Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
Vào năm 1897, đúng 20 năm sau ngày thành lập, dòng nữ Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, đã có 1.500 chị. Dòng do Mẹ Marie de la Passion (1838-1904), người Pháp sáng lập. Năm trước đó, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris đến gặp Mẹ Marie và xin Mẹ cho các nữ tu của dòng đến giúp điều hành một trại Cùi mới mở tại Miến Điện. Vào thời kỳ ấy, bệnh cùi vẫn còn là chứng bệnh rùng rợn, vì y khoa chưa tìm ra phương thuốc chữa chạy hữu hiệu. Do đó, nói đến bệnh cùi và đến việc săn sóc bệnh nhân cùi là tức khắc gợi lên trong tâm trí hình ảnh và tên tuổi của cha Damien De Veuster (1840-1889), vị tông đồ của anh chị em cùi. Cha là linh mục thừa sai người Bỉ. Cha hiến thân phục vụ anh chị em cùi tại đảo Molokai. Sau cùng cha lây bệnh và qua đời tại đây, giữa anh chị em cùi. (Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 đã nâng cha Damien De Veuster lên bậc chân phước ngày 4-6-1995. Chúa Nhật 23-10-2002 ngài cũng nâng Mẹ Marie de la Passion lên hàng á thánh). Khi nhận lời xin của vị linh mục Hội Thừa Sai Paris, Mẹ Marie de la Passion đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Một quyết định mang tầm mức quan trọng. Sau cùng, ngày 10-9-1897, Mẹ Marie viết một bức thư gửi đến tất cả các cộng đoàn của dòng: “Đây là vấn đề chung có liên hệ đến từng Chị Em. Đó là việc thành lập hai trại cùi. Cho đến nay, Hội Dòng chúng ta chưa có hoạt động bác ái nào nhằm trợ giúp và săn sóc trực tiếp các anh chị em phong cùi xấu số. Tôi không bao giờ ép buộc bất cứ Chị Em nào phải lãnh nhận nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân cùi, bởi vì, việc săn sóc các bệnh nhân cùi là một lời kêu mời, một ơn gọi đặc biệt. Vậy thì ai trong Chị Em có ý muốn và lòng ước ao hiến thân phục vụ anh chị em cùi, xin gửi tên tuổi về cho tôi”.
Lá thư vỏn vẹn chỉ có thế, nhưng sau gửi đi, Mẹ Marie liền nhận được tên của 1000 chị, tình nguyện xin đi phục vụ anh chị em bệnh cùi. 1000 trên tổng số 1500 Chị Em toàn dòng, quả là biến cố bất ngờ. Sau khi suy nghĩ, Mẹ Marie quyết định chọn 6 trong số 1000 chị ghi tên và chuẩn bị gửi các chị đi Miến Điện. Trong dòng Nữ Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ lúc ấy thì 6 Chị Em được chọn là những người may mắn. Ngày 3-12-1897, các chị xuống tàu và hơn một tháng sau, các chị đặt chân lên đất Miến Điện..
Kể từ ngày lịch sử đó, hội dòng đã không ngừng tiếp tục tăng cường các hoạt động bên cạnh các anh chị em cùi kém may mắn. Tính đến năm 1966, các nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ làm việc trong 32 trại cùi, rải rác trong 17 quốc gia, trong số đó có Việt Nam, và săn sóc khoảng 10.000 bệnh nhân cùi.
Ngược dòng lịch sử, tính theo thứ tự thời gian, dòng “Chị Em Thánh Giuse thành Cluny”, nước Pháp, là dòng nữ đầu tiên hiến thân phục vụ các bệnh nhân cùi. Dòng do nữ chân phước Anne-Marie Javouhey sáng lập vào đầu thế kỷ 19. Chỉ vài năm sau ngày thành lập, tức năm 1833, các Chị Em đã bắt đầu làm việc cạnh các bệnh nhân cùi. Và công tác này vẫn được tiếp tục mãi đến ngày nay. Đặc biệt tại 5 nước: Ấn Độ, Tân Thế Giới, Sénégal, Madagascar và Guyane. Lý do thôi thúc các chị chú ý ngay tới các anh chị em cùi, là vì khi đến Cayenne, chị Anne-Marie, vị sáng lập dòng, trông thấy 24 bệnh nhân cùi bị bỏ rơi không ai săn sóc. Động lòng trắc ẩn, chị Anne-Marie xin chính quyền giao những người này cho cộng đoàn các chị đang có mặt ở đây chăm sóc. Chính chị Anne-Marie cũng đích thân chăm sóc các bệnh nhân ấy. Dần dần các chị mở mang cơ sở lan rộng thành một làng dành riêng cho người cùi. Sang đến giữa thế kỷ 20, các trung tâm cùi của các chị càng được phát triển và tối tân hơn nhờ sự cổ động và trợ giúp của hội người cùi do ông Raoul de Follereau khởi xướng.
“Tiếng tốt danh thơm thì hơn dầu quý, và ngày chết hơn ngày sinh. Đi đám tang thì tốt hơn đi đám tiệc, vì đó là điểm kết thúc của mọi người, người còn sống phải để tâm suy nghĩ. Phiền muộn thì tốt hơn vui cười, vì bộ mặt rầu rĩ giúp lòng người được cải thiện. Dạ người khôn ở nơi tang tóc, lòng kẻ dại ở chốn vui chơi. Nghe người khôn trách móc thì tốt hơn nghe kẻ dại ca khen. Vì tiếng cười của kẻ dại khác nào cành gai nổ lách tách dưới nồi, điều ấy cũng chỉ là phù vân. Bị áp bức người khôn hóa dại, của biếu xén làm hư hỏng lòng người” (Sách Giảng Viên 7,1-7).
(“MISSI”, n.10, Décembre/1971, trang 322-325).
Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo” Gương CHỨNG NHÂN