúa sẽ nhận lời con cầu xin”.
Một đức tính khác nổi bật nơi cô Louise. Đó là tôn trọng sự thật. Khi vị bác sĩ điều tra có phải thật sự cô không ăn uống gì ngoài Mình Thánh Chúa GIÊSU không, Louise trả lời: “Trước sự hiện diện của Chúa, Đấng sẽ xét xử tôi, và trước cái chết gần kề, tôi xin quả quyết với ngài là, tôi không hề ăn gì và uống gì từ bảy năm qua”. Khi có dịp nói về Bí Tích Thánh Thể, cô Louise tuyên bố: “Tôi đói thật. Mỗi khi đi đến nhà thờ, tôi cảm thấy mình yếu sức. Nhưng sau khi chịu lễ, tôi không còn cảm thấy yếu nữa. Trái lại, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn và hăng hái hơn. Sức mạnh thiêng liêng lớn lao đến độ nó đã truyền sang cho cơ thể”.
Sau 15 năm mang các dấu thánh trên mình và sau 7 năm tròn chỉ sống bằng Mình Thánh Chúa GIÊSU KITÔ, ngày 25-8-1883, cô Louise Lateau trút hơi thở cuối đời, hưởng dương 33 tuổi. Đám táng cô diễn ra vô cùng trọng thể với sự tham dự của 5 ngàn người.. Cuộc đời cô Louise là chứng tá hùng hồn cho sức mạnh thiêng liêng của Thánh Thể Chúa KITÔ. Ngoài ra cô còn là gương mẫu của đức khiêm nhường, lòng tin cậy phó thác vào Tình Thương Quan Phòng của Chúa.
(“STELLA MARIS”, 11/1991, trang 8-9).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN